Người mù “mần hàng”… đi Tây
(Dân trí) - Bằng ý chí, sự liều lĩnh và nhanh nhạy trong kinh doanh, Hội người mù Thừa Thiên Huế đã đem đến cơ hội làm giàu cho hơn 500 người mù, giúp họ thoát khỏi lũy tre làng tù túng, làm ra những sản phẩm xuất khẩu.
Làm hàng xuất ngoại, thu tiền “đô”
Tháng 9/2001, Hội người mù tỉnh Thừa Thiên Huế ký một hợp đồng với Công ty Vitaly-Eco Protect Plant, một đơn vị trồng rừng môi trường ở vùng Campsas (Pháp). Mặt hàng mà người mù làm là những lồng tre bảo vệ cây trồng.
Các lồng được làm từ tre, mỗi lồng có 4 tấm đan hình vuông được ghép vào nhau, mỗi cạnh có kích thước 50cm. Các tấm đan được đan bằng những thanh tre chẻ dọc. Mỗi sản phẩm làm ra, dù của những người không thấy ánh sáng, vẫn phải qua kiểm định chất lượng rất chặt chẽ, từ khâu chọn nguyên liệu, kỹ thuật đan đến xử lý hóa chất và đóng gói.
Nhiều người nói Hội người mù hơi… liều, vì yêu cầu của “Tây” rất cao, sợ người mù không đáp ứng nổi. Nhưng thật bất ngờ là các sản phẩm của người mù “xuất ngoại” luôn được đánh giá cao và thường xuyên nhận được những lời ngợi khen từ phía đối tác nước ngoài.
Ông Evic Vitali - giám đốc Công ty Vitali-Eco Protect Plant - nhận xét nhân chuyến đến thăm nơi sản xuất : “Tôi rất hài lòng và thất sự bất ngờ trước chất lượng sản phẩm do người mù làm ra. Các sản phẩm các bạn làm ra có chất lượng tốt, giá cả lại phù hợp, các khâu sản xuất đều đúng quy trình”.
Nghe tin làm hàng xuất khẩu, hàng trăm người mù Thừa Thiên Huế lập tức đăng ký tham gia. Từ năm 2001 đến nay, Hội người mù đã cho “xuất ngoại” hơn 550.000 sản phẩm các loại lồng tre đan. Những container hàng “xuất ngoại” đầu tiên doanh thu không đáng là bao. Tuy vây, không nản chí các anh em người mù tự rút kinh nghiệm, đổi mới cải tiến các khâu sản xuất cho nên hàng của Hội những lần sau đều nhận được những lời ngợi khen từ phía đặt hàng, doanh thu ngày một tăng lên.
Hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi container đã cho lãi hơn 40 triệu đồng. Mỗi người mù tham gia đan lồng thu nhập khoảng 1-1,5 triệu đồng/tháng. Đến nay, công việc đan lồng tre xuất khẩu đã giải quyết việc làm cho hơn 500 người mù ở Huế và cho họ thu nhập ổn định.
Rọi “ánh sáng” cho những kiếp mù
Với ông Vũ, được trực tiếp làm hàng xuất khẩu là một niềm vui lớn mà ông chưa từng nghĩ tới. Trước đây ông Vũ làm nghề coi bói, nổi tiếng khắp vùng Hương Trà, vậy mà vẫn bỏ nghề “hái ra tiền” ấy để chuyển sang nghề đan lồng tre xuất khẩu.
Mỗi tháng ông kiếm được gần hai triệu đồng. Có tiền từ đan lồng tre xuất khẩu, ông mua thêm dàn loa máy cho thuê đám cưới, hội hè, mỗi tháng ông thu hơn 5 triệu. Ông vừa cất được ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi và có điều kiện nuôi dạy con cái học hành.
Hay như ông Nhơn, làm nghề hát xẩm dọc đường phố Huế, giờ cũng chuyển sang vót đũa, đan lồng. Ông tâm sự, nghề này tuy có đôi chút vất vả nhưng vui hơn vì nhận được những đồng tiền từ sản phẩm mình làm ra, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Anh Dương Ngọc Trúc, quê ở huyện miền núi Nam Đông, bị mù từ nhỏ. Tuổi thơ của Trúc là những chuỗi ngày dài u buồn. Đang loay hoay chưa biết làm việc gì để kiếm sống thì anh nghe tin trên thành phố có nghề đan lồng tre xuất khẩu của người mù.
Đến nay, sau 5 năm trong nghề đan lát, anh được đánh giá là một người có tay nghề giỏi, thu nhập mỗi tháng hơn một triệu đồng. “Từ khi làm công việc này em thấy mình sống có ý nghĩa hơn, em không còn tự ti về bản thân nữa. Vui nhất là em đã có được một cái nghề và nghề đó đã nuôi sống bản thân em” - Trúc tâm sự. Tết vừa rồi, cả gia đình Trúc ai cũng vui mừng khi thấy người con trai tật nguyền đã hết sống ua buồn, tự ti, lại có việc làm và thu nhập ổn định. Được biết, Trúc có dự định xây nhà và cưới vợ vào mùa xuân năm sau.
Anh Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội người mù Thừa Thiên Huế, là người vui mừng hơn cả, bởi anh chính là “thủ lĩnh” cở sở hàng lồng tre đan xuất khẩu này. Cũng chính anh là người đã lặn lội kiếm tìm đối tác làm ăn để đem đến cơ hội làm giàu cho anh chị em khiếm thị.
“Chú xem, người mù bọn tôi cũng biết làm kinh tế đó chứ. Đây mới chỉ là bước khởi đầu thôi. Chúng tôi sẽ còn làm được nhiều hơn thế. Tôi vui lắm! Vui vì anh chị em người mù không còn cảm thấy cuộc sống vô nghĩa nữa, chúng tôi đã có thể tự nuôi sống gia đình và bản thân bằng công sức của mình”, anh Lộc phấn khởi.
Hoàng Anh