Vụ sản phụ gặp nạn trên đường đến viện:
Người mẹ trẻ đang chờ nhìn mặt con quạnh hiu về lòng đất
(Dân trí) - Ngày 26/10 bà con dòng họ và người dân ở xóm đến tiễn đưa chị Nguyễn Thị Kim Ngọc về nơi an nghỉ cuối cùng. Khi chứng kiến đứa con gái 5 tuổi của chị Ngọc khóc, đòi mẹ dậy để chờ ba và em về chơi, bà con không ai cầm được nước mắt!
Sau khi được cơ quan chức năng hoàn thành hồ sơ vụ tai nạn đau lòng làm chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (28 tuổi) chết tại chỗ, gia đình chị Kim Ngọc ngậm ngùi đưa thi hài chị Ngọc về an táng trên phần đất nhà thuộc ấp Kênh Đào, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Chưa hết đau buồn, chị Nguyễn Thị Thanh Tân – chị ruột chị Kim Ngọc chia sẻ: “Hôm đưa Ngọc về nơi an nghỉ cuối cùng, bà con, chị em quá đau lòng khi chứng kiến cảnh tượng đứa em lạnh lẽo về lòng đất trong khi chồng và con đang nằm cấp cứu ở bệnh viện. Đã vậy, cháu Huyền (Nguyễn Thị Cẩm Huyền – đứa con gái 5 tuổi của vợ chồng chị Ngọc và anh Nam) còn “vô tư” hỏi chúng tôi mẹ nó ngủ khi nào dậy? Rồi cháu còn bảo chúng tôi kêu mẹ nó thức dậy, đợi cha và em của nó về chơi...!” Chị Tân sụt sùi nước mắt, không nói thêm được nữa.
Một lát sau chị Tân cho biết thêm: “Nhất là hôm đưa thi thể chị Ngọc về, cháu Huyền cứ hỏi sao mẹ về mà cha và em của nó đâu? Vì khi đi cha và mẹ cháu bảo đi sinh em bé để sau này chơi với nó. Bởi vậy, cháu cứ hỏi hoài, chúng tôi đành nói gạt cháu là cha và em cháu đi công việc, mai mốt mới về. Giờ đây, mỗi tối, trước khi đi ngủ cháu đều khóc đòi mẹ, đòi cha. Chị em trong nhà thay phiên nhau dỗ dành thật lâu cháu Huyền mới chịu đi ngủ”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, gia đình ông Nguyễn Văn Khoảnh (54 tuổi) – cha ruột chị Kim Ngọc là một gia đình thuần nông, kinh tế gia đình thuộc diện đủ ăn, đủ mặc. Ông Khoảnh có 5 người con gái và lâu nay vợ chồng bác Khoảnh sống với vợ chồng chị Kim Ngọc và hai cô con gái út. Ông Khoảnh cho biết, gia đình Bác có khoảng 10 công ruộng để trồng lúa và hoa màu, nhưng ông Khoảnh đã cho vợ chồng chị Kim Ngọc 3 công để làm ăn riêng.
Thường ngày, chị Kim Ngọc làm thêm nghề trầm nón lá để bán phụ tiền sinh hoạt với anh Nam. Riêng anh Nam thì lo việc đồng áng (mảnh ruộng của mình và của cha mẹ vợ), thu nhập từ 3 công ruộng cũng vừa đủ chi tiêu cho gia đình nhỏ của vợ chồng anh chị nên những lúc rảnh rỗi, anh Nam đi làm thuê để dành dụm tiền để chuẩn bị đón đứa con thứ hai chào đời. Tuy nhiên, thay vì niềm vui mừng đón đứa con trai thứ hai thì tang tóc ập xuống gia đình của anh Nam. Bởi thế, bà con đến đưa tang ai nấy đều đau lòng, xót cho số phận của chị Kim Ngọc và đứa con trai thứ hai của anh Nam phải chào đời trong cảnh tang tóc.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Văn Tú – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết: “Ngay sau vụ việc xảy ra, UBND xã cử đại diện một số ban ngành đoàn thể đến thăm hỏi và động viên gia đình chị Kim Ngọc. Hiện tại, chuyện hậu sự của chị Kim Ngọc gia đình và địa phương đã làm xong mọi việc. Riêng vấn đề chi phí an táng chị Ngọc thì gia đình chú Năm ( ông Khoảnh - PV) cho biết là phía công ty xe bồn có đến thăm hỏi và hỗ trợ các khoản phí đó. Do vậy, vấn đề gia đình bác Khoảnh đang lo là chi phí chữa bệnh cho anh Nam và đứa cháu ngoại mới chào đời đang nằm điều trị ở bệnh viện.”
Trao đổi với PV Dân trí ông Trần Anh Thư – Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên cho biết: “Việc hỗ trợ cho gia đình chị Nguyễn Thị Kim Ngọc và anh Nguyễn Văn Nam là chắc chắn có rồi. Tuy nhiên vấn đề chúng tôi đang quan tâm nhất là làm sao đừng có thêm một vụ tai nạn nào xảy ra nữa. Vì liên quan đến dự án xây dựng 7 cây cầu trên tuyến quốc lộ 91 (đoạn đi qua các phường của TP. Long Xuyên, những cây cầu này “già yếu” cần xây dựng lại) trong 2 tháng thi công đã xảy ra 2 vụ tai nạn làm chết người, nhưng dự án còn 4 tháng nữa mới hoàn thành. Do vậy, sáng mai (28/10) tôi cùng với Ban an toàn giao thông thành phố có buổi họp với Ban an toàn giao thông tỉnh và Ban quản lý 6 – nhà thầu chính xây dựng 7 cây cầu trên địa bàn TP. Long Xuyên thuộc Bộ GTVT để có hướng giải quyết như thế nào để đảm bảo vấn đề an toàn cho người đi đường. Vì vấn đề này, ngay khi công trình bắt đầu chúng tôi đã nêu ra chuyện ùn ứ (vì đoạn đường có mật độ giao thông rất cao) và độ an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông, như việc đặt biển báo, đèn tín hiệu rồi có người hướng dẫn, báo hiệu khi các loại xe chuyên dụng cho công trình khi lưu thông… Tuy nhiên, thời gian đầu các đơn vị thi công làm rất tốt nhưng sau đó thì chệch choạc… người dân phiền hà và lo lắng mỗi khi đi qua các đoạn đường này!” |
Nguyễn Hành