1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người mẹ kể về 15 phút đứa con tử tù tạt qua nhà xin tiền

(Dân trí) - Bà Nguyễn T.M. (mẹ đẻ tử tù trốn trại Nguyễn Văn Tình) tại xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội, có 2 người con trai thì cả 2 đều lĩnh án tử hình vì liên quan đến ma tuý. Đó là nỗi đau quá lớn của một người mẹ mà bà khó có thể tỏ bày cùng ai.

Cha Tình gặp tai nạn khi đi đón con

Sau gần 150 giờ bỏ trốn khỏi trại tạm giam T16 Bộ Công an, đến 1h30 ngày 17/9, tử tù Nguyễn Văn Tình đã bị bắt lại tại một lán trông nương thuộc khu vực rừng già xã Tân Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình.

Sáng ngày 18/9, chúng tôi có mặt tại ngôi nhà của tử tù Nguyễn Văn Tình tại xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Tiếp chúng tôi là một người phụ nữ xưng là mẹ của Tình, với khuôn mặt ủ rũ, đôi mắt thâm quầng và buồn bã.

Vốn đã quá đau buồn vì người con trai nhận án tử hình, nay con bà trốn trại, gây "hỗn loạn" dư luận suốt một tuần qua và bị bắt trở lại, là một người mẹ, bà cảm nhận rõ nỗi đau như tăng lên gấp bội và rất ân hận vì đã không khuyên con trở về đầu thú ngay lúc đó.

Trong mắt người mẹ ấy, đứa con nhận án tử vì ma túy của mình vẫn là đứa trẻ “trước đây rất ngoan ngoãn và hiền lành”.


Người mẹ của tử tù trốn trại biết hành vi giúp con của mình là vi phạm pháp luật.

Người mẹ của tử tù trốn trại biết hành vi giúp con của mình là vi phạm pháp luật.

Chia sẻ với PV Dân trí, bà Nguyễn T.M. nói, vào cái đêm Tình trốn thoát khỏi trại giam T16, Tình đã về nhà để xin bộ quần áo cùng với một số tiền để đi đâu đó trong vài ngày.

“Lúc đó là vào khoảng hơn 4h sáng 11/9, con trai về nhà gọi cửa, mọi người ai cũng bàng hoàng. Cô thấy nó cùng với một người nữa đi taxi đứng đậu trước cửa nhà, nhưng chỉ có Tình đi vào còn người kia thì ngồi trong xe. Vừa gặp nó, cô liền hỏi, sao con lại trốn ra? Nó bảo: “Con không trốn ra mà chết à, người ta tử hình con đấy”.

Nghe nó nói xong mà cô run rẩy chân tay, còn chưa kịp nhìn rõ mặt đứa con tội tình của mình thì Tình bảo với cô lấy cho nó một bộ quần áo cùng ít tiền để đi. Cuộc nói chuyện của hai mẹ con kéo dài chưa đầy 15 phút”, bà M. kể lại.

Bà M. cũng cho biết, khi Tình trốn khỏi trại giam đã gọi điện cho bố (bố của Tình làm tài xế taxi) tới đón. Nhận được cuộc điện thoại của đứa con trai đang ngồi tù, bố Tình quá hoảng loạn và vội vã nên trong quá trình chạy đi đón con đã bị tai nạn, bị thương ở vai.

Vì vậy Tình và Thọ "sứt" đã tự bắt taxi về nhà gặp mẹ.

Mẹ tử tù Nguyễn Văn Tình kể về quãng thời gian Tình còn làm giáo viên trên vùng cao. (Video: Trần Thanh)

Tử tù từng mang ước mơ làm thầy giáo

Bà M. có hai người con trai là Hùng (sinh năm 1993) và Tình (sinh năm 1989). Cả hai đều đang bị lĩnh án tử hình, đợi ngày xét xử, vì liên quan tới ma tuý.

“Hai anh em thằng Tình từ nhỏ đều ngoan, ở xóm này ai cũng quý hết, cho đến lúc trưởng thành, ra ngoài xã hội mới sinh hư. Con lớn chúng tôi không quản được, em trai nó cũng bị đi tù vì liên quan đến ma túy” - vừa kể bà mẹ vừa chực tuôn 2 dòng nước mắt.

Bà M. kể, trước đây Tình từng có ước mơ làm thầy giáo, mang cái chữ đến với trẻ em vùng cao. Sau khi tốt nghiệp một trường Cao đẳng Sư phạm, Tình lên Điện Biên dạy học ở một bản vùng cao. Dạy được hơn 1 tháng thì Tình xin nghỉ vì vất vả...

Qua tìm hiểu được biết Tình có hai đời vợ, có một con gái với người vợ đầu. Người vợ thứ 2 còn rất trẻ, năm nay mới 21 tuổi, cưới nhau được mấy tháng thì Tình bị bắt vì liên quan đến đường dây cất 490 bánh ma túy trong bình gas do Đặng Minh Châu (tức Liên Toác, quê Lạng Sơn) và Nguyễn Thanh Tuân (34 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội) cầm đầu.

Trước đó, khi Tình chưa bị kết án tử, Tình từng nói với vợ: “Đừng lo quá. Cùng lắm anh cũng chỉ ngồi tù 15 - 20 năm thôi".

"Nhưng đến khi xét xử, lúc bị kết án tử hình, nó đã gục xuống, tuyệt vọng hoàn toàn. Chắc cũng vì đó mà nó mới làm liều bỏ trốn khỏi trại giam”, người mẹ đau xót nói.

Nói về việc con trai bỏ trốn khỏi trại giam cũng như việc gia đình bà chu cấp tiền cho con bỏ trốn, không tố giác với cơ quan chức năng là vi phạm pháp luật, bà M. tỏ ra ân hận nhưng cho biết, bản thân bà là một người mẹ, chứng kiến con trong hoàn cảnh đó, bà cũng hoang mang không biết phải xử trí ra sao.

Trần Thanh