1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nam:

Người lính thông tin “5 phút vụt sáng thành anh hùng”

(Dân trí) - Nhằm đảm bảo thông tin trong chiến dịch thành cổ Quảng Trị 1972, anh lính thông tin Trần Duy Hoan đã dũng cảm dùng răng cắn hai đầu dây thông tin bị đứt, nối liền đường truyền. Kết thúc cuộc gọi cũng là lúc toàn thân anh co rúm...

Tìm đến nhà người lính thông tin Trần Duy Hoan năm xưa ở xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, anh lính thông tin dũng cảm năm xưa là Thiếu tá Trần Duy Hoan, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nay đã 72 tuổi. Gặp chúng tôi, ông niềm nở mời vào nhà trò chuyện. 5 phút ngắn ngủi mà đầy hiểm nguy khi ông dũng cảm dùng răng cắn 2 đầu dây bị đứt, để dòng điện chạy qua người, nhằm nối cho đường dây thông tin liên lạc trong chiến dịch phòng thủ Quảng Trị năm 1972 được thông suốt, lại ùa về bồi hồi, xúc động.

Anh lính thông tin Trần Duy Hoan lúc đang thử máy thông tin năm 1973 (ảnh tư liệu).
Anh lính thông tin Trần Duy Hoan lúc đang thử máy thông tin năm 1973 (ảnh tư liệu).

“Năm 19 tuổi, lúc đó là vào tháng 2 năm 1968, tôi nhập ngũ vào Đại đội 5, Tiểu đoàn Thông tin 26, Quân khu 3. Sau đó tôi được chuyển về Trung đoàn Thông tin 134 (nay là Lữ đoàn 134) thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc. Là đơn vị bảo đảm thông tin huyết mạch từ Thủ đô Hà Nội tới vĩ tuyến 17, nên chúng tôi được huấn luyện kỹ lưỡng, tuân thủ nghiêm ngặt quy định và mật ngữ liên lạc…”, ông Hoan nhớ lại.

Sau thời gian chiến đấu trên đất bạn Lào, ông trở về nước và tham gia chiến dịch phòng thủ Quảng Trị. Quảng Trị lúc bấy giờ là điểm nóng, nên bom đạn địch rải khắp nơi, đường dây thông tin liên lạc vì thế mà liên tục bị đứt. Đơn vị ông đóng ngay bên bờ sông Thạch Hãn, là lính thông tin nên đơn vị của ông có nhiệm nối lại những sợi cáp bị đứt đảm bảo thông tin liên lạc giữa ban chỉ huy và chiến trường.

Người lính thông tin năm xưa giờ đã bước sang tuổi 72.
Người lính thông tin năm xưa giờ đã bước sang tuổi 72.

Ông Hoan kể lại, giữa tháng 9/1972 Quảng Trị bị địch đánh phá ác liệt từ Vĩnh Linh vào sông Thạch Hãn. Mục đích của địch là nhằm chia cắt đường thông tin của ta từ Hà Nội vào miền Nam. Đoạn dây thông tin của tổ 29 do ông làm Tổ trưởng bị đánh ác liệt nhất. Đầu này ta vừa nối xong, chúng đã ném bom đứt đầu kia.

Lúc trận đánh sắp diễn ra, nhiều đoạn đã được đội của ông nối lại hết, chỉ còn duy nhất một đoạn nhiều mối nối quá, mà lúc đấy lại hết dây dự phòng. Mặc dù đã cố kéo căng hai đầu dây nhưng vẫn không được. Trong khi thông tin từ ban chỉ huy với chiến trường sắp cần được đấu mối. Trong thời khắc quan trong, ông Hoan đã ghì hai đầu dây cho vào răng và cắn chặt lại.

Ông Hoan vẫn còn nhớ như in: "Lúc đó, cấp bách quá mà thông tin mật không được chậm một phút. Không chần chừ, tôi ghì hai đầu dây lại cắn chặt để nối chứ không nghĩ là nhờ đó có thể giúp thông tin được đảm bảo trong 5 phút", ông Hoan nhớ lại và cho hay, kết thúc cuộc gọi cũng là lúc toàn thân ông co rúm, bất tỉnh và nửa giờ sau mở mắt thì thấy đang nằm trong tay đồng đội.

Ông Hoan hiện vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn.
Ông Hoan hiện vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn.

"Vì là mệnh lệnh quan trọng, khẩn cấp từ cấp trên xuống, nên nếu dùng thông tin vô tuyến sẽ không bảo đảm bí mật vì có thể bị địch nghe trộm. Hơn nữa, dùng vô tuyến sẽ phải số hóa bằng mật ngữ liên lạc, tới nơi thì thông tin viên lại phải dịch ra cho các đồng chí tư lệnh nên rất mất thời gian. Nếu chậm một phút thì sẽ có rất nhiều đồng đội sẽ ngã xuống. Vì thế, tôi không chần chừ lúc ấy chỉ nghĩ làm sao cho thông tin đến thật nhanh thôi" - người lính lý giải giản đơn về hành động anh hùng của mình năm xưa.

Nhờ hành động táo bạo, dũng cảm của ông Hoan, mà toàn bộ khẩu lệnh quan trọng của lãnh đạo Bộ được truyền nguyên vẹn đến chiến trường, giảm bao tổn thất cho đồng đội; góp phần không nhỏ vào chiến thắng cuối cùng trong chiến dịch xuân hè năm 1972.

Ông Hoan hiện vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn.
Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng được chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hoà Miền Nam Việt Nam trao tặng ông Hoan.

Sau khi chiến dịch 81 ngày đêm thành cổ Quảng Trị kết thúc, ông Hoan được ra Bắc và thi đỗ vào Học viện Quân sự. Tốt nghiệp, ông giữ chức Đại đội trưởng thông tin cho mạng lưới thông tin tại Hà Nội, Hà Tây (cũ) và Vĩnh Phú (cũ). Nhờ những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, năm 1973, ông vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chiến tranh đã qua, anh lính thông tin gan dạ, dũng cảm năm xưa đã bước sang tuổi 72. Tuy trên mình còn mang những vết thương của chiến tranh năm xưa, nhưng khi trở về với đời thường ông Hoan vẫn là người mẫu mực cần mẫn, không những chỉ đỡ vợ con, ông còn tích cực tham gia vào công tác khuyến học khuyến tài của xã Vụ Bản.

Đức Văn - Duy Tuyên