DMagazine

"Người lính may mắn trở về không thể để đồng đội phải nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm"

(Dân trí) - “Chúng tôi không cùng đơn vị nhưng đều là người lính, cùng chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp bảo vệ Tổ quốc. Người lính may mắn trở về không thể để đồng đội mình phải nằm lại ở nơi rừng sâu núi thẳm, xa gia đình, xa người thân ruột thịt”, cựu lính đặc công Ngô Văn Hoằng chia sẻ trong ngày đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thời trở về quê hương.

Người lính may mắn trở về không thể để đồng đội phải nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm - 1
Sau gần 50 năm, liệt sĩ Nguyễn Văn Thời đã được gia đình, đồng đội đưa về quê hương.

Mùa hè, trời nắng như đổ lửa. Đã cuối ngày, những tia nắng vẫn xiên vào gáy, bỏng rát. Gió Lào thổi ràn rạt trên ngọn cây. Chiếc xe ô tô từ quốc lộ 1 rẽ vào đường làng. Ô tô chở hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Văn Thời (xóm 21, xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An) trở về quê sau gần nửa thế kỷ xa cách.

“Người lính may mắn trở về không thể để đồng đội mình phải nằm lại ở nơi rừng sâu núi thẳm, xa gia đình, xa người thân ruột thịt".

Ngày anh ra đi, con đường này còn là đường đất, người mẹ già tiễn chân ra tận chỗ tập trung. Giờ đây, làng đã hóa phố, con đường trải nhựa phẳng lì, cuộc sống đã yên bình trở lại. Bình yên được đánh đổi bằng xương máu của hàng triệu chàng trai, cô gái và nước mắt của bao nhiêu bà mẹ…

Đưa đồng đội về quê hương

Anh trở về, mẹ cha đã thành người thiên cổ sau những tháng năm đằng đẵng đợi chờ con. Anh trở về trong vòng tay của những người đồng chí, đồng đội, những người em thân yêu của mình, trong nghi ngút khói hương. Thân thể cường tráng năm xưa chỉ gói gọn trong một chiếc bọc phủ lá cờ Tổ quốc thắm máu của bao người.

Anh đi, đi mãi…

Chặng đường dài từ Tây Nguyên về TP Vinh khiến bà Nguyễn Thị Liễu (SN 1957) trông mệt mỏi hơn. Khi hài cốt người anh trai liệt sĩ Nguyễn Văn Thời (SN 1952) được đưa về, bà vẫn chưa thôi tất bật sắp đặt chỗ nọ, chỗ kia để lễ truy điệu, an táng được diễn ra quy củ, trang nghiêm.

Người lính may mắn trở về không thể để đồng đội phải nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm - 2
Liệt sĩ Thời hi sinh khi vừa tròn 20 tuổi, trong cuộc chiến đấu giành cao điểm 1049 - một phần trong tuyến phòng thủ quan trọng của địch ở phía Tây Pô Kô (Tây Nguyên).

Tháng 5/1971, chàng trai 19 tuổi Nguyễn Văn Thời lên đường nhập ngũ, phiên chế vào đơn vị C1, D19, F320 mặt trận B3, Quân khu 5. Chưa đầy 1 năm sau, gia đình nhận được giấy báo tử của liệt sĩ Thời.

Ông Đặng Văn Quyền – đồng đội cùng đơn vị của liệt sĩ Thời nhớ lại: Trong chiến dịch Xuân Hè 1972, đơn vị chúng tôi được lệnh đánh chiếm cao điểm 1049 (xã Hờ Moong, Sa Thầy, Kon Tum) khi chiến dịch Xuân Hè 1972 bước vào giai đoạn 2. Đây là 1 trong 2 cao điểm của Mỹ Ngụy ở Tây Nguyên do hai tiểu đoàn dù  thuộc Lữ đoàn Dù 2 Quân lực Việt Nam Cộng hòa án ngữ nhằm tạo thành tuyến phòng thủ phía Tây sông Pô Kô.

Trong khi lực lượng ta làm chủ được cao điểm 1015, tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch thì cuộc chiến giành cao điểm 1049 không giành được thắng lợi. Từ nửa cuối tháng 4/1972, với sự chi viện thêm lực lượng, các đơn vị thuộc Sư đoàn 320 đã tấn công dồn dập vào cao điểm 1049.

“Trong trận đấu mở màn của giai đoạn 2, đồng chí Thời và 2 đồng chí khác trúng một quả đạn pháo của địch, hi sinh. Đến đêm, chúng ta tiêu diệt toàn bộ Tiểu đoàn Dù 2 của địch và các lực lượng đến ứng cứu, hoàn toàn làm chủ được cao điểm 1049 và các cao điểm lân cận”, ông Quyền kể.

Người lính may mắn trở về không thể để đồng đội phải nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm - 3
Ông Đặng Văn Quyền - cùng đơn vị chiến đấu với liệt sĩ Nguyễn Văn Thời kể lại sự hi sinh anh dũng của người đồng đội.

Hai cao điểm 1015, 1049 bị chiếm lĩnh, phòng tuyến phía Tây sông Pô Kô bị phá vỡ, quân giải phóng vượt sông tiến về Đak Tô, Tân Cảnh ngày 24/4/1972, làm chủ một vùng tương đối rộng, đồng thời khiến cho lực lượng phòng ngự của địch ở thị xã Kon Tum hoang mang, lo sợ.

Năm 1976, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thời đã được tìm kiếm, cất bốc và quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kon Tum.

Đón anh về

Chiến tranh kết thúc, cũng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên gia đình không có điều kiện đi tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thời về quê. Năm 1999, 2001, bà Nguyễn Thị Liễu đi tìm anh trai nhưng không tìm thấy. Đến năm 2005, lần theo giấy báo tử và danh sách các liệt sĩ quy tập về các nghĩa trang ở Tây Nguyên gia đình mới tìm thấy phần mộ của liệt sĩ Thời tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kon Tum.

Người lính may mắn trở về không thể để đồng đội phải nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm - 4

“Tìm được anh, gia đình mừng lắm. Đau đáu ước nguyện đưa anh về với mẹ cha, với quê hương bản quán nhưng tôi là phận gái, sức có hạn, đành ngậm ngùi để anh lại với đồng đội ở Tây Nguyên”, bà Liễu tâm sự.

Chồng bà Liễu là ông Nguyễn Văn Tợi, nguyên chiến sĩ đặc công chiến trường Trị - Thiên. Là người lính, hơn ai hết, ông hiểu nỗi đau của vợ khi người anh trai thân yêu đang nằm lại ở chiến trường xa xôi, hàng năm không thể vào hương khói, thăm viếng chu đáo. Ông đánh bạo đặt vấn đề với Ban liên lạc Chiến sĩ đặc công TP Vinh nhờ giúp đỡ dù phân vân liệu rằng không cùng đơn vị chiến đấu các đồng chí trong Ban liên lạc có đồng ý giúp hay không?

Người lính may mắn trở về không thể để đồng đội phải nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm - 5
Bà Nguyễn Thị Liễu - em gái liệt sĩ Nguyễn Văn Thời: Sau gần 50 năm, nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, các đồng chí, đồng đội, anh trai tôi đã được trở về đoàn tụ với gia đình, với quê hương.

Nhận được lời đề nghị của ông Tợi , ông Ngô Văn Hoằng – Trưởng Ban liên lạc Chiến sĩ đặc công TP Vinh nhận lời ngay: “Dẫu chúng ta không cùng đơn vị nhưng chúng ta cùng là người lính, cùng chiến đấu vì độc lập dân tộc. Nay, gia đình đồng chí đồng đội của chúng ta vì điều kiện khó khăn về kinh tế, khó khăn về con người mà không thể đưa người thân trở về, chúng ta cũng không thể nào yên lòng được”.

Kế hoạch vào Tây Nguyên cất bốc, đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thời về quê hương được các thành viên trong Ban liên lạc và các cựu chiến sĩ đặc công TP Vinh đồng ý. “Rất mừng là từ miền Nam xa xôi của Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Việt Anh, một người con quê hương Hà Tĩnh, dù không cùng đơn vị với chúng tôi hay liệt sĩ Thời nhưng khi hay tin, đã bay về, dùng các mối quan hệ của mình, giúp đỡ đoàn trong quá trình đi lại, cất bốc và đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thời về quê hương”, ông Hoằng kể.

"Không chỉ liệt sĩ Thời mà bất cứ gia đình thân nhân liệt sĩ nào cần sự hỗ trợ, chúng tôi đều sẵn sàng cho đến lúc nào sức khỏe không cho phép. Đó là cách chúng tôi tri ân những đồng đội, đồng chí đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc!".

Sau một thời gian khá dài chuẩn bị các điều kiện về thủ tục, giấy tờ, kinh phí, công tác tiền trạm, cuối tháng 6/2019, 3 đồng chí trong Ban liên lạc Chiến sĩ đặc công TP Vinh, ông Nguyễn Việt Anh và người thân của liệt sĩ Thời lên đường vào Tây Nguyên. Cùng với sự giúp đỡ của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, tỉnh Kon Tum và Ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kon Tum, việc cất bốc hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thời diễn ra một cách thuận lợi. Ngay trong đêm, chuyến xe ngược về Nghệ An. Đoàn vượt hành trình gần 1.000 km, vượt dốc, đổ đèo Lò Xo – 1 trong những cung đường hiểm trở nhất Việt Nam trong thời tiết sương mù dày đặc lúc giữa đêm để chiều muộn về tới Nghệ An.

Người lính may mắn trở về không thể để đồng đội phải nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm - 6

Sau gần nửa thế kỷ, liệt sĩ Nguyễn Văn Thời được trở về quê hương trong vòng tay gia đình, đồng đội. Lễ truy điệu, an táng liệt sĩ Thời cũng được tổ chức trọng thể tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Vinh.

“Chúng tôi may mắn trở về sau chiến tranh, còn nhiều đồng đội, đồng chí của chúng tôi đang nằm lại ở các nghĩa trang hay trong những cánh rừng già, chưa được về với gia đình. Không chỉ liệt sĩ Thời mà bất cứ gia đình thân nhân liệt sĩ nào cần sự hỗ trợ, chúng tôi đều sẵn sàng cho đến lúc nào sức khỏe không cho phép. Trước liệt sĩ Thời, Ban liên lạc Chiến sĩ đặc công TP Vinh cũng cùng gia đình tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt 4 liệt sĩ đưa về quê hương. Đó là cách chúng tôi tri ân những đồng đội, đồng chí đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc”, cựu chiến binh Trần Văn Toàn – Ban liên lạc Chiến sĩ đặc công TP Vinh - chia sẻ.

Hoàng Lam