1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Biết đâu giấy báo tử sai, các con lại về với mẹ!”

(Dân trí) - Đã bao nhiêu năm tháng đi qua, thời gian chỉ khiến cho mẹ Long già đi, còn vết thương trong tim mẹ kể từ ngày nhận tin con hy sinh vẫn còn vẹn nguyên chưa bao giờ nguôi ngoai. Mẹ bảo, đến giờ mẹ vẫn không tin ngày tiễn con đi bộ đội là ngày cuối cùng nhìn thấy “núm ruột” của mình.

"Con hy sinh cho Tổ Quốc, mẹ không trách, chỉ thương!"

Một ngày cuối tháng 7, nắng như đổ lửa, tôi tìm về nhà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Long (dân tộc Mường, thôn Đồng Xuân, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh, Thanh Hóa). Băng qua những cung đường mòn nhỏ vòng vèo quanh núi Nưa mới đến được nơi mẹ ở.

Năm nay mẹ Long đã bước sang tuổi 87, ký ức cuộc đời, mảng còn, mảng mất, song thẳm sâu trong trái tim vẫn hằn in hình bóng con trai, nỗi đau ngày nhận tin con hy sinh vẫn còn nguyên vẹn. Nhắc đến các con, mẹ Long sụt sùi, nước mắt ứa ra từ khuôn mặt già nua, nhăn nheo. “Các con của mẹ hy sinh vì Tổ Quốc, mẹ không trách gì, chỉ thương thôi…” – mẹ Long ngậm ngùi.

“Biết đâu giấy báo tử sai, các con lại về với mẹ!” - 1

Với mẹ Long, các con hy sinh vì Tổ quốc mẹ không trách gì, chỉ thương thôi...

Mẹ kể: “Mẹ có 6 người con thì có 2 đứa lên đường nhập ngũ. Ngày đó nghèo lắm, cơm không có ăn, chỉ độc có khoai với sắn… rồi thằng Minh được gọi đi bộ đội. Ngày ra đi, nó cứ cầm mãi tay mẹ rồi bảo: con đi rồi, bố mẹ cố gắng nuôi các em, hết nghĩa vụ con về. Vậy mà nó đi rồi đi mãi chẳng về…”.

Anh Quách Văn Minh (SN 1963), là con thứ 2 của mẹ Long. Năm 1982, anh lên đường nhập ngũ vào chiến trường Tây Ninh và trở thành lính tình nguyện trên đất nước Campuchia. Anh Minh nhập ngũ năm 1982 thì năm 1985 anh hy sinh.

Nỗi đau này chưa vơi, đến năm 1997 mẹ lại nhận được hung tin, người con trai thứ 4 là anh Quách Văn Quang (SN 1967) cũng hy sinh ở đảo Mê trong một lần làm nhiệm vụ.

“Biết đâu giấy báo tử sai, các con lại về với mẹ!” - 2

Lá thư và tấm vải liệt sỹ Minh gửi về, mẹ Long đã gìn giữ suốt 34 năm qua như một báu vật của đời mình.

Mẹ Long tan nát cõi lòng khi tiếp tục nhận tin con trai hy sinh. “Họ báo về cho thằng Sơn (con trai thứ của mẹ) rồi Sơn với cán bộ xã vào Tĩnh Gia làm lễ truy điệu. Mẹ với vợ thằng Quang có hay biết gì đâu. Vợ thằng Quang lúc đó mang bầu 8 tháng nên cũng phải giấu. Mãi đến khi xong công việc, trở về thì mẹ con mới biết. Mẹ đau lắm…” – mẹ Long ngậm ngùi.

Mẹ bảo, cuộc sống khó khăn, phận đàn bà con gái còn trẻ cần chỗ dựa nên mẹ đã khuyên con dâu đi bước nữa. Thương con trai đã đành nhưng nhìn con dâu khổ mẹ thương vô cùng. Nhưng con dâu mẹ đã ở vậy thờ chồng và nuôi con cho tới tận bây giờ.

Mẹ ngồi bó gối trên hiên nhà, đôi tay run run lật giở trong mấy lần bọc nilon kỷ vật của anh Minh gửi về trước lúc hy sinh. Đã 34 năm trôi qua, kỷ vật là bức thư và tấm vải vẫn được mẹ gìn giữ như báu vật, chỉ có điều kỷ vật đã úa màu thời gian.

“Biết đâu giấy báo tử sai, các con lại về với mẹ!” - 3

Bức thư con trai gửi về, mẹ Long đã thuộc từng câu, từng chữ...

“Trước lúc sang chiến trường Campuchia, nó viết thư về báo cho mẹ biết rồi gửi kèm tấm vải này. Trong thư nó còn bảo hoàn thành nhiệm vụ là về lấy vợ…” – mẹ Long nâng niu kỷ vật của con trên tay mà nước mắt không ngừng chảy.

Mẹ vẫn mong con về

Anh Quách Văn Sơn, con trai thứ của mẹ, cho biết: “Thương mẹ nhất là ngày hòa bình, bộ đội về nườm nượp, mẹ cũng bỏ ăn đứng dõi mắt ngóng trông. Mẹ nói biết đâu giấy báo tử sai, anh con lại về với mẹ”.

Niềm hy vọng của mẹ mãi cho đến nhiều năm sau này, mỗi khi trời chiều bắt đầu ngả bóng, từ bên mái hiên nhà được lợp bằng rạ lúa, mẹ vẫn đứng nhìn ra con đường dẫn vào làng trông đợi bóng con, cho đến lúc sương mờ giăng trên đỉnh núi sau nhà lan tỏa, khiến mẹ không nhìn rõ nữa mới thôi.

“Biết đâu giấy báo tử sai, các con lại về với mẹ!” - 4

Mẹ đau nhưng mẹ tự hào vì trong cuộc bảo vệ đất nước, có xương máu của các con mẹ.

Rồi bây giờ, mỗi lần nhớ anh, mẹ lại lấy kỷ vật ra ngắm rồi khóc, vào những ngày này mẹ cứ thẫn thờ nhìn di ảnh các con thở dài.

Anh Minh hy sinh từ năm 1985 trên đất nước Campuchia nhưng mãi đến năm 1996 hài cốt của anh mới được tìm thấy và đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Bình Phước. Từ ngày đó đến giờ mẹ được vào thăm anh 2 lần, lần đưa anh về và một lần vào năm 2013.

Dù nhớ con biết nhường nào nhưng 6 năm nay, mẹ yếu không còn đi lại được nữa. Mẹ bảo ước nguyện trước lúc nhắm mắt về với tổ tiên là được đón anh về quê nhà. Mẹ ngước mắt chỉ tay về phía ngọn đồi cách nhà chỉ vài trăm mét bảo “mới chỉ đưa được hài cốt của thằng Quang về để bố con nó gần nhau thôi, mẹ mong trước lúc chết mẹ được đưa thằng Minh về nằm chung ở đó”.

Chia tay chúng tôi, đôi mắt của mẹ vẫn đỏ hoe, sâu thẳm trong đôi mắt ấy là tận cùng của nỗi đau nhưng ánh lên một niềm tự hào khó tả. Bởi trong cuộc chiến giữ vững chủ quyền quốc gia, có phần xương máu các con của mẹ!

Bình Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm