Hà Tĩnh:
Người lính già đi nhặt bao thuốc trừ sâu bảo vệ môi trường
(Dân trí) - Lo lắng môi trường bị ô nhiễm và chính con cháu sau này sẽ phải gánh chịu, người lính già Thiều Đăng Ngôn cần mẫn đi nhặt, thu gom từng bao thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu vương vãi trên đồng.
Học từ môi trường quân đội
Nhiều năm qua, ở khắp các cánh đồng ở thôn Lĩnh Sơn, xã Cẩm Sơn (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) người dân đã quen thuộc với hình bóng của ông Thiều Đăng Ngôn (SN 1960).
Cứ lúc sáng sớm hoặc gần chiều, ông Ngôn lại mang theo chiếc bao lớn chạy xe ra cánh đồng lúa trong thôn. Không phải là đi thăm lúa, mà ông đi nhặt từng bao thuốc trừ sâu bị người dân vứt bỏ lại sau khi phun thuốc cho lúa.
Ông Ngôn kể, năm 1978 ông lên đường nhập ngũ và đóng quân tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến năm 1982 ông ra quân, trở về quê nhà sinh sống.
Cuộc sống của gia đình ông chủ yếu dựa vào mấy mẫu ruộng, hoa màu.
Cũng vì thế ông chứng kiến một thực trạng đáng báo động và lo ngại, đó là việc nhiều người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường.
“Sau khi phun thuốc cho lúa thì nhiều người dân vứt luôn vỏ bao xuống ruộng hoặc những mương nước ở gần đó. Đủ các loại thuốc như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ…”, ông Ngôn cho biết.
Lo lắng môi trường bị ô nhiễm và chính con cháu sau này sẽ gánh chịu, người lính Thiều Đăng Ngôn đã hành động không giống ai, là đi gom vỏ bao thuốc trừ sâu mà người khác vứt lại.
Ông Ngôn cho biết, ông bắt đầu công việc này từ năm 2015. Cứ khoảng chừng 1 tuần ông đi nhặt một lần.
Dẫn chúng tôi ra cánh đồng của thôn Lĩnh Sơn, dọc 2 bên cánh đồng la liệt vỏ bao thuốc trừ sâu bị người dân vứt bỏ lại. Chừng chưa đầy 30 phút, ông Ngôn đã nhặt được một bao lớn.
“Có nhiều loại thuốc rất độc, nó ngấm vào đất, vào nước sẽ làm cho môi trường bị ô nhiễm. Đến lúc ấy thì con cá, con cua cũng không thể sống được. Trong môi trường quân đội tôi đã học được rất nhiều điều, trong đó có việc giữ gìn, bảo vệ môi trường”, ông Ngôn nói
Mong người dân có ý thức bảo vệ môi trường
Ông Ngôn chia sẻ, lúc bắt đầu công việc này, nhiều người trong gia đình cũng khuyên ngăn, tỏ ý không đồng tình. Nhưng sau khi được giải thích và hiểu được ý nghĩa của việc làm thì mọi người rất ủng hộ.
“Mình không xung phong làm thì ai sẽ làm. Tôi thấy vui về việc mình đang làm và sẽ làm khi nào đôi chân không thể đi được nữa”, ông Ngôn chia sẻ.
Ông Ngôn cũng mong muốn, thông qua việc làm nhỏ bé của mình sẽ làm thay đổi được phần nào nhận thức trong người dân trong việc bảo vệ môi trường.
“Công việc tôi làm chỉ góp một phần nhỏ bé thôi. Nhưng tôi mong muốn, việc làm này sẽ lan tỏa để giúp người dân hiểu và có ý thức bảo vệ môi trường hơn”, ông Ngôn chia sẻ thêm.
Ông Hoàng Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết, ông Ngôn là một người năng nổ trong mọi công việc của thôn, xã. Ông là một tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
“Chúng tôi cũng đã phát trên loa truyền thanh của xã về việc làm tốt của ông Ngôn để vừa biểu dương vừa tuyên truyền người dân cùng chung tay có ý thức bảo vệ môi trường”, ông Hiệp cho biết.
Ông Hiệp cũng thừa nhận tình trạng, một số người dân sau khi phun thuốc cho lúa đã tiện tay vứt luôn vỏ thuốc trừ sâu xuống bờ ruộng.
“Sắp tới, xã sẽ lên kế hoạch xây dựng những bể đựng vỏ thuốc trừ sâu tại các cánh đồng để người dân không vứt bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường nữa” ông Hiệp chia sẻ thêm.
Xuân Sinh