Người lao động phải chấp nhận làm bất cứ việc gì để mưu sinh
(Dân trí) - Đây là nhận định Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu ra tại diễn đàn Kinh tế Mùa xuân khi đề cập đến thực tế trên thị trường lao động, người lao động phải chấp nhận làm bất cứ việc gì để mưu sinh thay vì đợi việc tốt hơn.
Ông Bùi Sỹ Lợi nhận định, vì cuộc sống mưu sinh, người lao động đang không có sự lựa chọn trong công việc của mình.
Cả nước đã có khoảng 1,2 triệu lao động thiếu việc làm (chiếm tỷ lệ 2,45%) và gần 1 triệu lao động thất nghiệp chiếm 2,08%. Tỷ lệ thất nghiệp chung theo điều tra ở mức rất thấp (1,81%).
Năng suất lao động xã hội năm 2014 theo giá hiện hành của toàn nền kinh tế ước tính đạt 3.515 USD/lao động. Dù năng suất lao động thực tế liên tục tăng trong thời gian qua, bình quân đạt 3,7%/năm trong giai đoạn 2005-2014 nhưng xếp hạng chung, Việt Nam chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore; bằng 1/6 của Malaysia; bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc.
Ông Lợi nhận xét, quy mô lực lượng lao động có xu hướng tăng chậm làm giảm áp lực việc làm, trong khi nền kinh tế đang trong giai đoạn khôi phục nên tỷ lệ thất nghiệp biến động không nhiều. Nhưng vấn đề đáng lưu ý đối với thị trường lao động Việt Nam là năng suất lao động thấp và tiền lương, tiền công không cao.
Tình trạng thiếu việc làm, thu nhập giảm sút của người lao động sẽ kéo theo nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng, nếu không có những giải pháp đối phó hiệu quả sẽ tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội. Đặc biệt, hiện nay, khu vực nông nghiệp, nông thôn không còn là “bà đỡ” có thể hấp thụ được số lượng người mất việc làm ở thành phố trở về thì nguy cơ bất ổn xã hội càng hiện hữu.
Điều này phần nào được giải thích bởi Việt Nam là một nước nông nghiệp, do kinh tế phát triển còn thấp nên mức sống của người dân chưa cao và an sinh xã hội chưa đầy đủ. Vì vậy, người lao động thường chấp nhận làm bất cứ loại công việc gì, kể cả những công việc có mức thu nhập thấp, bấp bênh, điều kiện làm việc không đảm bảo (việc làm không bền vững) nhằm nuôi sống bản thân và gia đình hơn là thất nghiệp dài để chờ đợi công việc tốt hơn.
Ông Lợi dẫn chứng vụ tai nạn sập giàn giáo tại dự án Formosa (Vũng Áng, Hà Tĩnh) vừa qua là một biểu hiện của việc người lao động không có lựa chọn công việc nào cho mình.
vụ tai nạn sập giàn giáo tại dự án Formosa là một biểu hiện của việc người lao động không có lựa chọn công việc nào cho mình. (Ảnh: Văn Dũng)
Đo lường giá trị lao động từ chuyện tiền lương, tiền công, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội đề cập, dù đã qua 2 đợt cải cách tiền lương năm 1993 và 2004, bước đầu tách bạch tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh và khu vực hành chính sự nghiệp, tạo điều kiện đổi mới chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh theo định hướng thị trường, nhưng mức tiền lương tối thiểu thấp vẫn mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu cơ bản của người lao động. Mức lương này thấp hơn mức lương tối thiểu thực tế trên thị trường khoảng 20% và hiện nay mới đạt khoảng 45% mức tiền lương tối thiểu trung bình của khu vực ASEAN.
Năm nay, ngay từ quý I/2015 kinh tế đã có tín hiệu khởi sắc với tăng trưởng GDP đạt 6,03%, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc này sẽ tác động nhanh, làm tăng tính cạnh tranh trong thu hút nhân lực. Tuy nhiên, dù cơ hội việc làm xuất hiện ở nhiều ngành nhưng sự thiếu vắng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật là một thách thức, nhiều công ty có xu hướng tìm kiếm lao động Việt Nam từ nước ngoài trở về.
Cùng quan điểm đánh giá năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất của Châu Á – Thái Bình Dương, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Khoa học lao động và xã hội) cũng hi vọng kinh tế phục hồi sẽ giúp tạo việc làm tốt hơn. Tuy nhiên, ít lạc quan hơn, nữ chuyên gia cảnh báo, chuyển dịch cơ cấu việc làm vẫn rất chậm và tỷ lệ việc làm có thu nhập thấp vẫn sẽ chiếm tỷ lệ rất cao.
Bà Lan Hương phân tích, năm 2014, nền kinh tế tạo ra 53 triệu việc làm, tăng 801.000 việc so với năm 2013 (tương đương 1.53%). Thời kỳ 2010-2014, bình quân mỗi năm thị trường tạo thêm được 879.000 việc làm (1,69%), cao hơn tốc độ tăng lực lượng lao động. Sau 2 năm trì trệ do khủng hoảng kinh tế, việc gia tăng số việc làm của nền kinh tế trong năm 2014 cho thấy những tác động của quá trình phục hồi nền kinh tế.
Dù vậy, thời kỳ 2010-2014, trái với xu thế tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân tháng từ công việc chính của lao động tăng rất chậm, chỉ tăng 0,5%/năm (đạt 4,362 triệu đồng/người/tháng). Thu nhập bình quân tháng từ công việc chính của lao động nữ thấp hơn của lao động nam và khoảng cách chênh lệch tiền lương của nữ/nam có xu hướng gia tăng (từ 91,2% năm 2010 so với 90,5% năm 2014).
Quý II/2014, trong số những người làm công ăn lương, 18,6% có thu nhập thấp (dưới 2,7 triệu đồng/tháng, tương ứng 2/3 mức thu nhập trung vị). Quý IV năm 2014, thu nhập bình quân tháng của lao động nhóm ngành “nông-lâm nghiệp và thủy sản” vẫn thấp nhất, chỉ đạt 2,852 triệu đồng/người/tháng, bằng 58% so với ngành “công nghiệp-xây dựng” (là 4,242 triệu đồng/người/tháng) và bằng 64% của nhóm ngành “dịch vụ” (là 4,907 triệu đồng/người/tháng).
P.Thảo