1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người lao động chờ sổ hưu, sổ hưu chờ bảo hiểm

(Dân trí) - Người lao động khi nghỉ hưu lương lại do chính doanh nghiệp chi trả, thậm chí có lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa được giải quyết… Những “bi kịch” nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân: doanh nghiệp chưa đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Tình trạng nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là tại quận Long Biên đang khá trầm trọng.

Đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa được nghỉ

Bà Lê Thị Kim Thúy, Phó giám đốc BHXH quận Long Biên cho biết, chỉ tính riêng 7 doanh nghiệp xây dựng (5 DNNN, 2 DN ngoài quốc doanh) trên địa bàn quận số nợ đã lên tới trên 15 tỉ đồng.

Điển hình nhất trong số các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm trên địa bàn quận là Công ty cầu 14 (Tổng công ty XDCTGT1). Với 1.200 công nhân, hiện công ty này vẫn nợ tới 6,5 tỉ đồng bảo hiểm. Không hề “kém cạnh” so với “ông anh 14”, đơn vị cùng Tổng công ty là Công ty cầu 12, đơn vị 3 lần anh hùng lao động hiện cũng đang nợ hơn 5,5 tỉ đồng BHXH. Số lao động trong diện được đóng bảo hiểm của doanh nghiệp này là 1.159 người.

Theo bà  Lê Thị Kim Thúy, từ năm 2004 trở về trước, các doanh nghiệp chỉ nợ theo quí, thời gian gần đây, các doanh nghiệp này không đóng bảo hiểm dù cơ quan bảo hiểm xã hội đã nhiều lần đôn đốc. Bà Thúy cũng cho biết , lý do các doanh nghiệp này đưa ra là…chưa có tiền. “Quả thật là từ 2004 về trước, họ đóng bảo hiểm khá đầy đủ nhưng gần đây mới xảy ra tình trạng này. Có thể họ không có tiền thật”, bà Thúy tỏ vẻ thông cảm.

Nguyên nhân tại… thiếu tiền

Ông Phạm Quảng Dương, Giám đốc công ty xây dựng số 14 lý giải về việc công ty không đóng bảo hiểm trong một thời gian dài: “Do thời gian qua, ngân hàng thắt chặt việc vay vốn nên vốn lưu động của chúng tôi gặp khó khăn. Vốn của chúng tôi còn “nằm” lại tại các công trình quá lớn. Hiện các công trình còn nợ chúng tôi khoảng 60 tỉ đồng. Trong khi đi vay ngân hàng thì phải trả lãi hàng tháng, còn tiền ứ đọng tại các công trình thì chẳng ai trả lãi cả”, ông Dương ta thán. Cũng theo ông Dương, hiện doanh nghiệp mới tự chủ được 10% vốn còn lại là vay ngân hàng và trông chờ vào khoản tạm ứng của chủ đầu tư.

Đề cập đến việc người lao động dù đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa được nghỉ vì doanh nghiệp chưa đóng bảo hiểm, ông Dương xác nhận ở Công ty cầu 14 đúng là có một số lao động đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa nhận được sổ hưu (vì doanh nghiệp chưa thanh toán BHXH). “Tuy nhiên, chúng tôi đều giải quyết cho lao động nghỉ, chỉ có điều lương hưu do chính công ty chi trả”, ông Dương cho biết như vậy và khẳng định: “Đến tháng 10 chúng tôi sẽ thanh toán dứt điểm bảo hiểm để còn cổ phần hóa”.

Còn tại Công ty cầu 12, có lẽ cũng chịu sức ép lớn về tài chính nên đã phải chấp nhận “chia sẻ” với Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam trụ sở  của mình. Trụ sở công ty “tọa” ở một vị trí khá đẹp trên đường Nguyễn Văn Linh, nhưng mọi người đi qua thường bị hút vào những băng rôn quảng cáo về các chương trình khuyến mãi của ngân hàng treo la liệt khắp mặt tiền công ty chứ ít người biết rằng, đây là trụ sở chính của một công ty đã 3 lần được nhận danh hiệu anh hùng.

Đóng BHXH là quyền lợi và trách nhiệm của cả doanh nghiệp và người lao động. Khi đến tuổi nghỉ hưu, người lao động có quyền nghỉ và được BHXH chi trả lương. Vì vậy, không thể kéo dài thêm tình trạng người chờ sổ còn sổ thì cứ chờ… bảo hiểm.

Đức Hòa