Người làm Quốc hội… nở hoa
(Dân trí) - Công việc chính của ông hiện nay là chăm sóc cây cảnh, vườn hoa trong lăng Bác và cắm những lẵng hoa đẹp, trang trọng, đầy sắc khí phục vụ Quốc hội, Chính phủ. Ông là Lê Bá Dơn, một nghệ nhân ở làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội.
Duyên phận hoa và người
Tết Mậu Tý 2008, ông Lê Bá Dơn bước sang tuổi 74, và ông đã có ngót nghét 60 năm gắn bó duyên phận với nghề cắm hoa truyền thống. Ông giải thích cho mối duyên phận “đằng đẵng” ấy bằng lời nói vui: “Vì tôi mang tên một loài hoa: hoa Lay Ơn, người dân Ngọc Hà thường láy gọi là hoa Dơn”.
Ba tuổi, cậu bé Dơn đã chịu mồ côi cha. Mẹ và chị gái tần tảo với nghề trồng và bán hoa truyền thống của làng hoa Ngọc Hà. Khi cùng gia đình đi tản cư trên vùng trung du Vĩnh Phú, Dơn tham gia vào đội liên lạc thiếu nhi Cách mạng. “Tưởng trong chiến tranh nghề hoa phải bỏ. Năm 1949, ngay sau khi trở về Hà Nội, gia đình tôi lại tiếp tục với nghề trồng hoa gia truyền”, ông Dơn kể lại. Hồi ấy, ngày ông đi học, tối về đan giỏ và lẵng hoa phụ giúp mẹ và chị đi bán ở chợ Hàng Khay.
Suốt bảy năm (1957-1966) lúc làm thợ, lúc hoạt động trong đoàn văn công quân đội, khi chuyển sang làm quản lý ở Công ty cây xanh Hà Nội, Lê Bá Dơn vẫn tiếp tục gắn bó với nghề trồng và cắm hoa.
Năm 1968, ông bắt tay vào nghiên cứu hoa, từ ấy hoa gắn bó với người như đôi bạn tri kỷ. Nhớ lại những kỷ niệm gắn bó cùng hoa, ông nhắc đến hai lần được gặp Bác. “Lần đầu tiên, khi Bác tới thăm công viên Quân đội năm 1961, lúc ấy tôi làm trong đoàn văn công quân đội. Lần thứ hai khi tiếp Bác đến thăm và trồng cây đa Lý Tự Trọng”.
“Được gặp Bác tôi hạnh phúc lắm, chỉ muốn sau này được gần bên Bác mãi. Tâm nguyện ấy đã thành hiện thực, tôi được nhận vào chăm sóc cây cảnh ở trong Lăng và cắm hoa cho Nhà nước và Chính phủ mình”, ánh mắt ông sáng ngời khi nói về Bác.
“Chục năm nay tôi về hẳn cắm hoa và chăm sóc cây cảnh trong lăng Bác, Quốc hội rồi. Được gần gũi, chăm sóc hoa cỏ bên Bác, cuộc đời tôi còn gì hạnh phúc hơn thế! Mỗi khi chính phủ, quốc hội mình chuẩn bị tiếp những nguyên thủ quốc gia nước bạn, tôi lại tới cắm hoa”, ông kể.
Đôi tay ông thoăn thoắt cắt tỉa những bông cẩm chướng, miệng ông lẩm nhẩm: “Chắc tôi và hoa đã có duyên phận với nhau từ những kiếp trước! Nếu tôi mà thiếu hoa chắc tôi không sống nổi”.
Sống khỏe nhờ sinh khí của hoa
Nhớ lại ngày mẹ và chị gái còn trồng và bán hoa ở chợ Bô Đa (đối diện với phố Hàng Khay, gần Tràng Tìên bây giờ), có lần chàng trai Dơn gửi mua được hạt giống hoa Lay Ơn từ bên Pháp, về tự nghiên cứu, mày mò, trồng thử nghiệm. Và chàng trai Lê Bá Dơn đã ươm thành công giống hoa Lay Ơn đầu tiên ở nước ta. Từ ấy, Việt Nam lần đầu tiên có một giống hoa ôn đới trên đất nước nhiệt đới.
Chính trong thời gian này, Lê Bá Dơn cũng cho sản xuất những giống hoa chủ lực: hoa Đậu thơm, Sen cạn, Violet,... Có lần Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thấy cậu chiến sĩ nâng niu yêu hoa lại có tài cắm hoa, đã khích lệ Dơn theo đuổi nghề hoa truyền thống của làng hoa Ngọc Hà, đồng thời giữ gìn nét đẹp văn hoá của dân tộc.
Ông kể: “Trong cuộc đời cắm hoa của tôi, ý nghĩa nhất nhất chính là làm được 2.000 vòng hoa trong tang lễ Bác. Chính tôi đã đề xuất với Chính phủ, Nhà nước cách thiết kế, độ lớn nhỏ của vòng hoa viếng ở tang lễ các vị nguyên thủ sao cho phù hợp”. Kiến nghị này của ông sau đó đã được Nhà nước và Chính phủ đưa thành quy định chung về kích cỡ các vòng hoa trong tang lễ cấp Nhà nước.
Không chỉ nổi tiếng với tài cắm hoa, ông Lê Bá Dơn còn được mọi người biết đến với thú chơi xe Peugeot sành điệu. “Đi xe đạp và chơi hoa, đó là một thú chơi thanh nhã. Ở tuổi ngoài bảy mươi nhưng được hưởng cái phước của hoa, sinh khí của trời đất, nên tôi còn khỏe lắm, và còn phải cắm nhiều những lẵng hoa đẹp và ý nghĩa hơn nữa”.
4 giờ sáng, với chiếc xe đạp hiệu Peugeot cùng bộ đồ nghề, ông Dơn - dáng người nhỏ nhắn và nhanh nhẹn, đôi mắt biết cười - dong duổi trong làng tuyển hoa để cắm những lẵng hoa cho buổi họp Quốc hội sáng mai. “Mỗi khi Chính phủ đón nguyên thủ quốc gia hay có sự kiện trọng đại, tôi đều phải đi lựa hoa kỹ. Một mình thôi”.
Anh Tuấn, con trai ông, tâm sự: “Cụ cắm hoa vui tuổi già, thấy ông khoẻ và vui là con cháu an tâm công tác, học hành chứ ông có bao giờ nhận lương lậu gì đâu. Cụ luôn dặn: dân mình còn nghèo lắm, mình góp phần công sức ít ỏi cho những người dân nghèo bớt khổ”.
Ông tạm biệt tôi, lên đường lựa hoa, chuẩn bị cho buổi tiếp khách của Chính phủ vào lúc 8 giờ sáng. Dáng nhỏ gầy của ông mờ dần sau làn sương sớm, ẩn hiện giữa những vườn hoa.
Minh Thủy