“Người hùng” giải cứu 12 người ở thủy điện Đạ Dâng đã hy sinh ở Rào Trăng
(Dân trí) - Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, một trong 13 người hy sinh khi đi cứu hộ ở thủy điện Rào Trăng 3, là người chỉ huy công binh đã góp sức giải cứu 12 công nhân tại thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng 6 năm trước.
Khi danh sách 13 cán bộ, chiến sĩ bị núi lở vùi lấp, hy sinh tại Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) được công bố, nhiều người ở Đạ Dâng (Lâm Đồng) nhận ra trong số đó có Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn, Bộ Quốc phòng; Phó Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Ông chính là người chỉ huy đã góp công rất lớn trong việc giải cứu thành công 12 người mắc kẹt suốt 82 giờ tại thủy điện Đạ Dâng 6 năm trước.
Chiều 16/10, chia sẻ với PV Dân trí, ông Nguyễn Đình Thụy, Bí thư Đảng ủy xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, gia đình Đại tá Nguyễn Hữu Hùng sinh sống trên địa bàn xã. Ông Thụy vẫn chưa quên Đại tá Nguyễn Hữu Hùng chính là người chỉ đạo lực lượng công binh giải cứu 12 người trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng.
6 năm trước, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao chỉ huy lực lượng cứu hộ trong hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng. Theo đó, lực lượng thi công ngách hầm trái với 110 chiến sĩ của Lữ đoàn công binh 293. Đây là Lữ đoàn chủ lực đào hầm để giải cứu 12 công nhân mắc kẹt bên trong.
Thời điểm đó, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng là Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh.
Sau khi cuộc giải cứu các nạn nhân tại thủy điện Đạ Dâng thành công, PV Dân trí đã có cuộc tiếp xúc, phỏng vấn nhanh với Đại tá Nguyễn Hữu Hùng.
Chia sẻ ngay tại hiện trường lúc đó, Đại tá Hùng cho biết lực lượng công binh vào sau 2 ngày so với các lực lượng đầu tiên. Cuộc giải cứu thành công, đưa toàn bộ 12 người mắc kẹt bên trong hầm thủy điện Đạ Dâng ra ngoài an toàn vào chập tối ngày 19/12/2014.
Kể về hành trình đào hầm, Đại tá Hùng nói: “Chúng tôi đề xuất phương án đi mở theo đường ngắn nhất và có thể nói khu vực của công binh là khó khăn nhất. Chúng tôi bằng các phương pháp thi công khoa học và có một số biện pháp truyền thống như phương pháp “hầm trong cát” nên quá trình thi công đã khắc phục được khó khăn ban đầu trong điều kiện mực nước ngầm rất cao, đất đá phong hóa nặng...”.
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng nói rằng, lực lượng công binh giải cứu thành công 12 nạn nhân tại thủy điện Đạ Dâng là do công tác chuẩn bị bộ đội ngay từ thời bình, trước khi nhiệm vụ diễn ra.
“Muốn chuẩn bị bộ đội tốt là phải huấn luyện tốt, nuôi quân tốt và cái chính là xây dựng ý chí quyết tâm, bản lĩnh chính trị cho các bộ chiến sỹ. Nếu nhà báo nào có điều kiện vào hầm thì thấy rõ ràng là sụt trượt rất lớn. Nếu như người nào mà không có ý chí quyết tâm, không dũng cảm thì thông thể đảm nhiệm công việc trong đường hầm khó khăn, vất vả như thế”, lời của Đại tá Hùng năm nào.
Mùa mưa lũ năm nay tại Thừa Thiên Huế, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng lại lên đường đi giải cứu công nhân thủy điện Rào Trăng 3. Nhưng chuyến đi này Đại tá Hùng đã không trở về...