Người hiến hơn 5.000 lạng vàng cho Việt Minh
Những chi tiết chưa từng được biết đến xung quanh việc ông bà Trịnh Văn Bô hiến hơn 5.000 lạng vàng cho Việt Minh thời kỳ đầu cách mạng đã được bà quả phụ Trịnh Văn Bô tâm sự đúng vào ngày 19/8 tại nhà riêng 34 phố Hoàng Diệu, Hà Nội.
Đã 92 tuổi nhưng người doanh nhân có tấm lòng vàng với cách mạng vẫn khỏe mạnh và minh mẫn lạ thường. Bà nói mình được như vậy có lẽ là nhờ trời phật phù hộ vì những việc làm tốt đẹp trong quá khứ...
Tiêu cho bản thân: tiết kiệm từng xu
Thưa, là một thương gia giỏi, cụ có phải là người… tiêu tiền như nước?
Người buôn bán là phải cần cù, cẩn thận, tiết kiệm. Thời chúng tôi, thường chỉ có các bà làm kinh doanh, còn các ông hoặc là nhà Nho, hai là ra làm quan.
Tôi buôn tơ, lụa, vải vóc... nhưng tôi chỉ bán buôn, không bán lẻ. Hàng tôi bán khắp Đông Dương. Khi tiêu tiền cho bản thân thì tôi tiết kiệm từng đồng, từng hào, từng xu, không bao giờ tiêu theo kiểu vất đồng tiền đi. Thế nhưng làm từ thiện hay ủng hộ cách mạng thì mấy chục lạng vàng một lúc tôi cũng không tiếc.
Bây giờ tôi đã 92 tuổi mà vẫn còn được khoẻ mạnh, minh mẫn thế này thì cũng là trời phật phù trợ cho tôi bởi những việc làm của tôi.
Vì sao cụ lại ủng hộ cách mạng số tiền có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay?
Cụ thân sinh ra tôi Hoàng Đạo Phương là thành viên trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Là nhà giáo nên cụ dạy chúng tôi chữ Nho, trong mấy chị em, cụ thấy tôi có vẻ thông minh hơn. Cụ nói với tôi: “Việc nước cha chưa làm tròn, giờ cha đã già, sau này các con ai có điều kiện thì giúp nước thay cha”.
Cụ chỉ nói thế nhưng lời dạy này in sâu trong trái tim tôi. Tôi kinh doanh, khi đã có tiền là tôi đã bắt đầu làm việc thiện từ năm 1936, cúng 100 chiếc tiểu đại để chôn cất hài cốt khi di dời nghĩa trang Nghĩa Dũng (Hà Nội).
Sau đó, tôi còn làm từ thiện bằng những việc như ủng hộ những người bị bom Mỹ, Nhật ở Đông Khê, Thất Khê, nạn nhân lũ lụt ở Hưng Yên, mua chăn cho trẻ sơ sinh... Số tiền bỏ ra không ít. Các cụ nhà tôi ngày xưa làm từ thiện cũng nhiều, nên khi kinh doanh có tiền tôi cũng tiếp tục truyền thống ấy.
Đến thời cách mạng, anh Tạ Văn Điêu, phụ trách thiếu nhi, ngày xưa gọi là phụ trách “sói con” - nơi người con trai cả của tôi năm nay đã 73 tuổi tham gia - mỗi tháng một, hai lần đến thăm phụ huynh. Thấy tôi làm nhiều việc từ thiện, anh ruột anh Điêu là Tạ Văn Thực- một cán bộ Việt Minh - gợi ý với tôi tham gia Việt Minh, tôi đồng ý.
Lúc đó tôi nhớ là ngày 14/11/1944. Sau đó đến ngày 24/3/1945, ông Khuất Duy Tiến vượt ngục, một người đưa ông Tiến đến nhà tôi. Ông Tiến đến, hai vợ chồng tôi tiếp, ông ấy nói từ 11h trưa đến 5 giờ chiều về hoạt động của Việt Minh.
Tôi có một nhà máy dệt, lúc đó cũng phải cảnh giác, nên thường nói ông Tiến là một người từ tỉnh khác đến đặt hàng. Ông Tiến nói rằng, Việt Minh bây giờ cần nhiều tiền lắm, nói thật là 5 xu mua báo cũng khó vì quỹ chỉ có mấy trăm bạc. Tôi nói rằng vậy thì tôi sẽ ủng hộ một vạn đồng Đông Dương, một tuần sau anh đến thì tôi sẽ giao tiền.
Để có số tiền đó, tôi phải bán đi 16 hòm tơ bóng, loại tơ hoá học ấy. Sau đó, tôi đưa cho một cán bộ Việt Minh khác là ông Hoàng Hữu Nhân một lần 1 vạn và một lần 2 vạn nữa là 3 vạn đồng Đông Dương. Rồi hai cán bộ nữ cũng đến vận động, rằng không có tiền để ra báo (ngày đó gọi là báo Đàn Bà), tôi lại ủng hộ một vạn rưởi.
Tính từ trước ngày khởi nghĩa đến tháng 7/1945 tôi ủng hộ tám vạn rưởi đồng Đông Dương trị giá 212,5 lạng vàng. Đến ngày tổng khởi nghĩa, ông Khuất Duy Tiến đưa hai vợ chồng tôi vào Ban vận động Quỹ độc lập. Tôi ủng hộ quỹ tiếp 20 vạn đồng tương đương với 500 lạng vàng, tôi còn đi vận động cho quỹ này được hơn 1 triệu đồng Đông Dương.
Ngay tiếp đó là đến Tuần lễ vàng, vợ chồng tôi cũng ở trong Ban vận động. Tôi lại đóng góp 117 lạng vàng, trong đó tiền riêng của vợ chồng tôi là 103 lạng, còn tôi đưa cho cụ thân sinh của tôi lúc đó đã 85 tuổi một thoi to nhất (14 lạng) để cụ ủng hộ quỹ. Rồi vợ chồng tôi đi vận động để mọi người ủng hộ thêm trên 1.000 lạng vàng nữa.
Đến khi bế mạc Tuần lễ vàng, có tổ chức một bữa ăn ở bên Hồ Hoàn Kiếm, vé bán để tham dự là 120 đồng/chiếc, tôi bảo ông Khuất Duy Tiến đưa cho tôi 100 vé để tôi mời 100 đại biểu là thương gia Hà Nội.
Sau khi liên hoan kết thúc, mới tổ chức bán đấu giá bức ảnh của Bác Hồ, giá đưa ra là 1 vạn đồng Đông Dương, tôi trả là 2 vạn, sau đó giá được đẩy lên cao, cuối cùng giá lên 10 vạn đồng. Đấu giá ngày đó là ai trả bao nhiêu ghi vào sổ, dù không mua được vẫn trả tiền để ủng hộ, cuối cùng tổng số tiền thu được qua đấu giá lên đến 1,58 triệu đồng Đông Dương.
Về sau, tôi có nhã ý tặng lại bức ảnh đó cho Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội vì nhà tôi đã có một bức ảnh khác. Tôi cứ tiếp tục những công việc như thế, như lo đài thọ cho Thường vụ gồm các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, Bùi Công Trừng... khoảng 15 người về ở nhà tôi.
Sau đó, ông Trường Chinh đi đón Bác Hồ về vào ngày 24/8/1945 và ở nhà tôi cho đến 27/9. Bác viết bản Tuyên ngôn Độc lập ở nhà tôi, số 48 Hàng Ngang. Suốt thời gian này gia đình tôi đài thọ hết từ ăn uống, tiệc tùng, may mặc, đi lại. Về sau, người Pháp người ta nói rằng “Bà Trịnh Văn Bô là Bộ trưởng Tài chính của Việt Minh”.
Cộng lại, cả tiền và vàng, gia đình nhà tôi ủng hộ cách mạng 5.147 lạng vàng. Khi về cướp chính quyền, ngân khố chỉ có 1,2 triệu đồng tiền Đông Dương, toàn giấy 1 đồng, 5 hào, 2 hào, 1 hào. Nhưng số thì rách, số thì nát quá không tiêu được. Gần như ngân khố quốc gia là rỗng.
Tiền ủng hộ nhiều như vậy, thế nhưng cái quý giá nhất tôi nghĩ không phải là số tiền đó mà chính là việc chúng tôi đã bảo vệ lãnh tụ Hồ Chí Minh trong suốt một tháng ba ngày và cả Thường vụ đi về, làm việc ở nhà tôi mà không xảy ra sự cố nào.
Chỉ vì tôi biết lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc
Lúc đó không chỉ có Việt Minh mà có nhiều đảng phái khác, vì sao cụ lại chỉ ủng hộ Việt Minh với một số tiền rất lớn?
Lúc đó Đại Việt, Quốc dân Đảng cũng đến vận động tôi ủng hộ tiền giúp nước, họ cũng chỉ đề nghị ủng hộ 10 vạn đồng thôi, thế nhưng tôi đã từ chối.
Số tiền các đảng phái khác đề nghị ủng hộ ít như vậy vì sao cụ lại từ chối?
Vì tôi đã có Việt Minh rồi, dù Việt Minh lúc đó hãy còn trong bóng tối. Nhưng lúc đó tôi phải nói khéo với người ta rằng, tôi chỉ biết kinh doanh làm giàu, tôi không biết chính trị là cái gì để kiếm cớ hoãn binh. Sở dĩ tôi phải nói thế là vì ủng hộ thì cũng dở mà không ủng hộ thì người ta có thể hại mình.
Cán bộ Việt Minh khi ấy chắc là phải gây cho cụ một ấn tượng gì đó hết sức mạnh mẽ?
Chỉ vì tôi biết lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Còn những người ở các đảng phái khác tuổi thì trẻ, mà tôi thấy họ cũng lôm côm. Lãnh tụ Hồ Chí Minh gây cho tôi ấn tượng mạnh mẽ. Khi cụ ở nhà tôi, khoảng 9 giờ tôi thường mang hoa quả, nước trà ngon lên mời cụ xơi.
Một lần, cụ đang đánh máy, thấy tôi lên cụ đứng dậy vươn vai và nói: “Cô chẳng có gì khổ, tuổi đời còn ít, đã có hai con trai, hai con gái, lại có cả cơ ngơi thế này”. Tôi nói: “Thưa Cụ cháu có cái nhục đó là cái nhục mất nước”. Nghe vậy, ông Cụ chỉ bảo tôi: “Thế thì kiên trì, nhẫn nại nhé”.
Chỉ một câu nói thế mà đang từ ngồi trên nhung lụa, sau này đi kháng chiến vất vả lắm, ngồi chuồng trâu ăn cơm muối mà tôi vẫn không nản lòng, vì tôi nhớ câu kiên trì, nhẫn nại mà Cụ nói.
Nhớ lại, lúc ông Hoàng Hữu Nhân nói với tôi là sẽ đưa một số người về nhà tôi thì có gây phiền phức gì không, tôi nói rằng vợ chồng tôi đã tham gia Việt Minh thì không có gì phiền phức. Về nhà tôi có nhiều thuận lợi cho hoạt động cách mạng, vì thực dân Pháp cũng không thể ngờ một thương gia giàu nhất nhì Hà Nội lại theo cách mạng.
Khi quyết định ủng hộ tiền cho Việt Minh cụ có suy nghĩ gì?
Tôi chỉ nghĩ phải giữ được chính quyền non trẻ này thì đất nước mới giành được độc lập, mới có tự do. Muốn vậy thì phải có tiền để lo nhiều chuyện. Vì thế, chín phần mười tài sản của mình tôi đều dốc ra hết, không hề tính toán.
Tôi cũng nghĩ việc ủng hộ của mình chắc sẽ có ích cho việc giành độc lập dân tộc chứ không bao giờ nghĩ sau này cách mạng thành công sẽ thu được cái gì hay được trả lại. Tôi cũng không bao giờ nghĩ sẽ được huân chương hay cái gì khác. Tôi luôn quan niệm vợ chồng tôi có bốn bàn tay, hai khối óc thì hết tiền lại làm, cái gì đã tiêu đi rồi thì tôi không bao giờ nghĩ đến nữa.
Ngoài lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, phẩm chất gì ở những cán bộ Việt Minh khác khiến cụ bị thuyết phục?
Tôi thấy lớp cán bộ thời Bác Hồ và lớp cán bộ kế tiếp sống đẹp lắm, sống có tình có nghĩa lắm. Có người hỏi thẳng tôi, ủng hộ nhiều tiền thế thì bây giờ có thấy tiếc không? Tôi cũng nói lại rất thẳng thắn là cái gì tôi đã ủng hộ thì không bao giờ tôi luyến tiếc. Tôi chỉ buồn một điều là nước nhà đã độc lập từ lâu mà xem trên ti vi thấy vùng xa, vùng sâu dân vẫn còn khổ quá, vẫn nhà tranh, vách nứa...
Trong khi đó, một số người tham nhũng quá, tiền của của dân, của nhà nước bị sa sẩy nhiều. Đó là cái rất đáng buồn. Trong khi đó, thời Cụ Hồ trường hợp Trần Dụ Châu tham nhũng là bị xử tử, phải nghiêm khắc như thế chứ.
Sau Cụ Hồ, tôi cũng rất ấn tượng với ông Lê Đức Thọ, ông ấy là người rất tình nghĩa. Rồi ông Trường Chinh, ông Phạm Văn Đồng cũng là những người rất đứng đắn. Ông Thọ nói câu mà tôi còn nhớ mãi là chị đến thăm tôi có việc gì thì tôi cũng làm cố cho xong để tôi tiếp chị, không thì tôi ăn năn lắm. Hay ông ấy bảo với thư ký của mình: “Về nhà chị ấy ăn cơm như cỗ ấy, vừa ở tù ra ăn cơm ở đó ngon lắm”.
Những câu nói đó, khiến tôi thấm thía. Hay ông Trường Chinh, ông Hoàng Quốc Việt, mỗi khi tôi đến Mặt trận Trung ương, ông đều ra hỏi han sức khoẻ từng người trong gia đình tôi, rất có tình, có nghĩa.
Muốn nhiều người làm việc thiện: phải gợi mở cái tâm
Ngày trước, doanh nhân như cụ ủng hộ cách mạng, làm việc thiện với số tiền rất lớn. Nay tuy đã phát triển nhanh nhưng nước ta vẫn là nước nghèo, còn nhiều người nghèo. Theo cụ, để ngày càng có nhiều hơn những người sẵn sàng làm từ thiện, điều đầu tiên phải làm là gì?
Vận động không thì người ta cũng giúp nhưng cũng chỉ giúp lấy lệ, cho xong việc thôi. Làm việc thiện phải xuất phát từ cái tâm của doanh nhân. Muốn người ta có nhiệt huyết làm việc thiện, tại sao nhà nước không tổ chức cho người ta đến thăm những nơi mà người dân đang sống khổ cực xem thế nào?
Như thế sẽ gợi cho người ta mở rộng tấm lòng. Như thế tự người ta sẽ đem tiền trực tiếp giúp đỡ dân. Ngày xưa, tôi ủng hộ lũ lụt là tôi đến tận nơi, trực tiếp phát tiền, phát gạo cho người dân vùng ấy.
Mong muốn chống tham nhũng đến nơi, đến chốn
Cụ đã 92 tuổi, đã sống qua nhiều giai đoạn thăng trầm của đất nước. Nay nước nhà đã được độc lập, kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện, xin hỏi cụ có thấy vui với cuộc sống hiện tại?
Chưa vui vì ở ngay như trung tâm Hà Nội là quận Hoàn Kiếm, ngay cả những gia đình cách mạng mà con cái đi làm nếu đồng lương thấp thì vẫn rất khó khăn chứ chưa nói đến vùng sâu, vùng xa. Thế thì làm sao vui được!
Vậy điều mà cụ mong muốn nhất hiện nay là gì?
Tôi chỉ mong muốn làm sao chống tham nhũng đến nơi, đến chốn. Làm được việc này thì dân mới thiết tha.
Xin cảm ơn cụ!
Theo Hữu Khôi
Tiền Phong