Người dũng sĩ luôn bị… nhầm tên

(Dân trí) - 50 năm trước, trong một lần làm nhiệm vụ ở rừng Sác, vừa thoát được phục kích của giặc, anh lại sa vào vùng đầm lầy đầy cá sấu. Nhờ sự mưu trí, dũng cảm, anh đã giết chết cá sấu, trở về tiếp tục chiến đấu cùng đơn vị.

Từ đó, anh được đồng đội cùng bà con yêu mến gọi bằng cái tên “dũng sĩ diệt cá sấu”. Ngày nay, tại rừng Sác (Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, TPHCM) vẫn còn tượng đài tái hiện lại cảnh người dũng sĩ diệt cá sấu. Người dũng sĩ ấy tên thật là Hoàng Dương Chương, quê ở Mỹ Xá, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

 

Tượng đài dũng sĩ diệt cá sấu tại rừng Sác.

Tượng đài dũng sĩ diệt cá sấu tại rừng Sác.

 

Hàng năm, cứ đến dịp ngày 27/7, khi cả nước tri ân các anh hùng thương binh, liệt sĩ, tên anh lại được nhắc đến. Nhưng có một điều đặc biệt là chưa báo nào nêu đúng tên anh! Có báo gọi anh là Nguyễn Đức Chương, có báo ghi Nguyễn Văn Chương... Tôi vốn tuổi em của anh, thường hỏi: Là một dũng sĩ, được dựng cả tượng đài, vậu mà bị nhầm tên suốt như vậy, anh có buồn không? Anh nói: “Có lẽ nhà báo chỉ tìm hiểu sự kiện chứ chưa gặp tôi bao giờ nên nhầm lẫn cũng là điều dễ hiểu thôi”. “Tôi không buồn vì chuyện ấy. Tôi buồn vì xót xa cho bao nhiêu đồng đội tôi có người đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt” - anh chia sẻ.

 

Trở về từ chiến trường với hơn 75% thương tật vĩnh viễn nhưng với ý chí “thương binh tàn nhưng không phế”, anh vẫn quyết tâm ôn thi đại học. Cuối cùng, anh được chọn sang Liên Xô học tập. Sau nhiều năm phấn đấu công tác, anh được đề bạt làm Giám đốc thư viện tỉnh Nam Định.

 

Giờ đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, anh vừa chăm sóc người vợ bị liệt và người em gái bị down, vừa tham gia viết sách và nghiên cứu các công trình khoa học, lịch sử. Anh có nhiều tập sách đã được xuất bản như: Lược khảo tác gia văn học Nam Định, Danh nhân văn hóa Nam Định, Danh nhân Nam Định thế kỷ XX được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Trạng nguyên đất học Nam Trực, Đông A nhân kiệt… Và mới đây nhất là cuốn Thành Nam - Địa danh và giai thoại (2012). Anh luôn tâm niệm: “Tôi còn sống nghĩa là còn cống hiến”.

 

Bích Hạnh