1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người “đạp sóng” giải phóng Trường Sa 35 năm trước

(Dân trí) - Những ngày tháng 4 năm 1975, cùng với các cánh quân trên đất liền ồ ạt tiến vào giải phóng miền Nam, có một lực lượng đặc biệt duy nhất được giao nhiệm vụ thần tốc hướng ra biển Đông giải phóng quần đảo Trường Sa.

35 năm sau, cũng trong những ngày tháng 4, chúng tôi gặp lại Đại tá Phạm Duy Tam, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, một trong 3 thuyền trưởng được giao nhiệm vụ đạp sóng ra tiếp cận đảo giải phóng quần đảo Trường Sa.
 
7 lần truy điệu sống
 
Trong căn nhà ở đường Triệu Việt Vương, TP. Đà Nẵng, Đại tá Phạm Duy Tam lật từng tấm hình, xem lại từng trang tài liệu lần tìm về những ức ký một thời hào hùng của mình.
 
Sinh ra ở vùng biển xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, 5 tuổi Phạm Duy Tam đã theo bố đi đánh cá, nghiệp đi biển đeo đuổi ông từ đây. Nhà nghèo, mẹ chết đói năm 1945 khi ông mới được 6 tháng tuổi, nên ở cái tuổi lên 5 Tam đã phải vất vả đi làm thuê kiếm sống.
 
Tháng 4/1963, ông lên đường nhập ngũ, sau đó chuyển xuống tàu Hải Quân ở sông Gianh. Ngày 5/8/1964, Mỹ đưa máy bay đánh phá miền Bắc, ông là một trong những người đầu tiên tham gia chiến đấu bắn máy bay Mỹ, sau đó đi học trường sĩ quan.
 
Năm 1969, ông về làm thuyền phó đội tàu 42 của Đoàn Tàu Không Số. Năm 1972, ông được cử lên làm thuyền trưởng Tàu Không Số.
 
Người “đạp sóng” giải phóng Trường Sa 35 năm trước - 1
Sau ngày giải phóng, đại tá Phạm Duy Tam (người cầm vô lăng) nhiều lần ra lại Trường Sa
 
“Đối với những người lính trên Tàu Không Số, trước khi lên đường làm nhiệm vụ đều được truy điệu sống. Chúng tôi, dẫu ra đi không mong ngày trở về nhưng ai cũng thấy thanh thản, vui vẻ lên đường, chỉ mong chở được nhiều vũ khí cho miền Nam”, ông Tam cho biết.
 
Trong những năm tham gia chiến đấu trên Tàu Không Số, đại tá Tam đã 7 lần được truy điệu sống.
 
Trong những chuyến đi ấy, chuyến đi để lại cho ông nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất là vào năm 1969. Ông kể: “Đó là chuyến trinh sát mở tuyến đường mới trên biển Đông, chuẩn bị chiến dịch vận chuyển vũ khí vào miền Nam sau một thời gian tạm dừng do bị Mỹ - Ngụy phát hiện ra.
 
Chuyến trinh sát lần này, đội tàu 42 phải thăm dò các hành lang, các kế hoạch phòng thủ, tuần tiểu và mạng lưới quan sát trên không, trên biển, dọc bờ biển miền Nam, nắm bắt quy luật hoạt động của tàu chiến, máy bay địch, đặc biệt là âm mưu, thủ đoạn của địch khi gặp các tàu của ta”.
 
Trầm ngâm một lúc rồi ông kể tiếp: “Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, đến trưa 1/9/1969, tàu chúng tôi hành trình từ đảo Phú Quốc đến đảo Thổ Châu thì bị máy bay trinh sát NAVY của Hạm đội 7 Mỹ phát hiện… Trong cuộc đọ không cân sức về khả năng và phương tiện, sức mạnh vũ khí ấy, chúng tôi đã chiến thắng”.
 
Thần tốc giải phóng Trường Sa
 
Ngày 9/4/1975, biên đội gồm 3 tàu giả dạng tàu đánh cá nhận lệnh hành quân cấp tốc từ Hải Phòng vào căn cứ Đà Nẵng tiếp nhận lương thực, phương tiện, vũ khí thực hiện nhiệm vụ giải phóng Trường Sa.
 
Ngày 11/4/1975, tàu 673 do đồng chí Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền trưởng, tàu 674 do đồng chí Nguyễn Văn Đức làm thuyền trưởng và tàu 675 do đồng chí Phạm Duy Tam làm thuyền trưởng đã được lệnh đạp sóng hướng ra đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. 
 
Người “đạp sóng” giải phóng Trường Sa 35 năm trước - 2
Đại tá Phạm Duy Tam đang kể về quãng đời hào hùng của mình.
 
Nhiệm vụ cấp trên giao cho toàn biên đội là phải phát hiện và phân biệt các đảo của quân Ngụy Sài Gòn vào khoảng 2 - 3 giờ sáng. “Đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn vì chiều cao của các đảo ở Trường Sa rất thấp, ban ngày phát hiện đã khó huống hồ ban đêm. Máy móc hàng hải hồi đó quá thô sơ, chỉ là một cái la bàn để chỉ hướng đi, một máy 1/6 để đo mặt trời, mặt trăng, một quả bầu trời sao, một đồng hồ thiên văn và một bộ tài liệu tính thiên văn”, đại tá Tam nhớ lại.
 
Sau ba ngày hành quân liên tục vượt 500 hải lý mặc sóng to gió lớn, biên đội của ông đã phát hiện được đảo Song Tử Tây và thực hiện đúng ý định mệnh lệnh trên giao. Chỉ sau 15 phút chiến đấu, 4h45 ngày 14/4/1975, đảo Song Tử Tây - đảo đầu tiên của quần đảo Hoàng Sa - hoàn toàn được giải phóng.
 
Đêm 23, rạng sáng 24/4/1975, tàu 641 của Đoàn 125 Tàu Không Số chở phân đội đặc công nước, đoàn 126 đổ bộ giải phóng đảo Sơn Ca chỉ trong ít phút nổ súng.
 
Lúc này, trên đất liền quân ta liên tục tiến công và thắng lớn. Quân Ngụy hoang mang không thể cố thủ các đảo còn lại nên quân giải phóng đã thừa thắng xông lên. Đến 2h sáng ngày 29/4/1975, ta kéo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, giải phóng 6 đảo còn lại do Mỹ - Ngụy chiếm giữ.
 
Sau ngày giải phóng, ông Tam vẫn tiếp tục chọn hải quân và làm việc ở nhiều vị trí. Ông về hưu năm 2004 khi ở cương vị phó tham mưu Quân chủng Hải quân.
 
Khánh Hồng