1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đồng Nai:

Người dân “vùng lõi” dự án sân bay Long Thành thoát cảnh “treo đất”

(Dân trí) - Chủ trương xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (CHKQT) được Quốc hội thông qua đã giúp người dân tại “vũng lõi” của dự án này thoát cảnh “treo đất”, không dám đầu tư phát triển sản xuất gần 10 năm qua.

Thoát cảnh “treo đất”

Người dân “vùng lõi” dự án sân bay Long Thành thoát cảnh “treo đất”
Người dân “vùng lõi” dự án sân bay Long Thành thoát cảnh “treo đất”
Trong tương lai, những hình ảnh như thế này sẽ được thay thế bằng một sân bay hiện đại phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước - Ảnh Vĩnh Thủy

Sau gần 10 năm chờ đợi, sự hồ hởi đã đến với người dân khu dự án CHKQT Long Thành. Mấy ngày nay, câu chuyện về sân bay được nhắc đến nhiều hơn trong đời sống thường nhật của người dân khu vực này, mặc dù theo dự kiến phải 3 năm nữa mới xây dựng những hạng mục chính của sân bay. Mong chờ nhất có lẽ là người dân xã Suối Trầu nằm trong “vùng lõi” bởi họ luôn thấp thỏm với số phận của dự án khi sinh kế của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào đất đai, tài sản mà đã lâu lắm rồi chưa được sửa chữa, đầu tư.

Ông Trần Văn Thiện (50 tuổi , ngụ ấp 1, xã Suối Trầu, huyện Long Thành) vui mừng chia sẻ: “Nhà tôi sinh sống bằng nghề làm rẫy, trồng điều, trồng mỳ nhiều năm ở đây, do có quy hoạch nên không dám đầu tư lớn vào sản xuất bởi không biết khi nào sẽ thu hồi đất. Người dân chúng tôi ở đây ai cũng đều đồng tình với chủ trương, chính sách xây dựng sân bay của Nhà nước và tình nguyện di dời, nhường đất để phục vụ dự án. Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng sân bay là đã làm thỏa lòng bà con. Hy vọng rằng cuộc sống sau khi tái định cư của người dân sẽ tốt hơn”.

Ông Bùi Đăng Hùng (ngụ ấp 3, xã Suối Trầu, huyện Long Thành) cũng không giấu nổi niềm vui bởi cả gia đình luôn ngóng chờ tin từ các kỳ họp Quốc hội với hy vọng khi dự án chắc chắn được thực hiện, cuộc sống tái định cư sẽ tốt hơn, nơi ở cũng thuận tiện hơn. “Mọi người đã quá mệt mỏi chờ đợi suốt bao năm qua tại vùng quy hoạch dự án, trong khi các xã khác lân cận phát triển rất nhanh thì người dân Suối Trầu không dám đầu tư sản xuất vì không biết khi nào thì thu hồi đất” – Ông Hùng tâm sự.

Trong khi đó, đối với những người làm thuê, lao động thời vụ, khu dự án triển khai cơ hội có thêm nhiều việc làm mới cũng mở rộng. Anh Nguyễn Văn Nam (quê Nghệ An) cho biết: “Tôi hy vọng, khi các công việc của dự án được thực hiện, nhu cầu lao động phổ thông sẽ lớn như dự báo của Nhà nước và sẽ có nhiều cơ hội hơn cho chúng tôi tìm kiếm công việc phục vụ dự án và có thu nhập để nuôi sống gia đình”.

Giải bài toán an sinh xã hội

Người dân “vùng lõi” dự án sân bay Long Thành thoát cảnh “treo đất”
Người dân “vùng lõi” dự án sân bay Long Thành thoát cảnh “treo đất”
Người dân đang rất mong chờ dự án sớm triển khai bởi quy hoạch đã lâu, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sinh hoạt (Trong ảnh: Những dãy nhà cũ kỹ, không được sửa chữa hoặc đã bị bỏ hoang) - Ảnh Vĩnh Thủy

Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Đồng Nai, với việc điều chỉnh quy mô xây dựng CHK Quốc tế Long Thành còn 2.750 ha theo đề nghị của Bộ GTVT thì chỉ cần xây dựng 1 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (282,35 ha) sẽ đáp ứng đủ yêu cầu tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng. 

Tổng số hộ tái định cư của dự án CHK Quốc tế Long Thành là 1.532 hộ sẽ được bố trí vào Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, mức đầu tư khu tái định cư này khoảng 2.695 tỷ đồng.

Hiện nay, trong tổng số hộ dân bị giải tỏa trắng có đến 1.401 hộ chọn vào khu tái định cư tập trung Lộc An - Bình Sơn, còn lại 131 hộ chọn hình thức tái định cư phân tán. 25 hộ dân thắc mắc chưa đồng tình với việc triển khai dự án, nhưng sau khi được tuyên tuyền vận động những hộ này đã hiểu rõ ý nghĩa của dự án và đã đồng thuận với chủ trương thực hiện dự án...

Mặt khác, công tác giải quyết việc làm cho người dân nằm trong diện giải tỏa cũng đã được UBND tỉnh Đồng Nai xem xét bố trí. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2015 và định hướng năm 2020 là 35 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 12.000 ha. Đến nay, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng được 31/35 KCN, và trong tương lai sau khi đầu tư xây dựng hạ tầng 4 KCN còn lại dự kiến giải quyết thêm được 62.000 lao động. Đối với những hộ dân sau khi vào các khu tái định cư những vẫn còn muốn gắn bó với sản xuất nông nghiệp cũng được tính toán đến.

Ông Ngô Thế Ân, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, nguồn đất công của huyện vẫn còn có thể đáp ứng được 100 ha cho một số hộ dân có nhu cầu. Khi đó, địa phương sẽ lập ra các tổ hợp tác nông nghiệp đưa bà con vào sản xuất tập trung trong một khu vực tại đây.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai xây dựng Cảng HKQT Long Thành sẽ cần khoảng 20.000 lao động để triển khai thi công xây dựng với tỷ lệ lao động phổ thông (khoảng 75%) cũng như một số lao động có trình độ được đào tạo để được nhận vào làm việc. Ngoài ra các nhân khẩu trong độ tuổi lao động, trên 80% có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm mới; sau khi được đào tạo nghề sẽ tạo điều kiện bố trí làm việc tại các KCN Lộc An - Bình Sơn, KCN Long Đức, các KCN lân cận gần CHK Quốc tế Long Thành.

Dự kiến việc xây dựng Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và xây dựng Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và ổn định đời sống các hộ dân có đất bị thu hồi đất thuộc dự án cảng HKQT Long Thành sẽ hoàn thành trong tháng 6/2015. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và ổn định đời sống các hộ dân có đất bị thu hồi đất thuộc dự án CHK Quốc tế Long Thành.

Theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã cơ bản hoàn thành hồ sơ, thủ tục dự án Khu tái định cư, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Cảng HKQT Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ đề nghị cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành Tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án CHK Quốc tế Long Thành và giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm Chủ đầu tư để triển khai thực hiện.

Vĩnh Thủy