1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Không làm Long Thành, sự lãng phí vì quy hoạch “treo” 2 thập kỷ sẽ đến đâu?

(Dân trí) - Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đã được định hướng từ gần 2 thập kỷ trước. Các đại biểu Quốc hội nhìn nhận, dự án “không thể đừng” khi đường sá quy hoạch trong khu vực đều tập trung về đó; người dân địa phương cũng sống “treo” bên dự án suốt thời gian dài.

Phát biểu của Bộ trưởng Thăng giải toả cho nhiều người tâm huyết

Nói về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhắc lại bài học lịch sử từ cơ hội bị bỏ lỡ của sân bay Tân Sơn Nhất. Sân bay này được người Pháp xây dựng và người Mỹ phát triển trong suốt giai đoạn dài. Tân Sơn Nhất từng là một trong những sân bay lớn nhất khu vực, có năng lực sử dụng lớn.

Tuy nhiên, mấy chục năm qua, do quản lý, quy hoạch không tốt, sân bay Tân Sơn Nhất đã bị thu hẹp, bị lấn đất, bị xây dựng mất kiểm soát nên dẫn đến hệ quả chật chội như hiện nay. Ông Quốc nhấn mạnh, bài học cho Long Thành, cần đặt trong tầm nhìn lâu dài là vì vậy.

Triển khai dự án Long Thành, theo đại biểu Quốc, là việc “đặng chẳng đừng” vì sân bay này nằm trong quy hoạch tổng thể của khu vực Đông Nam Bộ. Quy hoạch này đã được triển khai thực hiện qua rất nhiều năm, qua 2 đời Thủ tướng (Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quy hoạch dự án năm 1997 - PV).

Không làm Long Thành, sự lãng phí vì quy hoạch “treo” 2 thập kỷ sẽ đến đâu?

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng dự án gặp nhiều ý kiến tranh luận, phản ứng một phần lý do là việc cung cấp thông tin chưa tốt. (Ảnh: Việt Hưng)

“Đáng ra, việc xây sân bay này phải làm lâu rồi chứ không phải để đến giờ, khi người dân đã sống trong quy hoạch “treo” cả 2 thập kỷ rồi mới bàn việc làm hay không làm. Nếu giờ không làm dự án này nữa, sự lãng phí sẽ đến thế nào?” – đại biểu Quốc đặt câu hỏi.

Ông Quốc cũng tâm tư về vấn đề đưa thông tin ra công khai, rộng rãi hơn để người dân và các lực lượng phản biện xã hội tham gia sớm. Đại biểu băn khoăn vì sao dự án không có được những cơ quan tư vấn độc lập thẩm định để có sức thuyết phục cao hơn. Mà không chỉ đến Long Thành, trước đó, nhiều dự án cũng đã mắc vào tình trạng tương tự.

Đại biểu đề nghị thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp này để Chính phủ có thể chuyển sang giai đoạn xây dựng báo cáo khả thi mới có thể xác định cụ thể được đâu là phương án tốt nhất, làm cách nào để người dân tin tưởng nhất.

“Những bài học thất bại từng trải qua đã khiến chúng ta rất đau lòng, xót ruột rồi. Ta sẽ phải tiếp tục trả giá theo cấp số nhân nếu tính toán sai, chậm. Vì vậy, Bộ GTVT cần tìm được tiếng nói của người dân, của chuyên gia để tạo được sự đồng thuận, có phép tính tốt nhất cho dự án” – ông Quốc góp ý.

Khẳng định ủng hộ triển khai dự án nhưng ông Quốc cũng tỏ ra nuối tiếc vì đưa vấn đề ra tại thời điểm này là “đặt vấn đề vào thế… việc đã rồi”, không có hướng lựa chọn nào khác khi đáng ra những hoạt động phản biện, tranh luận phải làm từ giai đoạn quy hoạch.

Ông Quốc góp ý: “Chúng ta đã vô tình tạo ra những hành lang rất hẹp cho những đóng góp mà may có những lời phát biểu của Bộ trưởng Thăng trước phần thảo luận vừa rồi đã khiến nhiều đại biểu chúng tôi mới thấy được giải toả, mở lòng”.

Không làm Long Thành, sự lãng phí vì quy hoạch “treo” 2 thập kỷ sẽ đến đâu?

Đại biểu Dương Trung Quốc: "Treo" 2 thập kỷ rồi, giờ nếu không làm thì sẽ lãng phí đến thế nào? (Ảnh: Việt Hưng)

Trước đó, nói thêm đôi câu sau khi kết thúc phần trình bày báo cáo đầu tư dự án, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, dự án gặp nhiều ý kiến tranh luận, phản ứng, chưa thực sự “thuận” vừa qua có một phần lý do là việc cung cấp thông tin chưa tốt, cụ thể, rộng rãi. Đó là thiếu sót của cơ quan xây dựng đề án.

Bỏ làm Long Thành, đảo lộn quy hoạch cả vùng

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) là một người đăng ký phát biểu gần như sau chót nhưng được ưu tiên phát biểu trước do là đại biểu của địa phương chịu tác động trực tiếp của dự án (TPHCM, Đồng Nai).

Ông Lịch cũng khẳng định ủng hộ việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành để giải toả quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay. Công suất tối đa của sân bay này chỉ đến giới hạn 25 triệu hành khách/năm trong khi đến thời điểm này, mức công suất đã đạt mốc 24 triệu khác, quá tải thực sự sẽ xảy ra thường xuyên từ 2017. Đại biểu cảnh báo, đây là một trở lực lớn cho việc phát triển của vùng kinh tế động lực phía Nam.

Ông Lịch cho rằng, chưa bàn tính đến chi tiết của dự án Long Thành nhưng nếu để chậm không thể xoay kịp với tình trạng quá tải Tân Sơn Nhất. Đại biểu khuyến cáo, nên làm sớm và hoàn thành giai đoạn 1 của dự án trước 2025 vì hiện tượng quá tải tại Tân Sơn Nhất không chỉ là về nhà ga hay dịch vụ mà còn quá tải về không lưu – vấn đề không thể giải quyết.

Trong khi đó, phương án mở rộng Tân Sơn Nhất là không khả thi vì sân bay hiện đã nằm lọt trong nội thành; việc mở rộng sẽ kéo theo phương án phải đền bù, giải toả thu hồi đất “khủng”, di chuyển tới nửa triệu dân, kinh phí khoảng 9,1 tỷ USD; quy hoạch vùng đô thị TPHCM cũng không đặt ra hướng mở rộng sân bay này vì toàn bộ giao thông kết nốí không có.

“Việc làm sân bay Long Thành giai đoạn 1 để chia tải cho Tân Sơn Nhất là cấp thiết, còn giai đoạn 2, 3 với mục đích làm trung chuyển thì nên để Quốc hội khoá sau tiếp tục bàn bạc, quyết định” – ông Lịch đề nghị.
Không làm Long Thành, sự lãng phí vì quy hoạch “treo” 2 thập kỷ sẽ đến đâu?
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trước phần nghe ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu đối với dự án (ảnh: Việt Hưng).

Với tư cách là một người tham gia làm quy hoạch vùng kinh tế động lực phía Nam, ông Lịch nêu quan điểm tán thành với phân tích của đại biểu Dương Trung Quốc là Long Thành sẽ trở thành trọng điểm của vùng kinh tế này vì mọi đường sá đều đã được xây dựng hướng tới đây. Nếu không làm dự án này nữa sẽ đảo lộn cả quy hoạch vùng” – ông Lịch nhận định, những góp ý, can gián… đáng ra phải từ khâu quy hoạch chứ không phải để đến lúc đưa ra dự án ra quyết như hiện nay.

Về phương án giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, ông Lịch ủng hộ đề nghị của Chính phủ, chỉ thu hồi 2.750 ha đất là đủ làm sân bay công suất 100 triệu khách cho đến tận khi hoàn thành dự án ở giai đoạn 2. Phần đất phục vụ quốc phòng và để làm dịch vụ đi kèm cần tách riêng trong dự án khác. Ông Lịch cho rằng cần thiết phân tách ra như vậy vì thu hồi một lần cả 5.000ha thì mức chi phí chênh lên đến hơn 500 triệu USD.

“Không thể không làm Long Thành vì việc này không thể đừng được nữa, tôi để nghị Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương tại kỳ họp này lần này để triển khai ngay. Vấn đề vốn chỉ cần làm rõ, tách bạch 2 phần, vốn ngân sách (bao gồm vốn vay ODA, vốn huy động từ cổ phần hoá các đơn vị khác) và vốn tư nhân tế huy động thế nào để có hiệu quả cao nhất, ảnh hưởng đến nợ công ít nhất” – ông Lịch chốt lại.

Về vấn đề hiệu quả của dự án, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) dẫn số liệu báo cáo tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 24,5%, trong khi đó mức bình quân chỉ hơn 10%. Như vậy là quá cao, liệu có được “đánh bóng” hay không - đại biểu Ngân đặt câu hỏi. Tuy nhiên, ông Ngân cũng “thông cảm vì đây là báo cáo tiền khả thi, các số liệu chỉ là khái toán”.

Đại biểu Trần Văn (Cà Mau) nhận định, báo cáo đầu tư lần này tính thuyết phục đã cao hơn vì làm rõ phương án huy động vốn, trả nợ… nhưng vấn đề đảm bảo hiệu quả thì vẫn để ngỏ.

“Chỉ trong giai đoạn 1, công suất khai thác của sân bay Long Thành là 25 triệu khách/năm. Vậy ta sẽ đón tiếp mấy trục triệu khách quốc tế này thế nào khi Tân Sơn Nhất đã gần đáp ứng đủ mà bối cảnh phát triển kinh tế, du lịch lại không mấy khả quan như hiện nay. Còn nếu tính phục vụ nhu cầu nội địa thì bao nhiêu người Việt có khả năng đi lại, di chuyển bằng máy bay?” – ông Văn băn khoăn.

P.Thảo