1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cao Bằng:

Người dân vùng cao tất tả mổ lợn, nấu bánh chưng đón Tết về

(Dân trí) - Ở Thành thị, rất nhiều gia đình do điều kiện công việc bận rộn không thể tự tay làm nên chiếc bánh chưng, giò chả… mà phải đi mua. Nhưng với bà con vùng cao tỉnh Cao Bằng, câu chuyện chuẩn bị đón tết Nguyên đán thì hoàn toàn khác, đó là tự làm.

Tại vùng cao của tỉnh Cao Bằng, khi đến đây, chắc hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi cuộc sống “tự túc” của bà con vẫn còn được lưu giữ khi đón cái tết cổ truyền. Những con lợn để thịt trong dịp tết đều được chọn lựa nuôi từ nửa năm trước, những sản phẩm như gạo nếp, lá dong gói bánh cũng do bà con tự trồng và sản xuất được. Chúng tôi có dịp cùng những người dân nơi đây chuẩn bị để đón tết nguyên đán lớn nhất trong năm, trong không khí sắc xuân ngập tràn theo phong tục cổ truyền độc đáo.

Dù đã 90 tuổi, nhưng cụ Nguyễn Văn Nghiêm, ở Thông Huề, Trùng Khánh, Cao Bằng vẫn “xung phong” làm cái việc mà mọi năm cụ đều làm, cụ sẽ tự tay nổi lửa nồi bánh chưng do cụ cùng con cháu đã gói sẵn từ đêm hôm trước.

Cụ Nghiêm cho biết: “Gia đình dù có tới 5 người cả con lẫn cháu, nhưng phải tự tay mình đun nồi bánh chưng thì mới yên tâm được. Bánh chưng để dâng lên bàn thờ tổ tiên trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cũng phải làm cẩn thận.

Người dân vùng cao tất tả mổ lợn, nấu bánh chưng đón Tết về
Cụ Nguyễn Văn Nghiêm, ở Thông Huề, Trùng Khánh, Cao Bằng dù tuổi đã cao nhưng vẫn chăm chỉ cùng con cháu thực hiện các công đoạn để có bánh chưng thờ Tết.

Công đoạn chuẩn bị và gói bánh chưng của bà con huyện Trung Khánh, Cao Bằng rất tỷ mỉ và cẩn trọng.
Công đoạn chuẩn bị và gói bánh chưng của bà con huyện Trung Khánh, Cao Bằng rất tỷ mỉ và cẩn trọng.

Trước tiên phải đun lửa thật to, khi nước đã sôi, bánh chính thì thời gian còn lại phải để cho lửa cháy đều trong suốt 8 tiếng thì bánh mới ngon. Những thanh củi từ gỗ tốt và dễ cháy đều được gia đình dành trong cả năm để đem ra dùng trong dịp này. Tôi già rồi nên chọn việc ngồi trông bánh chưng cũng thích hợp vì tiết kiệm được “nhân lực”, để con cháu sẽ đi làm những việc khác chuẩn bị tết.”

Theo lời cụ Nghiêm, năm nay bà con trong vùng làm ăn, sản xuất thuận lợi nên cả vùng đón một cái tết to hơn, ấm cúng hơn. Các lễ hội sẽ được mọi người tham gia hăng hái hơn, đầy đủ hơn. Nhà nhà đều sẵn thịt lợn, giò chả để chuẩn bị một cái tết tươm tất và ấm no.

Ngay từ sáng 28 tết, những người đàn ông lực lưỡng đã sẵn nồi nước sôi để thịt lợn, những con lợn to khỏe, ngon nhất được thịt trong ngày tết nên cần người đàn ông khỏe mới hạ gục được con lợn.

Còn chị em phụ nữ thì chung tay nhau gói bánh chưng, bánh khảo, ở vùng cao là thế, hễ nhà nào chuẩn bị tết xong trước thì sẽ giúp những nhà khác neo người hơn để không còn ai phải đón tết muộn.

Anh Ngân Bá Minh, ở Trùng Khánh, Cao Bằng chia sẻ: Ngày tết, năm nào cũng vậy, gia đình chúng tôi sẽ chung với nhiều gia đình khác thịt một con lợn để ăn tết. Thông thường nếu con lợn nhỏ thì hai người sẽ chung nhau, nhưng con nào to thì bốn gia đình sẽ cùng “cân” con lợn để ăn tết.

Công đoạn chuẩn bị và gói bánh chưng của bà con huyện Trung Khánh, Cao Bằng rất tỷ mỉ và cẩn trọng.
Lợn đen được người dân Trùng Khánh lựa chọn mổ để chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên, ông bà trong thời khắc chuyển giao năm mới.

Phong tục này đã được những ông bà duy trì từ rất lâu, vừa có được nhiều món để dâng lên bàn thờ gia tiên để tiễn năm cũ qua đi và đón năm mới, cũng vừa gắn kết tình cảm của các gia đình với nhau sau một năm lao động, sản xuất. Những tiếng cười sẽ xua tan mọi mệt nhọc, vất vả làm cho tình cảm bà con càng thêm thắm thiết.

Theo anh Minh, cách đây 7 tháng, gia đình anh đã đi tìm mua một con lợn đen - giống lợn bản địa của bà con để mang về nuôi lớn và thịt trong dịp tết. Lợn lai bây giờ nhiều, nhưng dịp tết phải chọn lấy con lợn chắc thịt, ăn ngon để thưởng thức. Mỗi năm chỉ có một lần được báo đáp tổ tiên trong dịp lễ lớn này nên thịt lợn cũng phải tươi và ngon để thể hiện tấm lòng, công ơn của con cháu đối với gia tiên.

Chị Nguyễn Thị Nhung, cán bộ bưu điện huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng do điều kiện công tác xa nhà nhưng cũng thu xếp sớm công việc cơ quan để về đoàn tụ với gia đình. Do là công việc đặc thì nên đến ngày 29 tết chị mới được về nhà. Tranh thủ gói những chiếc bánh chưng muộn, nhưng đối với chị, được về nhà đoàn tụ cùng với gia đình là niềm hạnh phúc lớn nhất.

“Dù có chuẩn bị tết muộn hơn so với mọi năm, nhưng đối với tôi, được đón tết cùng gia đình đã là may mắn hơn rất nhiều người rồi. Mình được đón tết nhưng cũng xin chia sẻ, đồng cảm với những đồng nghiệp đang phải trực tết, với những cán bộ, chiến sĩ vì nhiệm vụ không được về đón tết cùng với gia đình.

Nhìn không khí tật bật của bà con trong ngày cuối năm, khi những cơn mưa xuân kèm theo chút se lạnh của miền bắc tràn về, những nụ hoa đào đang chúm chím, hé nở khiến chúng tôi cảm thấy thêm phấn khởi. Không khí tết Nguyên đán đang đến gõ cửa từng ngôi nhà của bà con dân tộc nơi đây.

Quốc Cường - Xuân Thái