1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ sụt lún đất ở Hà Nội:

Người dân vẫn sống trong sợ hãi

(Dân trí) - Hơn 1 ngày sau sự cố sụt lún đất tại Quốc Oai, Hà Nội, nhiều ngôi nhà và tỉnh lộ 419 tiếp tục lún, nứt nặng hơn. Nhiều hộ phải tự túc di dời mà không được sự hỗ trợ nào của chính quyền. Những người ở lại thì luôn phải sống trong sợ hãi.

Đi không được, ở cũng không xong
 
Sự cố sụt lún đất ở Quốc Oai, Hà Nội ngày hôm qua (31/11) đã gây ra những hậu quả lớn về vật chất cho người dân thị trấn Quốc Oai. Ngoài ngôi nhà hai tầng của ông Phạm Quang Thiện bị nghiêng, lún sâu dưới đất hơn 1m, các nhà xung quanh cũng phải gánh những thiệt hại lớn.
 
Cửa hàng điện tử số 139 của anh Tạ Đình Công phía bên phải chỉ kịp sơ tán hàng hóa ở tầng một. Anh Công cho biết, trên tầng 2 và dưới tầng hầm còn nhiều hàng hoá trị giá vài chục triệu nhưng gia đình không ai dám vào lấy vì sợ nhà sập, hay vôi vữa trên đầu rơi xuống.
 
Người dân vẫn sống trong sợ hãi - 1
Nhiều mảng tường đã đổ xuống
 
Nhà anh Phạm Quang Hùng, kế bên nhà ông Thiện, vừa mới sửa lại mất ngót trăm triệu thì nay cũng bị nứt toác. Theo nhận định, ba nhà ông Thiện, anh Công và anh Hùng chắc chắn phải phá bỏ hoàn toàn. Các ngôi nhà quanh đó cũng xuất hiện thêm nhiều vết nứt mới.
 
Chiều qua, chính quyền địa phương đã yêu cầu 10 hộ gia đình quanh khu vực sụt lún khẩn trương di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Mọi người phải đến nhà người quen ở nhờ, công việc kinh doanh buôn bán hoàn toàn bị ngưng lại. Nhiều hộ cách đó vài chục mét cũng đóng cửa nhà, “cuốn gói” đi trước.
 
Người dân vẫn sống trong sợ hãi - 2
Tỉnh lộ 419 cũng bị lún, nứt nặng hơn
 
Anh Lê Văn Ngọc, chủ cửa hàng sửa xe máy đối diện khu đất sụt lún nhà ông Nga cho biết: “Tối hôm qua, toàn bộ 6 người trong gia đình tôi đã phải sang nhà ông chú ở cuối phố lánh tạm. Đồ đạc cũng nhanh chóng chuyển đi gần hết. Nhưng không biết bao giờ người ta mới giải quyết xong. Cứ thế này thì còn làm ăn gì nữa.”
 
Những hộ gia đình không thuộc diện di dời theo yêu cầu của cơ quan chức năng vẫn ở lại nhưng luôn lo sợ và cũng đã lo “chạy” trước một số vật dụng. Từ tối qua, các nhân viên cửa hàng bán vật liệu xây dựng của ông Đỗ Nhật Nghi phải tức tốc làm việc hết công suất đi di chuyển hàng tấn gạch ngói, xi măng đi “tránh nạn”. “Người cũng sơ tán nhưng vẫn phải có người ở lại vì hàng hoá còn nhiều, đến mai chưa chắc đã chuyển hết thì ai dám bỏ nhà không. Đi không được, ở cũng không xong, vì biết đâu nhà tôi lại nứt ra thì sao” - ông Nghi cho biết.
 
Người dân vẫn sống trong sợ hãi - 3
Đến chiều nay, nhiều hộ không thuộc diện buộc di dời cũng đã hoàn tất công việc “sơ tán”

Chậm khắc phục hậu quả

Sự việc trên diễn ra đã hơn 1 ngày, song người dân vẫn chưa thấy những động thái thiết thực của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Tối hôm qua, công an huyện đã lập biên bản niêm phong 3 ngôi nhà bị thiệt hại nặng nhất, giữ nguyên hiện trường; lập biên bản với chủ xây dựng và chủ máy khoan giếng. Đến chiều nay, phòng tài chính huyện đã triệu tập 3 hộ trên lên kê khai thiệt hại và số tài sản còn trong nhà.
 
Ngôi nhà của ông Thiện đã bị sụt sâu thêm gần 30cm, các mảng tường thỉnh thoảng lại rơi xuống. Các nhà xung quanh cũng xuất hiện thêm nhiều vết nứt mới. Tỉnh lộ 419 chạy ngang qua cũng lún thêm và nghiêng hẳn sang một bên. Tuy nhiên, người ta chỉ thấy mấy cán bộ địa chính huyện đo đạc, kẻ vẽ qua loa, chưa thấy cán bộ địa chất và cán bộ cục đường bộ 1 (đơn vị trực tiếp quản lý đoạn đường này) đến hiện trường tìm hiểu nguyên nhân.
 
Đoạn tỉnh lộ 419 chạy qua đã được rào chắn và có công an thị trấn bảo vệ nhưng người dân, thậm chí cả các em học sinh nhỏ tuổi vẫn “vô tư” tụ tập xung quanh nhòm ngó, bất chấp sự nguy hiểm.
 
Người dân vẫn sống trong sợ hãi - 4
Khu vực sụt lún ngày càng nguy hiểm nhưng nhiều người dân vẫn “vượt rào” để “tận mục”

Một điều nữa làm những hộ dân khu vực bị sụt lún bức xúc là chính quyền buộc họ phải di dời mà không hề có sự hỗ trợ nào. Mặc dù trong biên bản làm việc chiều ngày 30/11 có ghi rõ “bố trí chỗ ăn ở, sinh hoạt tạm thời cho các hộ dân bị thiệt hại”.

Cán bộ huyện và Sở tài nguyên môi trường Hà Nội thì họp đi họp lại mấy lần từ hôm qua nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng để tìm nguyên nhân và truy cứu trách nhiệm những người liên quan. “Họ đã quá chậm trễ trong việc khắc phục hậu quả để ổn định cuộc sống nhân dân. Chúng tôi xót của, ngày đêm lo lắng cho ngôi nhà của mình mà không thấy huyện có chỉ đạo gì, cũng chưa thấy nói nguyên nhân hay trách nhiệm của ai nữa” - ông Thiện bức xúc!
 

Ông Hà Thư, Phó phòng quản lý tài nguyên nước, Sở TN - MT Hà Nội cho biết: Tối qua cũng đã có một cán bộ địa chất của Sở xuống xem xét nhưng tới giờ vẫn chưa thấy có ý kiến gì. Việc chỉ đạo khắc phục hậu quả và tìm nguyên nhân thì phải đợi sự chỉ đạo của Bộ TN - MT. Tạm thời, chúng tôi mới chỉ đưa ra cảnh báo với người dân, yêu cầu họ tránh xa khu vực nguy hiểm.

 
Bài, ảnh: Tiến Nguyên