Hà Nội:
Sụt, nứt hàng loạt ngôi nhà vì khoan giếng
(Dân trí) - Toàn bộ ngôi nhà ông Thiện đột nhiên bị lún sâu xuống đất hơn 1m. Tường nhà các hộ xung quanh xuất hiện nhiều vết nứt lớn. Con đường chạy ngang qua cũng bị đứt gẫy một đoạn dài, khe nứt rộng 4-5cm.
Sự việc bắt đầu lúc 9h30 sáng 30/11, tại thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai, Hà Nội).
Ông Phạm Quang Thiện, chủ ngôi nhà số 135B, thị trấn Quốc Oai, ngôi nhà chịu thiệt hại nặng nhất của vụ việc kể lại: khoảng 9h30, ông đang ngồi uống nước trong nhà thì đột nhiên thấy ngôi nhà sụt xuống. Giật mình, ông chạy ra ngoài thì ngôi nhà ông liên tiếp xuất hiện những vết nứt lớn trên tường và giữa các trụ.
Hiện trường bên trong ngôi nhà số 135B của ông Thiện
Ông vội vàng hô hào hàng xóm sơ tán của cải trong nhà nhưng cũng chỉ được vài thứ. Vôi vữa trên trần nhà liên tục rơi xuống nên không ai dám vào trong nữa. Đồng thời, ngôi nhà hai tầng rộng gần trăm mét vuông của ông mỗi lúc một lún xuống sâu. Vết nứt lan dần khắp ngôi nhà, lan sang cả các nhà xung quanh.
Nhà 139 bị nứt, nền đất trước cửa sụt sâu
Chứng kiến của PV Dân trí lúc 15h chiều cùng ngày, toàn bộ ngôi nhà số 135B của ông Thiện sụt sâu dưới đất hơn 1m và bị nghiêng, rất nguy hiểm. Các nhà xung quanh, đặc biệt là nhà ông Tạ Đình Công và nhà anh Phạm Quang Hùng ở liền kề đó cũng xuất hiện nhiều vết nứt lớn trên tường và dưới móng nhà. Đường tỉnh lộ 419 từ cao tốc Láng - Hòa Lạc vào thị trấn bị xé một đoạn dài hơn 20 mét, khe nứt rộng 4-5cm.
Vết nứt bên ngoài nhà số 135A
Nguyên nhân của vụ việc được cho là do nhà bên cạnh khoan giếng, ảnh hưởng tới địa chất khu đất này. Cạnh nhà ông Thiện là khu đất nhà ông Phạm Văn Nga. Ông Nga giao cho con rể là anh Tạ Đình Lịch thuê đội khoan tư nhân của anh Nguyễn Khắc Loan khoan giếng khai thác nước từ ngày 27/11. Đến 9h30 sáng 30/11, đội khoan đã khoan đến độ sâu 50m, đường kính giếng 60-48mm. Sau khi rút mũi khoan lên khỏi mặt đất thì có hiện tượng sụt lún, nứt tường các ngôi nhà xung quanh, nghiêm trọng nhất là nhà ông Thiện.
Công an huyện Quốc Oai, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã xuống bảo vệ hiện trường, giám định và lập biên bản với hộ nhà anh Lịch cùng đội khoan giếng của anh Loan, yêu cầu phải dừng ngay việc khoan giếng. Đồng thời, cơ quan chức năng đã tổ chức khoanh định toàn bộ khu vực nguy hiểm, đánh dấu, cảnh báo người dân.
Qua kiểm tra ban đầu, đội khoan giếng của anh Nguyễn Khắc Loan đã không đăng ký kinh doanh, cũng không ai có giấy phép hành nghề. Như vậy là trái với luật tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên Môi trường. Biên bản làm việc cũng yêu cầu anh Loan không được rời khỏi địa phương, có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra nguyên nhân vụ việc cũng như trách nhiệm từng người liên quan.
Chiếc máy khoang giếng đang bị coi là “thủ phạm” của vụ việc bị giữ tại hiện trường, trên khu đất nhà ông Nga
Ông Hà Thư, Phó phòng quản lý tài nguyên nước, Sở TN - MT Hà Nội, người trực tiếp xuống hiện trường giám định, lập biên bản cho biết: “Hiện tại, ba nhà gần khu vực sụt lún nhất bị nứt nghiêm trọng, không ai được vào bên trong nữa. Ba ngôi nhà đó chắc chắn phải phá bỏ.
Nguyên nhân ban đầu có thể do mũi khoan đã làm chấn động vùng địa chất phía dưới. Vì theo nghiên cứu của chúng tôi từ trước, Quốc Oai là khu vực có nền địa chất yếu. Song để tìm được nguyên nhân sâu xa thì phải chờ tổ chuyên môn giám định. Cụ thể phải tìm hiểu xem sâu dưới lòng đất 50m là sông, suối ngầm hay đá vôi. Nhưng trước hết, những hộ dân gần đó nên sơ tán, đề phòng nguy hiểm.”
Hàng trăm người dân hiếu kỳ vẫn tiến sát khu vực nguy hiểm,
bất chấp sự cảnh báo của cơ quan chức năng
Trước đây hơn 1 năm, tại xã Đồng Quang cũng thuộc thị trấn Quốc Oai đã có một vụ việc tương tự xảy ra. Nguyên nhân là do khoan giếng vào nơi có tầng địa chất yếu.
Đến 17h chiều 30/11, các hộ xung quanh vẫn tiếp tục sơ tán người và của ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đã có thêm 3 ngôi nhà nữa xuất hiện vết nứt. Tuy nhiên, những người dân hiếu kỳ vẫn tụ tập ngay sát ngôi nhà bị sụt lún, bất chấp sự cảnh báo của cơ quan chức năng.
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ.
Bài, ảnh: Tiến Nguyên