1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Người dân vẫn "mất ăn, mất ngủ" vì dự án nhà máy xử lý rác

(Dân trí) - Nhiều người dân ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng - Hải Dương) tiếp tục phản đối dự án xây dựng nhà máy xử lý rác trên địa bàn vì lo lắng sẽ ảnh hưởng xấu tới môi trường. Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi tỉnh Hải Dương đề nghị sớm giải quyết dứt điểm vụ việc này.

Tiếp tục phản ánh tới phóng viên Báo Dân trí, nhiều người dân sinh sống ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng - Hải Dương) cho biết, 100% người dân không đồng tình cho xây dựng nhà máy xử lý rác tại địa phương vì lo lắng sẽ ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Người dân vẫn mất ăn, mất ngủ vì dự án nhà máy xử lý rác - 1

Mô hình Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện tỉnh Hải Dương.

Theo phản ánh của các hộ dân nói trên, UBND huyện Cẩm Giàng đã thực hiện thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân để thực hiện Dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; vị trí xây dựng nhà máy rác nêu trên nằm gần khu dân cư và các công trình khác của địa phương như trường mầm non, làng nghề truyền thống gỗ Đồng Giao, sông Bắc Hưng Hải (sông cung cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt cho một vùng rộng lớn),...

Nếu đi vào hoạt động, nhà máy này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân trong khu vực; công dân đã nhiều lần gửi đơn nhưng chưa đượcc các cấp chính quyền địa phương xem xét, giải quyết dứt điểm.

Ông Vũ Xuân Năm (ở xã Lương Điền) cho biết: Trước khi UBND xã Lương Điền có quyết định thu hồi đất 10,4ha đất nông nghiệp để xây dựng dự án nhà máy rác đã không tiến hành họp xin ý kiến nhân dân, không tổ chức các cuộc họp chi bộ thôn và HĐND xã Lương Điền.

Người dân vẫn mất ăn, mất ngủ vì dự án nhà máy xử lý rác - 2

Ông Vũ Xuân Năm lo lắng về môi trường nếu dự án nhà máy xử lý rác được triển khai ở địa phương.

"Chúng tôi quá lo lắng dự án sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của con cháu sau này, nên hàng ngày người dân chúng tôi phải bỏ công, bỏ việc, mất ăn, mất ngủ để đi kiến nghị với các cấp chính quyền phải lắng nghe người dân, dừng ngay dự án này" - ông Năm nói.

Cũng theo ông Năm, nguyện vọng của người dân địa phương là chính quyền phải tổ chức ngay cuộc họp dân để lấy ý kiến cộng đồng, nếu người dân đồng thuận thì dự án mới được triển khai.

Người dân vẫn mất ăn, mất ngủ vì dự án nhà máy xử lý rác - 3

Người dân xã Lương Điền không đồng ý cho xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại địa phương.

Người dân vẫn mất ăn, mất ngủ vì dự án nhà máy xử lý rác - 4

Các hộ dân cho rằng, vị trí của dự án gần khu dân cư, nghĩa trang,...là không hợp lý.

Người dân vẫn mất ăn, mất ngủ vì dự án nhà máy xử lý rác - 5

"Dự án gần sát dòng sông lấy nước từ sông Bắc Hưng Hải cung cấp nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt của cả một vùng rộng lớn là tiềm ẩn gây ô nhiễm nguồn nước rất lớn" - một người dân xã Lương Điền lo lắng.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, chủ đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt. Khoản 2 Điều 19 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định, việc lập ĐTM phải được thực hiện từ khi thực hiện từ giai đoạn chuẩn bị dự án;  Khoản 2 Điều 21 của luật này quy định, chủ dự án phải tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án.

Do đó, ông Năm kiến nghị, nguyện vọng của người dân là chủ đầu tư dự án phải thực hiện theo đúng Luật Bảo vệ môi trường là phải xin ý kiến cộng đồng khi thực hiện ĐTM. Nếu quá trình này người dân không đồng thuận thì đồng nghĩa với việc ĐTM không được phê duyệt, dự án phải dừng ngay lập tức.

Ông Trần Quang Huy (78 tuổi, ở xã Lương Điền) cho biết thêm: Tại địa bàn xã Lương Điền đã có nhiều nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được xây dựng và đã đi vào hoạt động. Diện tích thu hồi đất để phục vụ cho các dự án trên địa bàn xã Lương Điền là trên 30% diện tích đất nông nghiệp, do đó, môi trường xung quanh đã quá sức chịu đựng.

Người dân vẫn mất ăn, mất ngủ vì dự án nhà máy xử lý rác - 7

Ông Huy cho rằng, tại địa phương đã có nhiều nhà máy, xí nghiệp hoạt động, môi trường đã quá sức chịu đựng nên nếu xây dựng dự án nhà máy xử lý rác tại địa phương ông sẽ không hợp lý, cần tìm nơi khác phù hợp hơn.

"Ngày 26 và 27/3, người dân chúng tôi phải tổ chức phục sẵn và bắt quả tang công ty giày da xả thải trái phép chất thải ra môi trường đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của chúng tôi. Khi làm việc với cơ quan chức năng, xí nghiệp này đã bị xử phạt và ký biên bản không tái phạm" - ông Huy thông tin.

Từ sự việc trên, ông Huy lập luận tiếp: "Từ hiện tại như vậy mà nghĩ đến tương lai, các dự án ban đầu đều cam kết đảm bảo môi trường, sao cơ quan chức năng không giám sát mà vẫn để xảy ra như vậy. Cuối cùng người dân, con cháu chúng tôi vẫn phải chịu đựng. Do đó, chúng tôi cảm thấy không yên tâm, nhất là lại đem nhà máy rác vào khu vực đã quá sức chịu đựng về môi trường như địa phương chúng tôi".

Phải xem sức chịu đựng của môi trường xung quanh

Liên quan đến vấn đề ĐTM, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phân tích thêm, một khâu quan trọng của ĐTM đó là phải đánh giá xem môi trường tiếp nhận (sông, suối, mương,…) nguồn nước thải có còn sức chịu tải không? Nghĩa là, nguồn nước thải công nghiệp thải ra môi trường tiếp nhận dù có đạt theo quy chuẩn 40/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì vẫn là nước thải, không thể đem đi xử lý để làm nước sinh hoạt được. Do đó, nếu môi trường tiếp nhận đã không còn sức chịu tải mà cứ đổ nguồn nước thải công nghiệp vào thì dẫu có đạt quy chuẩn 40/2011 vẫn có khả năng gây ô nhiễm.

Người dân vẫn mất ăn, mất ngủ vì dự án nhà máy xử lý rác - 8

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh trao đổi với phóng viên Dân trí.

“Tức là con sông này hiện nay đã quá khả năng chịu tải, không thể tự làm sạch được nữa, mà chúng ta cứ cho đổ nước thải công nghiệp vào, mặc dù nước thải này đạt quy chuẩn 40 thì vẫn ô nhiễm. Con sông đó là nguồn nước thải sinh hoạt theo quy chuẩn 14/2008 khắt khe hơn quy chuẩn 40, do đó, khi đã quá sức chịu đựng thì không thể nhận thêm được nguồn thải công nghiệp theo tiêu chuẩn 40 được nữa. Chính vì thế, các nhà máy phải xử lý làm sao cho nguồn thải ra có tiêu chuẩn khắt khe hơn, bằng với môi trường tiếp nhận là được, vì thải ra nó vẫn là nó thì không sao” – tiến sĩ Kinh phân tích.

Một vấn đề cũng được tiến sĩ Kinh lưu ý trong khâu ĐTM, đó là phải thu thập thông tin của các dự án đã được đánh giá trước đó mà chưa hoạt động và các dự án đang hoạt động ở khu vực, vì tất cả đều thải ra một môi trường tiếp nhận chung. Khi có đầy đủ thông tin như vậy thì đánh giá tác động môi trường cho một dự án mới trở thành một “bức tranh tròn trịa” được, sẽ không bị “méo mó”.

Ngày 18/3/2019, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 111/TTr-TDXLĐT gửi UBND tỉnh Hải Dương sớm giải quyết dứt điểm, trả lời công dân và thông báo kết quả giải quyết đến Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Người dân vẫn mất ăn, mất ngủ vì dự án nhà máy xử lý rác - 9

Công văn của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

Liên quan đến nội dung trên, ngày 28/3/2019,  phóng viên Báo Dân trí đã liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Cẩm Giàng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, các đơn vị này nói sẽ nghiên cứu và trả lời phóng viên vào thời gian nhất định.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc!

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm