1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Hải Dương:

Lo ảnh hưởng môi trường, người dân phản đối xây dựng nhà máy rác

(Dân trí) - Nhiều người dân ở xã Lương Điền (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) đang phản đối dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải đặt trên địa bàn xã này với lo ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống và sản xuất.

Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Lương Điền có tổng vốn đầu tư là 45 triệu USD tương ứng với công suất 500 tấn/ngày đêm (xử lý rác thải sinh hoạt không phân loại); trong đó, giai đoạn I đến năm 2020, nhà máy sẽ đạt 250 tấn/ngày đêm, giai đoan II sau năm 2020 đạt công suất 500 tấn/ngày đêm, phát điện 9 đến 10 MW. Với công suất này, khi dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết được vấn đề rác thải cho huyện Cẩm Giàng.

Lo ảnh hưởng môi trường, người dân phản đối xây dựng nhà máy rác - 1

Mô hình Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện tỉnh Hải Dương.

Lo ảnh hưởng môi trường, người dân phản đối xây dựng nhà máy rác - 2

Khu vực cánh đồng của xã Lương Điền nằm trong quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác.

Hiện dự án trên đã được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư; HĐND tỉnh Hải Dương chấp thuận thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa để xây dựng nhà máy.

Tuy nhiên, nhiều người dân sinh sống cạnh dự án này cho rằng, nhà máy rác này đặt quá gần khu dân cư, trường học, các công trình tâm linh là bất hợp lý.

Người dân bày tỏ quan điểm vì sao phản đối nhà máy rác

 

Ông Trần Đình Thụ (xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) cho rằng: “Dự án này sẽ ảnh hưởng đến môi trường, đến cuộc sống, đến các cháu còn non trẻ mầm non, mẫu giáo vì dự án này quá gần khu dân cư”.

Cùng tâm trạng lo lắng như ông Thụ, ông Nguyễn Mạnh Dẫn (cùng địa chỉ với ông Thụ) bày tỏ thêm: “Dự án này chúng tôi lo ngại ngoài ô nhiễm nước, còn ảnh hưởng đến mấy trăm  héc-ta lúa của chúng tôi quanh đây”.

Lo ảnh hưởng môi trường, người dân phản đối xây dựng nhà máy rác - 3

Ông Trần Mạnh Dẫn còn cho rằng, nhà máy xử lý rác sẽ ảnh hưởng cả đến diện tích lúa của người dân địa phương xung quanh.

Trong khi đó, ông Trịnh Ngọc Thành - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho rằng, dự án trên hoàn toàn đảm bảo về khoảng cách và sẽ không gây ô nhiễm môi trường khi đi vào hoạt động. Cơ sở để ông Thành khẳng định là chủ đầu tư sẽ sử dụng dây chuyền, công nghệ đồng bộ, bản quyền công nghệ gốc của một tập đoàn nước ngoài.

“Chúng tôi đã được đi tham quan một nhà máy xử lý rác ở nước ngoài do chính nhà đầu tư này đầu tư theo công nghệ đang hoạt động, khi mà tận mắt chứng kiến hoạt động của nhà máy đó thì chúng tôi thấy rất yên tâm về mặt công nghệ” – ông Thành nói.

Lo ảnh hưởng môi trường, người dân phản đối xây dựng nhà máy rác - 4

Ông Trịnh Ngọc Thành tin tưởng nhà máy rác sắp triển khai trên địa bàn xã Lương Điền sẽ không tác động xấu đến môi trường.

Tuy nhiên, trái với tâm lý yên tâm của ông Thành, nhiều người dân ở xã Lương Điền vẫn tỏ ra rất lo lắng: “Người dân chúng tôi không kiểm soát được, nếu nhà máy gây ô nhiễm chúng tôi muốn vào kiểm tra mà bảo vệ không cho vào thì chúng tôi phải làm sao?” – ông Vũ Xuân Năm (xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) lo lắng.

Liên quan đến nội dung trên, theo ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), dự án xây dựng nhà máy xử lý rác là nhà máy có tác động xấu đến môi trường, vì vậy theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, chủ đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt. Khoản 2 Điều 19 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định, việc lập ĐTM phải được thực hiện từ khi thực hiện từ giai đoạn chuẩn bị dự án;  Khoản 2 Điều 21 của luật này quy định, chủ dự án phải tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án

“Để lập một dự án như vậy phải tuân theo đúng quy trình, quy định của Chính phủ, trong đó ĐTM là bắt buộc. Có quy định dự án có khoảng cách khu dân cư bao nhiêu, làm như nào, vận chuyển ra sao, xử lý như nào,… đều có quy định rõ của nhà nước. Phải làm ĐTM trước khi làm bất cứ việc gì của dự án” – ông Tùng nói.

Lo ảnh hưởng môi trường, người dân phản đối xây dựng nhà máy rác - 5

Ông Hoàng Dương Tùng cho biết,  dự án bắt buộc phải có ĐTM trước khi triển khai các bước tiếp theo.

Quy định là thế, nhưng tại dự án xử lý rác ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đã được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận đầu tư vào tháng 7/2018 và đã tiến hành thu hồi đất thì việc làm ĐTM vẫn chưa được thực hiện. 

Giải thích về nội dung này, ông Trịnh Ngọc Thành cho biết: "Hiện nay chủ đầu tư dự án đang trong quá trình hoàn thiện ĐTM. Khi thu hồi đất xong, chủ đầu tư phải có ĐTM mới được khởi công dự án".

Ngày 7/3, trả lời báo chí tại cuộc giao ban báo chí tỉnh Hải Dương, ông Trịnh Ngọc Thành - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết: Huyện này hiện có gần 14 vạn dân, 5 Khu Công nghiệp và 3 Cụm công nghiệp với rất nhiều lao động. Mỗi người dân trung bình xả ra môi trường khoảng 0,5 kg rác thải/ngày. Trong khi đó, trên địa bàn huyện, rác thác chỉ được xử lý bằng hình thức chôn lấp nên có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nhất là nguồn nước ngầm.

Từ thực tế đó, Liên doanh United Expert Investments Limited và Công Cổ phần Tài nguyên và Môi trường Âu Việt đã đề nghị đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện tại xã Lương Điền và đã được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư; HĐND tỉnh Hải Dương chấp thuận thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa để xây dựng nhà máy.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, dự án đầu tư thuộc nhóm hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ; thuộc dự án nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nên khi giải phóng mặt bằng của dự án đầu tư không phải thỏa thuận với người dân có đất bị thu hồi. Vị trí xây dựng nhà máy đảm khoảng cách đối với khu dân cư theo đúng quy định của pháp luật.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm