"Người dân rất bất bình cách dùng đất trong sân bay Tân Sơn Nhất"
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, hiện nay nhân dân chưa yên tâm và cũng rất bất bình về cách sử dụng đất trong khuôn viên sân bay Tân Sơn Nhất.
Mở rộng Tân Sơn Nhất cũng không đủ nhu cầu
Chiều 8/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc tách dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành. Phát biểu tại đây, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM cho rằng, việc giải phóng mặt bằng một lần là cần thiết để ổn định đời sống người dân và đảm bảo tiến độ triển khai dự án.
Tuy nhiên, vấn đề đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm băn khoăn là nguồn lực để giải phóng mặt bằng khoảng 23.000 tỷ đồng lấy từ đâu. “Điều kiện kinh tế xã hội những năm tới còn rất khó khăn chứ không đơn giản. Tôi muốn Chính phủ giải trình rõ việc này trước khi Quốc hội thông qua”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Song hành trong quá trình chuẩn bị xây dựng sân bay Long Thành là việc mở rộng nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, nên theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, các đơn vị liên quan phải đưa ra các phương án sao cho hợp lòng dân nhất, tiết kiệm nguồn vốn và đất đai nhất.
Theo bà Tâm hiện nay nhân dân chưa yên tâm và cũng rất bất bình về cách sử dụng đất trong khuôn viên sân bay Tân Sơn Nhất. “Dù chúng ta rất tích cực nhưng rõ ràng việc quản lý, sử dụng đất chưa hiệu quả và còn có những vấn đề khả thi chưa cao, tính minh bạch chưa có, sự đồng thuận trong nhân dân chưa có”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) cũng cho rằng, dù sân bay Tân Sơn Nhất có nâng cấp mở rộng đúng tiến độ cũng không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hành khách, trong khi đó, sân bay Long Thành khó có thể đảm bảo tiến độ giai đoạn một vào năm 2025. Vì vậy, áp lực lên sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian tới là rất lớn.
Tại hội trường, đại biểu Trần Anh Tuấn kiến nghị tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng công suất từ 43-45 triệu hành khách/năm đồng thời xóa bỏ hình ảnh sân golf thông thoáng bên cạnh một sân bay Tân Sơn Nhất bề bộn, ách tắc.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Hồng Hải (đoàn Bình Thuận) cho rằng, hiện sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải nghiêm trọng, nhiều tuyến bay đến phải bay lòng vòng trên trời gây mất an toàn hàng không. Bên cạnh đó, đường vào sân bay cũng thường xuyên bị ùn tắc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách.
Từ những phân tích trên, đại biểu đoàn Bình Thuận cho rằng, việc tách dự án giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết. Tuy nhiên, điều đại biểu băn khoăn là vấn đề huy động nguồn vốn lên đến 23.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng. Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ phương án huy động nguồn vốn trên.
Mở rộng Tân Sơn Nhất về phía Bắc là bất khả thi
Báo cáo giải trình tiếp thu, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc để nâng thêm công suất lên 25 triệu hành khách/năm là bất khả thi. “Qua chỉ đạo của Chính phủ chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ càng, các đồng chí bên Bộ Quốc phòng cũng rất ủng hộ, nhưng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc là hoàn toàn không khả thi”, Bộ trưởng Bộ GTVT nói.
Theo ông Trương Quang Nghĩa có nhiều lý do cho việc không nên mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc là chi phí giải phóng mặt bằng lớn, ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực…
Người đứng đầu Bộ GTVT cho biết, phương án khả thi nhất và cũng tiết kiệm nhất cho việc giải quyết những tồn tại ở sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay là xây dựng thêm nhà ga T4 với công suất 10-15 triệu hành khách/năm (tổng công suất sân bay sẽ được nâng lên khoảng 40-43 triệu hành khách/năm).
“Về đường lăn, sân đậu, chúng tôi đang quyết tâm làm xong trước năm 2018; về nhà ga sẽ xong trong năm 2019, nhưng đến 2022 thì sân bay lại đầy công suất. Có nghĩa là sân bay Tân Sơn Nhất không thể đảm đương được việc phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng hiện nay. Vì vậy, việc xây dựng sân bay Long Thành, hoàn thành giai đoạn một vào 2025 đúng theo dự kiến là nhu cầu rất cấp bách. Chúng tôi rất mong đại biểu Quốc hội ủng hộ để tiến hành sớm dự án này”, ông Trương Quang Nghĩa phân tích.
Quang Phong