1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người dân ở TPHCM phấn khởi khi mỗi tuần có 20 con chó chạy rông bị bắt

An Huy

(Dân trí) - Nhiều người dân tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức (TPHCM) vui mừng khi địa phương có một tổ bắt chó chạy rông làm việc thường xuyên, quyết liệt.

Những ngày qua, nhiều người dân tại phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) tỏ ra phấn khởi khi tình trạng chó chạy rông trên địa bàn giảm hẳn. Các con hẻm, khu phố bớt việc chó phóng uế bừa bãi.

Người nuôi chó đã biết sợ nộp phạt

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Hồ Bích (39 tuổi, ngụ đường số 18, phường Hiệp Bình Chánh) chia sẻ, kết quả trên nhờ công của Tổ bắt chó chạy rông phường Hiệp Bình Chánh ra quân tuần tra thường xuyên thời gian qua.

Khoảng một tháng trở lại đây, tuyến đường trước nhà chị Bích không còn tình trạng chó chạy rông. Trẻ con trong khu dân cư thoải mái ra đường đi dạo buổi sáng và chiều tối.

Người dân ở TPHCM phấn khởi khi mỗi tuần có 20 con chó chạy rông bị bắt - 1

Một con chó chạy rông được bắt tại khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh (Ảnh: An Huy).

Theo chị Bích, thời gian trước, mỗi buổi sáng mở cửa nhà là điều ám ảnh đối với chị. Trước cửa nhà chị liên tục xuất hiện phân, nước tiểu chó. Chị phải lấy đồ hốt phân và đổ nước rửa tránh mất vệ sinh. Chó nhiều quá, chị không biết con vật của ai gây ra nên đành ngậm ngùi.

Người phụ nữ này chia sẻ, có hôm chị và người khác đi xe máy qua khu vực trên bị chó đuổi. Ai cũng phải co chân lên xe để tăng tốc bỏ chạy.

"Nắng nóng thế này, chó dễ phát bệnh dại, lực lượng phường đi bắt như vậy người dân rất mừng. Hy vọng việc bắt chó sẽ đánh vào ý thức người nuôi. Nuôi chó mà không ý thức, lực lượng chức năng nên bắt, tôi và mọi người rất ủng hộ", chị Bích nói.

Bên cạnh đó, bà Mai Lệ Thủy (62 tuổi) ngụ đường số 4, khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh, cho biết, khu dân cư chỗ bà có quá nhiều người nuôi chó. Họ thường thả thú cưng ra ngoài đi vệ sinh, tránh phải lau dọn.

Con hẻm trước nhà bà trong thời gian dài nồng mặc mùi phân, nước tiểu chó nhưng không ai dọn. Bà rất bức xúc nhưng phải tự tay hốt phân vì không thể để ô nhiễm.

Người dân ở TPHCM phấn khởi khi mỗi tuần có 20 con chó chạy rông bị bắt - 2

Bà Thủy chia sẻ bức xúc với phóng viên Dân trí (Ảnh: An Huy).

"Tôi không quét dọn phân chó, cũng chẳng ai làm thay. Họ nuôi và thương chó như con cái trong gia đình nhưng vô ý thức. Tôi có mấy đứa cháu cũng không dám cho đi bộ một mình ngoài đường vì sợ bị chó cắn", bà Thủy nói.

Người phụ nữ cho biết, chỉ riêng khu vực này, thời gian qua lực lượng chức năng phường đã bắt gần 10 con chó chạy rông. Từ đó, họ cũng nhốt lại, tình trạng chó chạy ra đường cũng giảm bớt vì người nuôi đã biết sợ nộp phạt.

Giảm 80% chó chạy rông

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo UBND phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) cho biết, thời gian qua đơn vị đã tăng cường kiểm tra chó chạy rông. Người dân địa phương cũng nâng cao ý thức trong việc nuôi thú cưng. Chó chạy rông trong các khu dân cư đã giảm.

"Sau mỗi lần đi kiểm tra, nếu chủ không đến phường đóng phạt nhận lại chó, trong vòng 48 giờ, đơn vị sẽ bàn giao những con vật này cho lực lượng thú y xử lý theo quy định. Mỗi con chó chạy rông và không rọ mõm, chủ sẽ bị phạt 1,9 triệu đồng. Nếu chó chưa tiêm phòng, chủ phải đóng phạt thêm 1,5 triệu đồng", vị này nói.

Ông Ninh Văn Hiếu, thành viên Tổ bắt chó chạy rông phường Hiệp Bình Chánh, cho biết, mỗi tuần lực lượng chức năng phường Hiệp Bình Chánh đi kiểm tra 2 buổi. Trung bình mỗi tuần bắt được khoảng 20 con chó. Đến nay, lượng chó thả rông trong khu dân cư đã giảm được 80%.

Người dân ở TPHCM phấn khởi khi mỗi tuần có 20 con chó chạy rông bị bắt - 3

Ông Ninh Văn Hiếu, thành viên Tổ bắt chó chạy rông phường Hiệp Bình Chánh (Ảnh: An Huy).

Theo ông Hiếu, những ngày đầu ra quân, người nuôi chó thường không hài lòng với công việc của tổ. Họ có những hành động chống đối gây khó cho tổ công tác.

Tuy nhiên, anh em trong tổ làm riết thành quen. Người dân đã nâng cao ý thức trong việc quản lý, không để chó chạy rông, phóng uế bừa bãi như thời gian trước.

"Bây giờ họ chỉ để chó chạy rông gần nhà thôi, chứ không dắt đi xa ở công viên như xưa. Hễ thấy chúng tôi đi tuần, những chủ chó thường vội bồng thú cưng vào nhà khóa cửa", ông Hiếu nói.

Thành viên tổ bắt chó cho biết anh em trong tổ ai cũng có công việc riêng ổn định. Nếu nói vì tiền, không ai làm công việc này. Anh em đi bắt chó chủ yếu vì tính mạng, sức khỏe của người dân.

"Tiền công mỗi buổi của chúng tôi hơn 100.000 đồng vừa đủ uống nước. Khi nào người nuôi chó đăng ký đầy đủ với UBND phường, không còn tình trạng chó chạy rông thì anh em mới ngưng công việc", ông Hiếu chia sẻ.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM gửi tờ trình lên UBND TPHCM về việc quản lý chó, mèo trong khu dân cư.

Cụ thể, người dân muốn nuôi chó, mèo phải đăng ký với UBND cấp xã, phường. Khuyến khích các hộ nuôi gắn chip điện tử hay một phần mềm mạch vi xử lý trên vật nuôi. Việc này giúp quản lý thông tin phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển...

Việc kê khai được thực hiện định kỳ hai lần trong năm. Ngoài ra, người dân phải kê khai đột xuất trong thời hạn ba ngày kể từ khi nhập về nuôi mới, hoặc theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Chủ nuôi phải tiêm phòng bắt buộc bệnh dại của chó, mèo, chấp hành các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ phải mang đủ dụng cụ đựng chất thải và dọn dẹp chất thải do chó thải ra nơi công cộng. Vật nuôi phải được xích giữ, đeo rọ mõm và có người dắt…