Hòa Bình:

Người dân “nín thở bám dây thừng qua sông” sắp được xây cầu

(Dân trí) - Sở GTVT Hòa Bình cho biết, nơi người dân huyện Lạc Sơn phải “gồng mình, nín thở bám dây thừng qua sông” như báo Dân trí phản ánh, sẽ được xây dựng một cây cầu bằng bê tông cốt thép dài 72 m, rộng 3,5 m, có tổng mức đầu tư 5,3 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Văn Thắng, Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình cho biết, sau khi báo phản ánh cũng như có kiến nghị của người dân và chính quyền địa phương, Sở cũng đã có đề nghị đến Tổng Cục Đường bộ. Rất may, thời điểm tỉnh đề nghị, Bộ GTVT có nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới để đầu tư xây dựng các cây cầu miền núi.

Ông Lê Ngọc Quản, Phó Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình cho hay, hiện nay Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ triển khai thực hiện “Dự án LRAMP”, trong đó có hợp phần xây dựng cầu dân sinh. Khảo sát tại Hòa Bình, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thống nhất, Hòa Bình được xây dựng 50 cầu. Tổng mức đầu tư dự kiến 109 tỷ đồng.


Tại xóm Khang, xã Tân Mỹ - nơi người dân gồng mình, nín thở qua sông bằng bè.

Tại xóm Khang, xã Tân Mỹ - nơi người dân "gồng mình, nín thở" qua sông bằng bè.

Trong 50 cây cầu nói trên thì có cây cầu tại vị trí xóm Khang, kết nối giữa xã Vũ Lâm với xã Tân Mỹ (nơi người dân qua sông bằng bè tạm kéo dây thừng). Cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép, có 3 nhịp, mỗi nhịp 24 m (tổng chiều dài cầu 72 m). Mặt rộng của cầu là 3,5 m với tổng mức đầu tư dự kiến là 5,3 tỷ đồng.

“Cả dự án xây dựng 50 cầu tại Hòa Bình sẽ được triển khai xây dựng trong giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên, cây cầu tại xóm Khang dự kiến sẽ được khởi công trong năm 2017. Dự án xây dựng cây cầu này được Tổng cục Đường bộ giao cho Ban quản lý dự án 4 của Tổng cục làm chủ đầu tư”, ông Quản nói.

Cầu đang trong giai đoạn khảo sát để xây dựng. Cầu với phạm vi, quy mô trên ước tính thi công trong 5 tháng sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình cho biết thêm, tại điểm xóm Khang rất cần thiết để xây dựng cây cầu. Đây là điểm giữa của 2 cây cầu cứng dọc theo sông Bưởi, hai cầu này cách nhau 10 cây số (cầu Chum và cầu Tân Mỹ). Điểm đối diện của xã Tân Mỹ sang bên Vũ Lâm là trung tâm buôn bán, điểm bà con sinh hoạt chợ thường đi lại. “Hàng ngày cũng có khoảng 50 người đi lại qua sông, hôm nào phiên chợ thì đông hơn. Việc xây dựng cầu là cần thiết”, ông Quản nhấn mạnh.

Về sự nguy hiểm khi qua sông bằng bè tạm, ông Quản nhận định: “Thực tế, bà con cũng lựa theo khả năng nước chảy và các điều kiện an toàn thì mới đi bè qua sông. Quy định ở đấy là chưa đủ các điều kiện thực hiện hoạt động bè khúc ngang sông. Ngày 22/7, Sở cũng đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Lạc Sơn để chỉ đạo UBND xã Tân Mỹ dừng hoạt động bến. Đây là bến hoạt động tự phát, chưa được cấp phép, Sở đã chỉ đạo dừng nhưng do nhu cầu đi lại nên người dân vẫn liều mình qua sông”.


Không có cầu, người dân ngày ngày đánh cược mạng sống qua sông.

Không có cầu, người dân ngày ngày đánh cược mạng sống qua sông.

Trước đó, báo Dân trí phản ánh, người dân các xóm Khang, Mặc… xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) để đến được xã Vũ Lâm tham dự chợ phiên Lâm Hóa (chợ họp các ngày thứ 4, 6 và chủ nhật) phải “gồng mình, nín thở” bám dây thừng đi trên chiếc bè tạm, cũ nát để qua sông Bưởi.

Các xóm trên của xã Tân Mỹ nằm tách biệt con sông Bưởi lại không có chợ hay trung tâm buôn bán. Chỉ có chợ phiên Lâm Hóa là nơi mua sắm duy nhất. Cầu cách đó khoảng 7 km nên từ nhiều năm nay người dân trong xóm đã cùng nhau làm chiếc bè tạm qua sông đến chợ.

Thái Bá