1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Người dân lại dựng lều bao vây trại lợn gây ô nhiễm

(Dân trí) - Cho rằng phía công ty TNHH P.N.T không thực hiện đúng như cam kết, hàng trăm người dân xã Yên Tâm, huyện Yên Định lại tiếp tục mang băng rôn, khẩu hiệu, dựng lều lán, gây áp lực đòi công ty di chuyển đàn lợn ra khỏi trang trại.

Ngày 25 và 26/10, người dân các thôn Yên Trường, Mỹ Hòa, xã Yên Tâm và một số hộ dân thuộc các xã lân cận khác thuộc huyện Yên Định - Thanh Hóa tiếp tục cùng nhau kéo đến trước cổng trang trại chăn nuôi công nghiệp của Công ty TNHH P.N.T (Công ty P.N.T) ở thôn Mỹ Hòa (xã Yên Tâm) để gây áp lực, phản đối việc công ty này đã gây ô nhiễm môi trường.

Người dân lại dựng lều bao vây trại lợn gây ô nhiễm
Hàng trăm người dân căng băng rôn, khẩu hiệu, dựng lều lán trước đường vào trang trại lợn của công ty P.N.T để yêu cầu di chuyển đàn lợn.

Theo đó, hàng trăm người dân đã căng băng rôn mang dòng chữ: "Một người vì môi trường, người người vì môi trường, nhà nhà vì môi trường, cộng đồng vì môi trường" treo trước đường đi vào của công ty P.N.T để kêu gọi người dân phản đối việc gây ô nhiễm môi trường của công ty này. Bên cạnh đó, người dân còn dựng pa-nô, áp, phích đưa lên những hình ảnh, thông tin về việc công ty P.N.T đã gây ô nhiễm môi trường của người dân trong thời gian qua.

Nhiều người đã la ó, yêu cầu phía công ty P.N.T phải di chuyển 1.200 con lợn nái và 70 con lợn đực ra khỏi trang trại theo như cam kết trước đó là ngày 24/10. Nhưng cho đến ngày 26/10, phía công ty vẫn chưa chịu di chuyển số lợn trên ra khỏi trang trại.

Mặt khác, theo một số người dân việc tồn tại trại lớn của công ty P.N.T không chỉ làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Mà hiện nay đang gây ô nhiễm không khí, nguồn nước rất nghiêm trọng.

Tấm pa nô có những hình ảnh gây ô nhiễm môi trường của trại lớn trong thời gian dài.
Tấm pa nô có những hình ảnh gây ô nhiễm môi trường của trại lớn trong thời gian dài.

Ông Trần Văn Thành, thôn Mỹ Hòa (xã Yên Tâm) bức xúc: "Trại lợn không chỉ gây ô nhiễm không khí mà giờ còn ảnh hưởng đến nguồn nước của sông Hón Măng. Chúng tôi lấy nước này tưới cho cây trồng đều bị chết hết. Hàng chục ha hoa mày là cải, dưa chuột của nhiều hộ dân khi tưới nước sông Hón Măng giờ chết hết cả".

Bà Trần Thị Thanh - Chủ tịch mặt trận Tổ quốc xã Yên Tâm - cho biết: "Sự việc người dân phản ánh là đúng, tình trạng ô nhiễm đã diễn ra trong thời gian dài. Hiện chúng tôi đã nhận được chỉ đạo từ cấp trên để động viên, tuyên truyền người dân để không gây ra mất trật tự trị an. Tháo dỡ lều lán và chờ hướng giải quyết từ cơ quan chức năng cấp tỉnh, cấp huyện".

Trước sự việc trên, ông Nguyễn Thành Chính - Phó giám đốc Công ty TNHH P.N.T cho biết: "Sự việc xảy ra vào đợt tháng 4, chúng tôi đã chuyển toàn bộ đàn lợn thương phẩm đi nơi khác. Bên cạnh đó, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp để cải tạo môi trường như xây dựng thêm nhà chứa phân, cải tạo hầm bioga, kiên cố hệ thống khử mùi và vớt bèo xử lý ô nhiễm trên kênh Hón Măng".

Tấm pa nô có những hình ảnh gây ô nhiễm môi trường của trại lớn trong thời gian dài.
Đến thời điểm ngày 26/10, hàng nghìn con lợn vẫn chưa được chuyển ra ngoài trang trại gây ô nhiễm đến hàng trăm người dân.

Còn ông Đặng Hữu Phách, quản lý trang trại nuôi lợn cho rằng: "Hiện doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nên chưa thể di chuyển đàn lợn nái đi nơi khác được. Việc di chuyển trang trại đi nơi khác không chỉ đơn giản là di chuyển 1.200 con lợn nái đi. Nó còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như đất đai, kinh phí của doanh nghiệp. Nguyện vọng của chúng tôi là muốn được tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất và có biện pháp thân thiện với nhân dân và môi trường".

Trước đó, vào giữa tháng 4/2014, trước thực trạng gây ô nhiễm của trang trại nuôi lợn thuộc công ty P.N.T, sau nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng không được. Hàng trăm người dân xã Yên Tâm đã kéo đến cổng trại lợn dựng lều lán ngăn chặn việc vận chuyển thức ăn vào công ty, người dân cũng yêu cầu công ty phải dừng ngay việc nuôi lợn để đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp dân tìm phương án giải quyết. Hơn một tuần sau, khi đại diện phía công ty ký cam kết sẽ di chuyển số lợn thương phẩm và lợn nái đi nơi khác người dân mới chịu dỡ bỏ lều lán.

Người dân dựng lều để yêu cầu công ty di chuyển đàn lợn không gây ô nhiễm cho người dân.
Người dân dựng lều để yêu cầu công ty di chuyển đàn lợn không gây ô nhiễm cho người dân.

Ngày 29/9, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có chỉ đạo đến ngày 24/10, phía công ty P.N.T phải di chuyển hết số lợn trên ra khỏi trang trại. Tuy nhiên, đến nay đã hết hạn di chuyển nhưng doanh nghiệp này không thực hiện nên người dân tiếp tục tập trung phản ứng.

Hiện các ngành như Công an, Tài nguyên môi trường, chính quyền huyện Yên Định, xã Yên Tâm đang theo dõi sát sao diễn biến vụ việc. Đồng thời, tuyên truyền vận động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để có phương án ổn định tình hình trên. Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục cũng yêu cầu phía công ty cùng trang trại thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, thu gom xử lý chất thải…

Thái Bá