Kon Tum:
Người dân được hỗ trợ bò sinh sản nhỏ như bê, ốm yếu bất thường
(Dân trí) - Nhiều ngày nay, người dân xã Ngọk Wang (huyện Đăk Hà, Kon Tum) không khỏi bất bình vì xã cấp bò sinh sản mà nhỏ giống bê. Trước việc này, UBND huyện Đăk Hà đã thành lập đoàn để xác minh.
UBND xã Ngọk Wang (huyện Đăk Hà, Kon Tum) đã triển khai dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng (hỗ trợ bò cái sinh sản) từ tháng 11.
Đây là dự án thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xã Ngọk Wang huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.
Qua đó, xã đã thực hiện cấp 108 con bò cho 108 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình mới thoát nghèo trên địa bàn xã Ngọk Wang. Theo kế hoạch phê duyệt, mỗi con bò giống trị giá 16,5 triệu đồng, từ 17 đến 20 tháng tuổi, cân nặng 1,4-1,5 tạ, tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng.
Bò giống được Cơ sở sản xuất kinh doanh Nhân Phát (TP Kon Tum) cung ứng. Người dân được hỗ trợ bò phải trả lại 35% (5,7 triệu đồng) trong hai năm.
Khi được thông báo, vợ chồng chị Si Y Si (26 tuổi, thôn Đăk Duông, Ngọk Wang) cùng các hộ dân phấn khởi lên thôn nhận bò của dự án. Tuy nhiên, nhìn thấy những con bò được cấp quá nhỏ, ốm yếu, niềm vui ấy biến thành sự hụt hẫng.
"Tôi thấy bò được hỗ trợ rất nhỏ giống bê. Nếu nuôi phải mất vài năm sau mới sinh sản được. Theo tôi, đây chỉ là con bê chứ không phải bò. Với số tiền 16,5 triệu đồng, gia đình có thể tự mua được 2 con như thế này", chị Y Si nói.
Tương tự, chị Y Hô (30 tuổi, thôn Đăk Duông) cũng thuộc diện hộ nghèo và được hỗ trợ từ dự án cấp bò sinh sản. Khi đi nhận bò, chị không khỏi thất vọng vì con bò chỉ nặng hơn 110kg.
"Thấy bò nhỏ, gia đình cũng ý kiến với thôn, xã. Sau đó, mình cũng đưa bò về để chăm sóc, cho ăn. Nhưng bò nhỏ, yếu nên việc chăm sóc, vỗ béo gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là lúc trời lạnh", chị Y Hô nói.
Vì bò được hỗ trợ nên bà con xã Ngọk Wang miễn cưỡng nhận để đưa về nhà chăm sóc. Nuôi được hơn nửa tháng, bò vẫn ốm yếu, lười ăn, hoảng loạn nên bà con đã liên tục phản ánh lên trưởng thôn.
Ông A Hoàng (Trưởng thôn Đăk Duông) thông tin, thôn có 21 hộ được hỗ trợ 21 con bò. Đợt giao lần đầu, ông nhận thấy đơn vị cung ứng bò cho các hộ nghèo không đồng đều, nhiều con nặng 1,2-1,4 tạ.
"Ghi nhận ý kiến của bà con, tôi cũng phản ánh lên xã xem xét lại về chất lượng của bò sinh sản. Vài hôm sau, đơn vị cung ứng đã đổi lại 15 con bò giống cho bà con. Đợt vừa rồi, người dân được nhận bò ở trạm cân, nếu con nào trên 1,7 tạ các hộ mới ký nhận con giống", ông A Hoàng cho hay.
Ông Ngô Tấn Khoa, Chủ tịch UBND xã Ngọk Wang, cho biết: "Khi nhận phản ánh của người dân, xã đã thực hiện rà soát việc cấp bò ở 5 thôn. Qua đó, xã đã phối hợp đơn vị cung ứng đổi lại 23 con bò giống cho 23 hộ và cấp thêm 4 con bò bị chết. Xã đang tiếp tục rà soát nhằm nắm bắt ý kiến người dân, ai không đồng ý với bò được cấp sẽ đổi lại".
"Sự việc cấp bò giống không đạt chuẩn do xã thiếu chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Việc xác định trọng lượng những con nhỏ được đo bằng thước. Những con lớn chỉ ước lượng bằng mắt thường", ông Khoa nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Ngọk Wang, nguyên nhân bò yếu là do được chở từ Kon Tum lên. Vì vậy bò có thể bị hoảng loạn, gây khó khăn trong việc xác định trọng lượng. Ngoài ra, quá trình chăm sóc, chuồng trại của người dân chưa đảm bảo dẫn đến việc bò chậm phát triển, sụt cân.
Trước việc này, Huyện ủy Đăk Hà đã có công văn yêu cầu UBND huyện Đăk Hà xác minh thông tin phản ánh và có hướng khắc phục tình trạng trên.