1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Định:

Người dân đổ xô thu gom... cà gai leo

(Dân trí) - Vốn cây cà gai leo (cây cà quánh, cà cưởng...) thường mọc ở bờ, bụi, chẳng có giá trị kinh tế. Thế nhưng, gần đây bỗng nhiên thương lái tìm thu mua với giá cao, khiến người dân các huyện Hoài Ân, An Lão (Bình Định) đổ xô đi săn lùng loài cây này.

Từ sau tết Nguyên đán Giáp Ngọ, trên địa bàn thôn Bình Chương, xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) xuất hiện điểm thu mua, sơ chế cây cà gai lai tự phát. Việc thu mua diễn ra khá tấp nập, mỗi ngày có hàng chục người dân từ các địa phương huyện Hoài Ân, An Lão vận chuyển hàng tấn cây cà gai leo tươi về nhập cho đầu mối này.

Người dân đổ xô săn lùng cây cà gai leo bán cho thương lái
Người dân đổ xô săn lùng cây cà gai leo bán cho thương lái

Qua tìm tìm hiểu, điểm thu mua, sơ chế cây cà gai leo là của chị Võ Thị Tiếng (51 tuổi, ở xã Hoài Đức).Chị Tiếng cho biết: “Việc thu mua cây cà gai leo bắt đầu cách đây gần 3 tháng. Công việc của tôi là đứng ra vận động gom hàng, thuê nhân công sơ chế băm, phơi khô, sau đó dồn bao chuyển vào cho một người thân ở TPHCM. Còn ở trong đó họ bán cho ai, giá cả bao nhiêu thì tôi không biết, nhưng số lượng càng nhiều càng tốt”.

Trung bình mỗi ngày chị thu nhận từ 1,5 đến 2 tấn cây cà gai leo tươi, giá mỗi kg là 5.000 đồng. Tuy nhiên, gần đây số lượng cà gai leo ít đi nên tăng lên 7.000kg nhưng vẫn không đáp ứng nguồn hàng theo yêu cầu.

Những người dân đi săn lùng cây cà gai leo cho biết, việc thu gom không quá cực nhọc mà lại cho thu nhập khá khiến nhiều người địa phương đổ xô đi săn lùng. Trong khi đó, người dân hoàn toàn không biết thương lái thu mua loại cây này để làm gì.

Cây cà gai leo tươi được thương lái thu mua 5 - 7 ngàn đồng/kg
Cây cà gai leo tươi được thương lái thu mua 5 - 7 ngàn đồng/kg

Anh Nguyễn Văn Sinh (38 tuổi, ở thôn Phú Thuận, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) cho biết: Lúc đầu ít người biết, nên việc đi tìm chặt, nhổ cây cà gai leo về bán rất dễ. Bây giờ, đi chỗ nào cũng gặp người dân đi săn lùng loài cây này. Trước đây, mỗi ngày tôi có thể kiếm được khoảng 50-60kg, bỏ túi 300.000 đồng/ngày là bình thường, nhưng bây giờ cao lắm cũng chỉ được khoảng 20kg/ngày (tương đương khoảng 100.000 đồng).

Sau khi cây cà gai leo được thu gom, chủ đầu nậu thuê nhân công sơ chế chặt thành từng đoạn nhỏ, chiều dài từ 10-20cm rồi phơi khô. Sau đó, dồn vào bao tải lớn để vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Theo lời chị Võ Thị Thu Chí (35 tuổi): Mấy tháng nay cô Tiếng thuê chị em chúng tôi làm công ở đây với mức công khoán chặt 1 tấn là 600.000 đồng; phơi khô, dồn bao 300.000 đồng/tấn. Tuy phải chịu “trên nắng, dưới nóng” nhưng cũng có thêm nguồn thu kha khá lúc nông nhàn.

Nhiều phụ nữ nông thôn tranh thủ lúc nông nhàn làm thêm cho điểm thu mua cây cà gai leo
Nhiều phụ nữ nông thôn tranh thủ lúc nông nhàn làm thêm cho điểm thu mua cây cà gai leo

Cũng theo chị Chí, khoảng 4kg cà gai leo tươi thì phơi được 1kg khô. Trung bình 1 tháng, điểm thu mua này chuyển vào Sài Gòn từ 8 đến 10 tấn cà gai leo khô, tương đương với 40 tấn cây xanh.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Hồng Tấn - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn, xác nhận: “Việc người dân các địa phương lân cận khai thác cây cà gai leo bán cho thương lái tại địa bàn xã Hoài Đức diễn ra trong thời gian qua là có thật. Tuy nhiên, muốn kiềm chế tình trạng này vẫn còn khó. Bởi xét về pháp lý, đây là lâm sản phụ, chưa có chế tài xử phạt nên không thể xử lý”.

B.Sương - D.Công