1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người đàn bà 18 lần sinh nở

Có lẽ hiếm người đàn bà nào trong cuộc đời mình có thể mang thai tới 21 lần, làm mẹ của 18 đứa con, bà của 70 đứa cháu, chắt! Bà là Nguyễn Thị Lộc, 68 tuổi, ở Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Người mẹ 21 lần mang thai

 

“Thấy tui nhỏ con ri nên không tin à? Mà cũng đúng, vì trong cái vùng ni người đẻ nhiều nhất cũng chỉ 11 đứa. Người trong làng đi làm ăn ra Bắc vô Nam về đây cũng nói với tui chưa thấy ai đẻ nhiều như tui rứa”, bà Lộc, ở xóm 7, xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu bắt đầu câu chuyện một cách hóm hỉnh.

 

Bà kể rằng nhà bà có 10 chị em. Bà lấy chồng năm 16 tuổi, chồng bà hơn bà 2 tuổi. Sau 2 năm lấy nhau thì bà có thai và sinh được con gái đầu lòng. Sau 4-5 tháng, cháu bị bệnh đột ngột rồi mất. Một năm sau bà mang thai và sinh con trai, đặt tên là Hồ Trị.

 

Nửa năm sau bà lại có thai và sinh con trai, đặt tên là Danh. Bà “tạm ngưng” được 3 năm thì lại tiếp tục sinh con, lần này là con gái - bà đặt tên Từ. Cứ như thế, sớm thì một năm rưỡi, muộn thì hai năm… là bà lại sinh một đứa. Những tên gọi trong nhà cứ thế mà nối dài: Hòa, Hạ, Nhạ, Nhuần, Nhuận, Chính, Hoài, Sơn, Quân, Luân…

 

“Đến đứa thứ 18 thì tui đuối sức, mấy chú ạ. Khi đó tui gần năm chục tuổi rồi. 18 đứa con, đó là chưa kể tui mất 3 đứa khác vì sẩy thai”, bà Lộc cười móm mém.

 

Người bà của 70 cháu, chắt

 

“Con gái đầu nhà tui năm ni 48 tuổi, còn đứa út 23. Con gái lấy chồng xa nhất là ở Cầu Giát, còn lại ở quanh trong vùng ni cả. Ngày Tết hay ngày giỗ là con cháu nó về đầy nhà.

 

Tính sơ sơ cho mấy chú coi: tui có 16 đứa con đã thành gia thất, tức là có thêm 16 dâu rể, cộng với khoảng 70 cháu, chắt nữa là cả trăm đứa rồi, chưa kể gia đình hai đứa con nuôi. Chúng nó về là chật cả nhà, phải căng rạp ra ngoài sân. Tội nhất là mỗi lần đám cưới cho con, cũng muốn chụp bức ảnh con cái cháu chắt đông đủ làm kỷ niệm, nhưng cứ đứng vô là thợ ảnh bảo phải chia ra chứ chụp không hết được. Rứa là phải chia ra con trai một bức, con gái một bức rồi con dâu một bức…”, bà Lộc cười mãn nguyện.

 

Bà Lộc vui miệng, kể tiếp: “Riêng chuyện đặt tên cho con cũng nhọc. Có người nói vui ông bà cứ đặt tên theo số thứ tự một hai ba… cho dễ nhớ, nhưng ông nhà cũng có chữ nên không chịu, cứ phải tìm cái tên cho nó vần đứa sau theo đứa trước. Mười mấy đứa con nhưng đứa mô cũng nết na lắm. Ông nhà hiền lành lắm. Tui thì dạy con theo nguyên tắc anh ra anh, em ra em. Anh chị nói thì em út phải nghe, không được hỗn. Rứa là chúng cứ răm rắp, mỗi đứa một việc mà mần.

 

Đến giờ thì ăn, tối đến thì tự đưa nhau đi ngủ. Nhà nghèo nhưng đứa mô tui cũng cho đi học, chí ít cũng phải hết lớp ba lớp bốn, cũng may là không có đứa mô trái tính trái nết. Nuôi con đông thiệt nhưng tui không khổ lắm vì toàn khoai sắn mà chúng cũng khỏe mạnh.

 

Cái chuyện lo gia đình cho chúng mới nhọc. Cứ vài năm lại phải lo dựng vợ, gả chồng cho một đứa. Làm sơ sơ thì áy náy, sợ làng xóm người ta cười cho, rồi còn giúp chúng làm nhà cửa để ra riêng nữa”.

 

Thấy bà chép miệng, chúng tôi hỏi “Nếu biết trước thế, bà có đẻ nhiều vậy không?”. Bà Lộc cười: “Biết thì còn nói chi”.

 

Theo Sài Gòn Giải Phóng