Người đã “lái” vua Bảo Đại vào con đường chính nghĩa
(Dân trí) - Cụ Phạm Khắc Hoè được các nhà nghiên cứu đánh giá là người đã “lái” vua Bảo Đại trong thời khắc lịch sử, người nói thay vị vua này những tư tưởng lớn. Cụ đã góp phần làm sụp đổ chế độ phong kiến theo “một cách riêng”…
Rất nhiều tham luận đã được các nhà nghiên cứu có tên tuổi mang tới buổi sinh hoạt của Hội Sử học với chủ đề tưởng niệm cụ Phạm Khắc Hoè (15/3/1902 – 22/06/1995), diễn ra ngày 12/3.

GS Lâm khái quát rằng, từ nhận thức đúng đắn con đường phải đi theo của đất nước, của nhân dân trong bối cảnh lúc bấy giờ, cụ Phạm Khắc Hoè đã cố gắng “lái” vua Bảo Đại đi vào con đường chính nghĩa.
Được giao nhiệm vụ soạn thảo bài Chiếu kêu gọi động viên toàn dân, cụ Phạm Khắc Hoè đã nói thay cho vua Bảo Đại một tư tưởng lớn: “Muốn củng cố nền độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc, Trẫm sẵn sàng hi sinh về tất cả các phương diện. Trẫm để hạnh phúc của dân Việt Nam lên trên ngai vàng của Trẫm. Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”.
Chính cụ Phạm sau đó đã soạn thảo Chiếu thoái vị cho vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam. “Cụ đã góp phần thúc đẩy sự sụp đổ của chế độ phong kiến từ bên trong, tuy là ngấm ngầm nhưng vô cùng quan trọng, vì đã tránh được mọi sự xung đột, đổ vỡ…”, GS Đinh Xuân Lâm đánh giá.
GS Vũ Ngọc Khánh cho rằng, hành động của Phạm Khắc Hoè hoàn toàn là sự giác ngộ của một thân sĩ, sự giác ngộ của con người tri thức Việt Nam giữa buổi giao thời. Cũng theo GS Khánh, cụ Phạm là người đã góp phần làm nên lịch sử, theo một cách riêng, tuy “không giống những hào kiệt anh hùng, không đất lệch trời nghiêng, nhưng cũng là “xoay vần cuộc thế””.
“Ông chưa được đánh giá như là những nhân vật lịch sử, nhưng lịch sử không thể quên ông được”, GS Khánh kết thúc bài tham luận của mình.
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhìn nhận về cụ Phạm xoay quanh quan niệm văn, sử triết bất phân của người xưa. Theo nhà thơ, tác phẩm Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc của cụ Phạm Khắc Hoè là một ví dụ điển hình về văn trong sử, sử trong văn.
Là một người trong cuộc, đảm nhận một chức vụ rất quan trọng trong triều đình Huế, cụ Hoè với kiến văn rộng rãi, trí nhớ tuyệt vời và óc quan sát sắc sảo đã làm sống lại các sự kiện dồn dập, đầy kịch tính trong cơ quan đầu não của triều đình Huế.
Theo ông Hữu Thỉnh, giá trị khoa học của cuốn sách rất cao và rất quí báu mà tác giả có may mắn lớn vừa là chứng nhân vừa là tác nhân trong các sự kiện đó. Vai trò của cụ Hoè lớn hơn nhiều một sử quan, bởi: “một sử quan nhiều lắm là được chứng kiến, còn Cụ vừa là người chứng kiến, người trong cuộc, người góp phần làm nên cái sự kiện ấy”.
Tác phẩm của Cụ cũng thể hiện một lối văn khúc triết, đĩnh đạc và giàu sức biểu cảm…
Nhà thơ Hữu Thỉnh kết lại tham luận của mình: “Khó nhất của hồi kí là nói về bản thân mình, nhưng cụ Hoè đã vượt qua cái khó ấy một cách ngoạn mục. Cụ không chỉ nói cái đúng, cái thuận của bản thân, Cụ còn nói rất kĩ về cuộc đấu tranh nội tâm, cả những dằn vặt, những suy tính đời thường”.
Kim Tân