1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam 10/8:

Người cựu binh nặng lòng với nỗi đau da cam

(Dân trí) - Ở tuổi 75, người cựu binh Nguyễn Đình Lộc (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) vẫn miệt mài hoạt động mong góp sức mình đem lại hạnh phúc cho những nạn nhân mang trong mình chất độc màu da cam.

Với 30 năm tham gia quân ngũ, mang nhiều di chứng hằn sâu trên cơ thể, bị nhiễm chất độc màu da cam, ông Nguyễn Đình Lộc - nguyên Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Cẩm Xuyên, thấu hiểu hơn ai hết những mất mát, hy sinh do chiến tranh để lại. Nén đau thương của bản thân, ông tận tâm, tận tuỵ, hết mình với những nạn nhân của thứ chất độc ghê sợ.

Tận mắt chứng kiến những cảnh đời bất hạnh, đại tá, cựu chiến binh, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Đình Lộc không thể ngồi yên. Ông bày tỏ: “Đi đến thôn nào, xóm nào, người nào cũng biết tôi cả, đều niềm nở, vui vẻ, phấn khởi, đó là nguồn động viên lớn nhất rồi. Trước khi đi ngủ, bao giờ tôi cũng duy trì quy định của tôi là trong ngày có cái gì sai với Đảng không? Mình đã làm hết sức mình chưa? Mình đã thực sự yêu thương dân chưa? Bởi khi nhỏ tới giờ mình ăn cơm của dân, mặc áo của dân, rồi đến chết dân cũng khiêng đi. Thứ 3 nữa là có cái gì sai với đồng chí đồng đội không? Nếu 3 cái đó đều không sai thì cứ ngày sau mà làm”.  

Trở về quê hương, ông có 13 năm làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Cẩm Xuyên. Năm 2008, huyện Cẩm Xuyên thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, ông lại tiếp tục được bầu là người đứng đầu tổ chức này. Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, dù tuổi đã cao, sức đã yếu, trọng trách công việc thêm nặng nề, nhưng ông không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn vững tin để hoàn thành tốt nhiệm vụ mới.

5 năm qua, ông Nguyễn Đình Lộc đã đến hơn 2.000 gia đình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam trên địa bàn toàn huyện Cẩm Xuyên, một địa phương có số nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam nhiều nhất Hà Tĩnh. Từng đường làng, lối xóm đều in dấu bước chân ông. Đến mỗi gia đình, trước nỗi đau bởi thứ chất độc da cam do kẻ thù năm xưa gây ra thì tình thương của ông đối với các nạn nhân lại nhân lên gấp bội. Trong trái tim của anh bộ đội Cụ Hồ luôn thôi thúc ông phải tìm cách giúp đồng đội, giúp con, cháu họ dịu bớt phần nào nỗi đau trông thấy ấy. Một mặt là giúp đỡ, hướng dẫn thủ tục để các đối tượng đều được xét hưởng chế độ, chính sách theo qui định của Nhà nước. Mặt khác, ông còn tìm mọi cách để kêu gọi, vận động sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần từ các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đến với những mảnh đời mang trong mình chất độc dan cam. Ông Lộc nói: “Xuống cơ sở tôi phải đi 2.162 gia đình trong toàn huyện, 320 thôn, xóm tôi đều đi hết, để nắm cho được 4 nội dung. Một là sức khỏe của họ thế nào, họ hoạt động ở chiến trường nào? Rồi sinh con ra là dị dạng, dị tật ra sao? Thứ 4 là đời sống kinh tế, ăn ở như thế nào? Từ đó rồi đêm nằm tôi suy nghĩ làm sao để giúp đỡ họ…”.

Người cựu binh nặng lòng với nỗi đau da cam - Nguyễn Đình Lộc
Người cựu binh nặng lòng với nỗi đau da cam - Nguyễn Đình Lộc

Bằng tất cả tấm lòng của mình, ông Lộc đã và đang thắp lên nguồn sáng cho biết bao gia đình, trả lại nụ cười, niềm hạnh phúc cho những số phận không may bị nhiễm chất độc da cam.
 
Em Nguyễn Thị Oanh ở thôn 1, xã Cẩm Vịnh, do bị nhiễm chất độc da cam, mang trong mình khối u lớn che khuất nửa khuôn mặt. Mặc cảm, tự ti với số phận nhưng em không bi quan mà ngược lại rất ham học. Biết hoàn cảnh của em, ông Lộc đã bảo ban con cháu mình kêu gọi cộng đồng giúp đỡ Oanh qua Internet. Đáp lại những nỗ lực của ông, các bác sĩ Hàn Quốc đã biết được hoàn cảnh của Oanh và sang Việt Nam, trực tiếp tham gia phẫu thuật miễn phí cắt bỏ khối u cho em. Năm tháng đi qua, bây giờ Oanh đang là trợ giảng tại Trung tâm nuôi dưỡng phụ hồi chức năng và dạy nghề nạn nhân chất độc da cam/ dioxin của tỉnh Hà Tĩnh. Em Oanh chia sẻ: “Bác Lộc là người rất tận tụy với những nạn nhân chất độc da cam. Em rất cảm ơn bác vì bác đã tạo điều kiện cho em được đi phẫu thuật, và có cơ hội việc làm, được trở thành như người bình thường. Được mọi người giúp đỡ quan tâm thì em cũng mạnh dạn hơn trong giao tiếp với người ngoài, cảm thấy tự tin vào mình, vào cuộc sống, và có thể giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh giống như mình...”.
 
Cùng với chăm lo cho từng hoàn cảnh, cho từng số phận do chất độc da cam, ông Lộc còn dành nhiều công sức kêu gọi cộng đồng, góp phần xây dựng Trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng và dạy nghề nạn nhân chất độc da cam tỉnh Hà Tĩnh. Bây giờ ngôi nhà chung của hàng ngàn nạn nhân chất độc da cam của tỉnh Hà Tĩnh đã được xây dựng trên đất Cẩm Xuyên. Ông Lê Đình Phi, Trưởng Ban tuyên giáo Huyện uỷ Cẩm xuyên nói về tấm lòng của ông Nguyễn Đình Lộc: “Trên địa bàn huyện Cẩm xuyên đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong việc học tập và làm theo Bác. Một trong những tấm gương điển hình đó là đồng chí Nguyễn Đình Lộc, người Đảng viên, người Cựu chiến binh từng tham gia quân đội và mang trên mình nhiều vết thương của chiến tranh, sức khoẻ yếu. Trên cương vị là Chủ tịch Hội đã xuống từng hang cùng ngõ hẻm của hơn 300 thôn, xóm của địa bàn huyện Cẩm xuyên để rà soát lại các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam. Đồng chí Nguyễn Đình Lộc cũng không quản ngại khó khăn kêu gọi các tổ chức, cá nhân và các mạnh thường quân trong và ngoài nước để rồi xoa dịu nỗi đau về thể xác cũng như tinh thần đối với các nạn nhân chất độc da cam/ điôxin.”

em Nguyễn Thị Oanh
em Nguyễn Thị Oanh

Dù đã nghỉ hưu ở độ tuổi 75, di chứng bệnh tim hành hạ nhưng người cựu thương binh vẫn canh cánh với nỗi đau di chứng chiến tranh để lại cho chính bản thân và con em của những người đồng chí, đồng đội của mình. Mỗi khi có điều kiện, ông Lộc vẫn tiếp tục kêu gọi nguồn hỗ trợ trong và ngoài nước để tạp điều kiện sinh hoạt cho các nạn nhân da cam. Tháng 3/2013 vừa qua, một tập đoàn nước ngoài đã đầu tư kinh phí 623 triệu cho Trung tâm da cam huyện Cẩm xuyên để lắp đặt các thiết bị, máy móc phục hồi chức năng. Hay gia đình anh Trần Đình Dũng (Cẩm Dương, Cẩm Xuyên) cũng vừa được nhận ngôi nhà mới xây mà anh ao ước bấy lâu. Gia đình anh có 3 liệt sĩ và 2 người thân là nạn nhân chất độc da cam. Đây là số tiền người thương binh Bừi Đình Lộc đã đi kêu gọi ủng hộ từ một doanh nghiệp trong TPHCM.

Trong buổi chiều muộn, chia tay chúng tôi tại Trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng và dạy nghề nạn nhân chất độc da cam Hà Tĩnh, ông Lộc lại tất bật lên đường vào các tỉnh phía nam để tiếp tục kêu gọi cộng đồng bằng tất cả tấm lòng xoa dịu nỗi đau da cam cho biết bao số phận đang phải chịu đựng, cho dù chiến tranh đã đi qua gần 4 thập kỷ.

Phượng Vũ