Người có hành vi bạo lực gia đình phải đến công an xã và làm sạch ngõ xóm
(Dân trí) - Đề xuất yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã và thực hiện công việc cộng đồng như tham gia trồng, chăm sóc cây xanh công cộng và sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm.
Thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) ngày 16/8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh thừa nhận đang băn khoăn về tính khả thi của hai biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình.
Biện pháp thứ nhất nêu tại Điều 24 của dự thảo luật quy định về việc "yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình". Biện pháp mới được bổ sung này không chỉ nhằm ngăn chặn mà còn để bảo vệ người bị bạo lực gia đình và phòng ngừa bạo lực có thể tiếp diễn. "Tuy nhiên, tính khả thi của biện pháp này thì chúng tôi đề nghị cân nhắc thêm"- Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho hay.
Bà Oanh giải thích, điều luật này áp dụng đối với những người có hành vi bạo lực chưa đến mức xử lý hành chính, chưa đến mức xử lý hình sự. "Khi đó cần có biện pháp để đảm bảo người ta tự nguyện hoặc có cách nào để cho người ta đến trụ sở công an cấp xã hay không? Trong trường hợp này chúng ta rất cần phải quy định tại luật, bởi vì ít hay nhiều thì cũng là hành vi hạn chế quyền, cũng cần phải quy định ở trong luật"- bà Oanh phân tích.
Băn khoăn thứ hai của Bộ Tư pháp, theo bà Oanh, dự thảo luật đã bổ sung quy định về việc thực hiện công việc cộng đồng như tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng và sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm.
"Chúng tôi thấy đây là biện pháp rất tốt và kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước đã áp dụng rồi. Tuy nhiên, do đây là biện pháp mới và chưa được áp dụng trong thực tế và cũng chưa thí điểm, cũng chưa có đánh giá thực hiện cho nên chúng tôi cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để có lộ trình, để Chính phủ tổ chức thực hiện được khả thi hơn. Ví dụ như nguồn lực như thế nào, rồi đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp ra làm sao để đảm bảo tính khả thi sau này trong quá trình tổ chức thực hiện"- Thứ trưởng Bộ Tư pháp nêu quan điểm.
Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - đặc biệt quan tâm tới quy định tại Điều 24 về yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã.
Theo ông, đối với người nước ngoài hay công dân Việt Nam thì đây cũng là hành vi có tính chất cưỡng chế. Nó gần tương ứng với hành vi tạm giữ người theo tục hành chính. Trong khi đó theo Luật Xử phạt hành chính thì biện pháp tạm giữ người vi phạm hành chính có quy định rất chặt chẽ về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, bởi vì nó liên quan đến quyền tự do của công dân.
"Nhưng trong Điều 24 của dự thảo chúng tôi thấy những quy định này còn khá chung, chưa thật rõ, cho nên vẫn phải rà soát thêm. Nếu chúng ta quy định các biện pháp này thì cần phải hết sức chặt chẽ vì nó liên quan đến quyền tự do của công dân"- ông Tùng nói.
Ngoài ra, Điều 33 dự thảo luật quy định về biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng như chăm sóc cây xanh, dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa một số công trình công cộng cũng khiến ông suy nghĩ.
Đây là biện pháp mới, cũng là một chế tài có thể áp dụng đối với người có hành vi bạo lực gia đình mang lại hiệu quả hơn so với những biện pháp từng thực hiện. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị có sự đánh giá tác động, tính khả thi bởi vì biện pháp này giao cho chính quyền cấp xã thực hiện.
"Thậm chí phải đánh giá kỹ các quy định của Công ước quốc tế để đảm bảo biện pháp như vậy không phải là biện pháp cưỡng bức lao động bị cấm theo quy định của các Công ước quốc tế ILO mà Việt Nam là thành viên"- ông Tùng phân tích.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh thừa nhận biện pháp phục vụ tại cộng đồng là một bước đột phá của dự thảo luật. Thiết kế trong dự thảo luật theo hướng là một biện pháp mang tính chất tự quản tại cộng đồng nhiều hơn. Khi tiến hành lấy ý kiến ở địa phương đã nhận được sự ủng hộ rất nhiều của người dân ở đơn vị cấp xã.
"Chúng tôi tin tưởng rằng biện pháp này sẽ được sự chấp nhận của đại biểu Quốc hội và được người dân hưởng ứng, trong khi chưa có những biện pháp thực sự hiệu quả như chúng ta mong muốn"- bà Thúy Anh tin tưởng.
Khi có sự cố, thảm họa sẽ kích hoạt ngay các biện pháp phòng thủ dân sự
Chiều 16/8, trình bày dự án Luật Phòng thủ dân sự, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - khẳng định phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh…
Phòng thủ dân sự bao gồm tổng thể các hoạt động được chuẩn bị từ thời bình, khi có chiến tranh xảy ra để chủ động phòng, chống thảm họa do chiến tranh; hoặc tổng thể các hoạt động được chuẩn bị để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa do con người hoặc thiên nhiên gây ra, nhằm bảo đảm an toàn, hoặc hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại về người, tài sản.
Theo ông Cương, trong những năm qua, công tác phòng thủ dân sự đã từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu ứng phó, khắc phục khi có thảm họa, sự cố xảy ra. Dù vậy cũng tồn tại một số hạn chế, đặt ra yêu cầu phải xây dựng một đạo luật, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động thực tiễn.
"Phòng thủ dân sự là lĩnh vực được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng và đã ban hành đạo luật riêng, tạo cơ sở để chúng ta nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật của Việt Nam"- ông Cương cho hay.
Ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc đánh giá, phân loại cấp độ thảm họa, sự cố là nội dung quan trọng, nên cần đánh giá, nghiên cứu kỹ và bám sát nội hàm khái niệm "thảm họa", "sự cố".
"Dự thảo phân thành 14 dạng thảm họa, sự cố có liên quan đến nhiều loại thảm họa, sự cố đã được phân loại ở các luật khác, do đó cần được rà soát cho đầy đủ, có tính khoa học, thống nhất với các luật chuyên ngành… làm cơ sở quy định các biện pháp phù hợp, khả thi để khi có sự cố, thảm họa sẽ kích hoạt ngay các biện pháp phòng thủ dân sự"- ông Lê Tấn Tới nói.