Thanh Hóa:
Người chết "sống dậy" ký nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước (!)
(Dân trí) - Tại xã Hà Ninh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) diễn ra thực trạng nhiều người đã chết nhưng vẫn có tên và có chữ ký trong danh sách nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước.
Theo đơn tố cáo của người dân xã Hà Ninh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa), tại địa phương này có xảy ra tình trạng người chết vẫn có tên và ký nhận trong danh sách nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước.
Cũng theo phản ánh của người dân, sự việc nêu trên diễn ra từ tháng 6/2016, do một số cán bộ Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) và một số cán bộ của xã Hà Ninh câu kết với nhau để lập danh sách và lập khống hồ sơ, chữ ký của hơn 100 người dân thôn 3, xã Hà Ninh, trong đó, có cả một số người đã chết để lấy tiền hỗ trợ của Nhà nước.
Qua tìm hiểu thực tế, tại một số gia đình đã có người chết nhưng vẫn có tên trong danh sách và chữ ký đã nhận tiền hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn mô hình máy thu hoạch lúa.
Bà Nguyễn Thị Lợi (50 tuổi), ở thôn 3, xã Hà Ninh, cho biết, mẹ bà là cụ Lê Thị Hám đã qua đời từ năm 2015, nhưng vẫn được đưa tên vào danh sách và tự ý mạo chữ ký của mẹ bà để nhận tiền khiến gia đình rất ngạc nhiên. Việc làm trên gia đình bà Lợi không hề biết và cũng không có ai được nhận tiền hỗ trợ.
Cũng như gia đình bà Lợi, hộ bà Trần Thị Nết (60 tuổi) có chồng là ông Mai Văn Nam đã chết từ năm 2013, nhưng vẫn có tên, ký nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước.
Việc làm trên của cán bộ HTXDVNN khiến người dân địa phương cũng như những gia đình có người thân đã mất rất bức xúc. Sau khi phát hiện ra sự việc, người dân đã phản ánh thông tin tới lãnh đạo xã Hà Ninh và lãnh đạo huyện Hà Trung.
Tuy nhiên, sự việc chưa được giải quyết nên người dân đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí đề nghị vào cuộc, làm rõ.
Theo ông Nguyễn Xuân Quý - Chủ tịch UBND xã Hà Ninh, năm 2016, xã Hà Ninh được huyện Hà Trung chọn làm điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn. Xã được hỗ trợ 140 triệu đồng, trong đó có 75 triệu đồng để mua máy gặt đập liên hoàn, 9,3 triệu đồng xây dựng mô hình quản lý. Còn lại 55,7 triệu đồng để hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn mô hình máy thu hoạch lúa kết hợp với cánh đồng mẫu lớn cho 120 hộ dân ở thôn 3.
Cũng theo ông Qúy, khi HTXDVNN lập danh sách hỗ trợ tiền cho người dân, trình lên UBND xã phê duyệt, xã đã không kiểm soát tốt nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc này.
Đồng thời, ông Qúy cho biết, sau khi phát hiện việc làm sai của HTXDVNN, xã đã báo cáo lên huyện và đang chờ kết luận của Thanh tra huyện để có căn cứ xử lý.
Trong khi đó, bà Phùng Thị Hiền - Kế toán HTXDVNN xã Hà Ninh, thừa nhận, theo chỉ đạo của cấp trên, bà đã lập danh sách 120 hộ dân ở thôn 3. Sau đó, nhờ nhiều người hàng xóm ký khống tên của các hộ dân vào đó. Trong danh sách có cả 5 người đã chết là do bà Hiền lấy danh sách cũ của thôn nên không biết.
Bà Hiền xác nhận, số tiền 55,7 triệu đồng đã chuyển vào tài khoản của Hợp tác xã để đầu tư vào mua máy gặt đập liên hợp.
Còn ông Lê Văn Thanh - Chủ nhiệm HTXDVNN xã Hà Ninh, cho biết: Danh sách là do kế toán Hợp tác xã lập ra, rồi nhờ người ký khống vào.
Trần Lê