(Dân trí) - 4 người chết, 10 người mất tích; 27 tàu thuyền bị chìm, mất tích và hư hỏng; gần 25.000 ha lúa bị đổ ngập; nhiều tuyến đường hư hỏng nặng sau bão số 3.
Đó chỉ là những thống kê sơ bộ được báo cáo về Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TƯ vào sáng nay (25/8), sau khi bão số 3 đi qua các tỉnh.
Trong số 4 người chết do bão có 2 người thuộc Quảng Bình, 1 người Hà Tĩnh chưa rõ danh tính và thương tâm nhất là trường hợp cháu Nguyễn An Khánh (9 tuổi) ở Nghệ An bị chết đuối. Cho đến thời điểm này, 10 người làm việc trên tàu cá của Đà Nẵng (ĐNa 61408 TS) vẫn trong tình trạng mất tích. Ngoài ra, còn 20 người khác bị thương sau bão số 3.
Tuy nhiên, theo báo cáo nhanh từ Ban PCLB Nghệ An lúc 12 giờ trưa nay, riêng tỉnh này đã có 6 người chết do bão, gồm: ông Dương Quang Luận (73 tuổi), cháu Nguyễn Thị Hiền (5 tuổi), cháu Nguyễn Văn Khánh (9 tuổi) - cùng trú huyện Quỳnh Lưu; 3 người xấu số còn lại ở 3 huyện Nghi Lộc, Diễn Châu và Yên Thành. Ngoài ra có 43 người bị thương.
Huyện Quỳnh Lưu tính toán thiệt hại ban đầu do bão là 220 tỷ đồng. Do mưa lớn kèm gió giật mạnh kéo dài đã làm mất điện trên phạm vi toàn tỉnh; nhiều nhà cửa bị tốc mái, cột điện hạ thế và cây xanh bị đổ gãy rất nhiều, phần lớn diện tích lúa hè thu và mùa sớm đang đến kỳ thu hoạch bị đổ và ngập; gần 300 nhà bị sập đổ, hơn 31.000 nhà bị tốc mái hoàn toàn, 32 tàu thuyền bị chìm, đắm;...
Ngư dân tỉnh Thanh Hóa cũng chịu thiệt hại nặng nề với 3 tàu chìm và 11 chiếc khác hư hỏng; 1 tàu của Đà Nẵng đang mất tích; 9 tàu của Quảng Trị bị hư hỏng.
Bão số 3 đi qua các tỉnh đã đánh sập hoàn toàn 24 nhà, làm tốc mái hơn 4.000 nhà khác; gần 25.000 ha lúa bị đổ ngập; hàng trăm km đường liên tỉnh cũng bị xói lở.
Một vài hình ảnh tan hoang sau bão ở Nghệ An:
Người dân thành phố Vinh khắc phục hậu quả sau bão.
Nhà cửa bị bão tàn phá tại huyện Nghi Lộc
Chiếc xe rơ moóc này vào tối qua (24/8) khi đang lưu hành trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Nghi Thuận (Nghi Lộc) đã gặp tai nạn do gió lớn. Sáng nay chủ xe mới thuê người đến cứu trợ
Mênh mông sông nước sau cơn bão số 3 tại nhiều cánh đồng huyện Nghi Lộc
Bà con huyện Quỳnh Lưu thu dọn cây đổ sau bão (Ảnh: Nguyễn Duy)
Tại Thanh Hóa, đã có 230 căn nhà bị sập đổ và tốc mái, 38 phòng học bị hư hỏng, 445 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt, 5.250 ha diện tích lúa, 450 ha ngô, 1.200 ha lạc và 325 ha rau màu bị hư hại…
Đối với phương tiện tàu thuyền có 4 chiếc bị chìm, 16 tàu thuyền khác bị hư hỏng. Đê điều, hồ đập bị sạt lở 8.445m3, đường giao thông bị sạt lở 3.600m3, đổ 64 cột điện. Tính đến 16h chiều ngày 25/8, tổng thiệt hại ước tính lên đến 38 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa không cho thấy có thiệt hại về người. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Cường, Phó chủ tịch UBND huyện miền núi Lang Chánh cho biết: Chiều 24/8, trong khi đang đi bắt cá trên sông Âm, đoạn chạy qua địa bàn xã Tam Văn, huyện Lang Chánh, do mưa to kéo dài, nước sông dâng cao khiến một phụ nữ bị nước lũ cuốn trôi, hiện vẫn chưa tìm thấy xác.
Nạn nhân được xác định là chị Hà Thị Tiên (38 tuổi), trú tại bản Phá, xã Tam Văn, huyện Lang Chánh. Tính đến chiều ngày 25/8, vẫn còn nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có báo cáo về tình hình thiêt hại do mưa lũ.
Hơn 1km dải phi lao dọc bờ biển xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa bị sóng biển cuốn trôi. (Ảnh: Duy Tuyên)
Tại Huế, trong số 11 nạn nhân bị thương có tới 5 học sinh. Chiều qua và sáng nay, các chiến sĩ thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Bộ đội biên phòng tỉnh TT-Huế đã tới thăm hỏi động viên các nạn nhân và tặng quà hỗ trợ.
Hàng trăm chiến sĩ cũng đã về những vùng trọng yếu bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão số 3 giúp dân dựng lại nhà, lợp mái và cứu lúa đang úng ngập.
Thăm hỏi các nạn nhân bị thương do bão
Giúp dân lợp lại mái nhà. (Ảnh: Đại Dương)
Ông Vũ Văn Tú, Phó Văn Phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TƯ cho biết, hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ gia đình có người bị nạn, sửa chữa nhà cửa; khắc phục nhanh các sự cố và thiệt hại về điện, viễn thông... khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.
Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TƯ cũng yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ đề sẵn sàng đối phó với các tình huống tiếp mưa lũ tiếp theo; chủ động triển khai việc sơ tán dân ở các khu vực có nguy cơ ngập lụt, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Vấn đề đang được quan tâm đặc biệt hiện nay là biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa, đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ và khu IV cũ.