1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người cha 10 năm "vác" 2 con đi học

(Dân trí) - Càng lớn, hai chị em Sương, Sáng càng yếu dần đi rồi không thể đứng được nữa, đôi chân trở nên mềm nhũn, thõng thượt. Thương cho khát khao tới trường học chữ của con, 10 năm nay ông Nguyễn Văn Sơn đều đặn ngày vác con ra xe chở tới trường học.

Người cha 10 năm "vác" con đi học

Đến trường trên vai cha

Bao nhiêu năm nay, ông Nguyễn Văn Sơn (xã Nghĩa Hợp, Tân Kỳ, Nghệ An) được “đặc cách” chạy xe máy vào tận cửa phòng học. Ông dựng chân chống xe xuống một cách chắc chắn rồi gắng hết sức bế con ra khỏi chiếc ghế đặt giữa tay lái và yên xe. Ông Sơn “hất” đứa con trai lên vai và vác vào lớp học. Trên vai cha, Nguyễn Văn Sáng (SN 2004, hiện học lớp 8, Trường THCS Dũng Hợp, Tân Kỳ) cố ngẩng đầu lên để nhìn, hai chân thõng thượt, mềm như sợi bún.

10 năm nay, ông Sơn hàng ngày chở 2 con đi học. Năm nay, cô con gái lên cấp 3 nhưng trường xa phải nghỉ học, ông Sơn ngày 2 buổi đưa con trai Nguyễn Văn Sáng tới trường.
10 năm nay, ông Sơn hàng ngày chở 2 con đi học. Năm nay, cô con gái lên cấp 3 nhưng trường xa phải nghỉ học, ông Sơn ngày 2 buổi đưa con trai Nguyễn Văn Sáng tới trường.

Ông Sơn vác con vào lớp, đặt ngay ngắn ở dãy bàn cuối, nơi đã được “thiết kế” riêng với khung thép để giữ người Sáng có thể ngồi được. Trưa, ông lại chạy xe máy vào, bế con lên, vác lên vai ra đặt lên xe rồi chở về nhà. Hôm nào Sáng học buổi chiều thì hành trình của hai cha con lại tiếp tục như thế, đều đặn đã ngót chục năm nay.

Trưa nắng, ông Sơn vã mồ hôi đầm đìa chuẩn bị cho công đoạn đón con về. Người Sáng cứ mềm oặt, chỉ có đôi tay cử động được một cách yếu ớt và cái đầu có thể ngúc ngoắc được. “Hồi trước Sáng còn bé thì tôi bế được. Giờ cháu lớn, nặng hơn, sức tôi cũng kém đi, mà cháu không bám được nên tôi phải vác con lên vai”, ông Sơn tâm sự.

Thầy Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường THCS Dũng Hợp cho biết: “Năm ngoái chị gái của Sáng là Nguyễn Thị Sương cũng học cùng trường. Ông Sơn đặt con gái vào cái ghế tự chế phía sau, con trai ở phía trước chở tới trường rồi lần lượt vác hai con vào lớp. Năm nay cháu Sương hoàn thành chương trình THCS, chỉ còn Sáng đi học".

Ông Sơn vác con đưa lên lớp học bởi con trai ông mắc bệnh suy tủy, đôi chân mềm nhũn như bún không thể đứng, xương sống không thể gánh đỡ phần cơ thể phía trên.
Ông Sơn vác con đưa lên lớp học bởi con trai ông mắc bệnh suy tủy, đôi chân mềm nhũn như bún không thể đứng, xương sống không thể gánh đỡ phần cơ thể phía trên.

Thầy Hùng cho biết, biết tình cảnh của cha con ông Sơn, nhà trường cũng hết sức tạo điều kiện trong việc bố trí lớp học thuận tiện cho việc đưa đón; dành các suất học bổng, phần quà hỗ trợ cho em Sáng. Mặc dù bệnh tật nhưng Sáng cũng như chị gái đều rất ham học, tiếp thu nhanh và rất ngoan.

Nguyễn Thị Sương cũng mắc bệnh giống em trai nên mãi khi lên 8 tuổi mới bắt đầu đi học. Năm nay lẽ ra Sương sẽ lên cấp 3 học nhưng nhà xa, lại trái đường với trường em trai nên bố không thể đưa đón, em đành phải nghỉ học.

“Có những hôm trời mưa gió, thương chị em em, bố vẫn quyết chở đi học. Bố trùm ni lông cho cả ba bố con. Đường đất lầy lội, trơn như đổ mỡ. Hai chân bố “bơi” hai bên giữ cho xe thăng bằng nhưng có khi chân không trụ được sức nặng của xe và 2 chị em em, ba bố con ngã lăn ra đường, lấm lem bùn đất. Bị ngã, em không thấy đau mà chỉ thấy thương bố. Dù trời mưa rét hay nắng nóng, bố luôn sẵn sàng chở 2 chị em đi học. Chị em em chưa phải nghỉ buổi học nào ngoài trừ những hôm ốm đau”, Nguyễn Thị Sương tâm sự trong tư thế vừa nằm vừa ngồi theo em hơn chục năm nay.


Nguyễn Thị Sương cũng mắc căn bệnh giống em trai. Năm nay vào cấp 3, Sương phải nghỉ học. Em đang dự tính học thêu tranh để có thêm thu nhập phụ bố mẹ.

Nguyễn Thị Sương cũng mắc căn bệnh giống em trai. Năm nay vào cấp 3, Sương phải nghỉ học. Em đang dự tính học thêu tranh để có thêm thu nhập phụ bố mẹ.

Lòng tự trọng của người cha

Ông Sơn chở con đi học về, bà Nguyễn Thị Nhung đầu bịt chiếc khăn che mấy mảng da đầu bị rụng hết tóc chạy ra giữ xe để chồng bế con vào. Nói về căn bệnh của 2 đứa con, người mẹ nghẹn ngào: “Ngày mới sinh ra, cả 2 đứa đều bụ bẫm, rồi biết lẫy, biết bò, biết đi như những đứa trẻ khác. Nhưng đi được mấy bước là ngã, dần dần không đi được nữa, người mềm như bún, nằm xuống không tự ngồi dậy được. Hai vợ chồng chạy vạy khắp nơi mong chữa bệnh cho con nhưng bác sĩ nói bệnh thoái hóa cơ tủy này không chữa được”.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá Nguyễn Văn Sáng và chị gái là những người có nghị lực vượt lên số phận, ham học, tiếp thu nhanh và rất ngoan.
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá Nguyễn Văn Sáng và chị gái là những người có nghị lực vượt lên số phận, ham học, tiếp thu nhanh và rất ngoan.

Ngoài chăm sóc 2 con tàn tật, vợ chồng ông Sơn còn phải nuôi người em trai út là Nguyễn Văn Hoàng (SN 1965), bị thiểu năng trí tuệ. Hai người khỏe nuôi 3 người ốm nên hai ông bà phải quần quật không ngơi tay, từ mở máy xay xát gạo, làm gần 2 mẫu ruộng và thêm mấy sào mía, chăn nuôi trâu bò. Thỉnh thoảng Trại giam số 3 đóng gần nhà đặt thực phẩm tươi nên sau khi đưa con đến lớp, ông Sơn đánh chiếc xe máy cà tàng đi các xã gần đó thu mua lợn, gà nhập cho trại giam kiếm đồng lãi.

Thương ông vất vả, có người gợi ý ông “xin” tấm giấy hộ nghèo, vừa được hưởng thêm các chế độ ưu đãi mà các con trong 9 tháng đi học được hỗ trợ gần 1,4 triệu đồng/cháu/tháng nhưng ông từ chối. “Vợ chồng tôi vẫn đang còn sức khỏe, còn làm việc được, vẫn đang gắng lo được cho các con”, người cha khẳng khái nói.

Từ chối xin hộ nghèo vì vẫn đang còn sức lo cho con nhưng ông Sơn vẫn canh cánh nỗi lo cho 2 đứa con tật nguyền khi mình về già...
Từ chối "xin" hộ nghèo vì "vẫn đang còn sức lo cho con" nhưng ông Sơn vẫn canh cánh nỗi lo cho 2 đứa con tật nguyền khi mình về già...

Mặc dù vậy, ông Sơn vẫn canh cánh nỗi lo, mai này vợ chồng ông già đi, không đủ sức cõng bế các con hay khi ông chết đi, hai đứa con tật nguyền không biết nương nhờ vào ai. Có lẽ điều an ủi duy nhất của vợ chồng ông Sơn là cả Sương và Sáng luôn có tinh thần lạc quan, tự tin, không oán trách số phận và luôn khát khao được đi học.

“Sương vẫn còn muốn đi học lắm nhưng sức tôi bây giờ không thể “kham” nổi cả hai đứa. Hai năm nữa thằng Sáng học xong cấp 2, lúc đó, nếu Sương vẫn muốn đi học, ba cha con sẽ lên thị trấn thuê phòng trọ ở để tiện đưa đón các con đến trường.

Kế hoạch thì như vậy nhưng không biết có thực hiện được không vì tôi cũng có tuổi rồi, ở trọ cả tuần trên thị trấn, một mình bà ấy sợ khó mà cáng đáng việc ruộng nương, vườn tược. Tôi tính mở cho Sương quán hàng tạp hóa trước cửa buôn bán nhì nhằng cho con vui nhưng ở quê, việc buôn bán với người lành còn khó, huống gì như cháu…”, người cha nén tiếng thở dài.

Nguyễn Văn Sáng và chỗ ngồi được thiết kế đặc biệt của mình trong lớp học. Cậu học trò tàn tật đến trường trên vai cha mơ ước sẽ trở thành một tiến sĩ Toán học trong tương lai.
Nguyễn Văn Sáng và chỗ ngồi được thiết kế đặc biệt của mình trong lớp học. Cậu học trò tàn tật đến trường trên vai cha mơ ước sẽ trở thành một tiến sĩ Toán học trong tương lai.

Thương bố, Sương chẳng dám xin đi học tiếp, cũng không biết phải làm gì nên mỗi ngày trôi qua với em là bầu bạn với chiếc ti vi cũ. “Tay em cầm bút được thì chắc sẽ cầm kim được. Em sẽ học thêu tranh để bán”, Sương dự định về tương lai.

Còn cậu em trai Nguyễn Văn Sáng thì ấp ủ ước mơ trở thành tiến sĩ Toán học hoặc làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Mơ ước có bộ máy vi tính để học hỏi thêm nhưng biết gia cảnh của mình, Sáng không nỡ để bố mẹ phải gánh thêm một khoản chi phí để mua.

Dẫu có tình yêu vô điều kiện của bố, sự nỗ lực vượt số phận nhưng hành trình đến trường của chị em Sáng vẫn đang còn lắm gian nan…

Hoàng Lam