1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Người bị trường đại học giữ bằng cử nhân 30 năm liệt kê hàng loạt thiệt hại

Thế Kha

(Dân trí) - Ông Dương Thế Hảo phản ánh không thể đăng ký kết hôn, khai sinh và xin học cho con học, không thể tiếp cận các chế độ ưu đãi cho bộ đội phục viên… do bị trường đại học giữ bằng cử nhân 30 năm.

Liên quan đến sự việc ông Dương Thế Hảo (65 tuổi, trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) yêu cầu trường Đại học Kinh tế quốc dân bồi thường thiệt hại do giữ bằng cử nhân và nhiều giấy tờ gốc trong suốt 30 năm, đại diện nhà trường cho biết sẽ sớm có thông tin phản hồi tới báo Dân trí.

Vị đại diện cho biết trường nhiều lần muốn hòa giải với ông Hảo nhưng bị từ chối.

Người bị trường đại học giữ bằng cử nhân 30 năm liệt kê hàng loạt thiệt hại - 1

Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Ảnh: NEU).

Ông Dương Thế Hảo thừa nhận từ chối hòa giải với nhà trường và đề nghị TAND quận Hai Bà Trưng sớm mở phiên tòa xét xử vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại theo đúng quy định pháp luật.

Trong đơn khởi kiện, ông Hảo cho biết sau khi xuất ngũ, ông về học tại trường Đại học Kinh tế quốc dân, khóa 26-27. Năm 1989, ông đã hoàn thành khóa học, vượt qua kỳ thi tốt nghiệp đại học.

"Bản thân tôi đã đến trường yêu cầu trả bằng tốt nghiệp đại học cũng như các giấy tờ liên quan suốt nhiều năm nhưng không được giải quyết", ông Hảo phản ánh với tòa.

Hồ sơ cá nhân ông Hảo đã nộp vào trường khi nhập học và bị giữ suốt thời gian dài bao gồm Sơ yếu lý lịch cá nhân, Giấy khai sinh, Bằng tốt nghiệp và học bạ cấp 3, Quyết định xuất ngũ, Lý lịch quân nhân…

"Tôi không thể đăng ký kết hôn, không thể đăng ký khai sinh cho các con ở Hà Nội, không thể cho con theo học các trường ở Hà Nội mà phải gửi về quê, dù tôi vẫn sống và làm việc ở Hà Nội.

Tôi không thể mua bán các tài sản thiết yếu và quan trọng để phục vụ cuộc sống hàng ngày như ô tô, xe máy, nhà đất,… và không thể tiếp cận các chế độ ưu đãi dành cho bộ đội phục viên chuyển ngành", ông Hảo liệt kê thiệt hại của cá nhân mình trong đơn gửi tòa án.

Đến năm 2004, ông Hảo mới làm được thủ tục "cắt khẩu" khỏi trường Đại học Kinh tế quốc dân về phường Vĩnh Hưng.

Người bị trường đại học giữ bằng cử nhân 30 năm liệt kê hàng loạt thiệt hại - 2

Ông Dương Thế Hảo phản ánh, do bị giữ các giấy tờ gốc nên đến năm 2004 mới làm được thủ tục "cắt khẩu" khỏi trường Đại học Kinh tế quốc dân (Ảnh: Thế Kha).

"Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã từ chối trả bằng tốt nghiệp đại học và hồ sơ cá nhân cho tôi trong suốt 30 năm. Điều đó đã tước đi mọi cơ hội việc làm cùng các cơ hội thăng tiến về học vấn, nâng cao nghiệp vụ cũng như quyền công dân của tôi", ông Hảo nêu trong đơn gửi tòa án.

Đến năm 2018 tòa án ở Hà Nội thụ lý đơn khởi kiện đòi bằng cử nhân và giấy tờ gốc của ông Hảo.

Đến năm 2019 nhà trường "bất ngờ" cấp bằng tốt nghiệp đại học và trả lại các giấy tờ gốc để ông Hảo rút đơn khởi kiện.

Người bị trường đại học giữ bằng cử nhân 30 năm liệt kê hàng loạt thiệt hại - 3

Ông Dương Thế Hảo phản ánh tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1989 nhưng đến năm 2019 mới được nhà trường cấp trả bằng và các hồ sơ gốc liên quan (Ảnh: Thế Kha).

"Hành vi nêu trên của trường Đại học Kinh tế quốc dân đã gây thiệt hại cho tôi về tinh thần và vật chất trong suốt mấy chục năm qua", ông Hảo nêu trong đơn gửi tòa án.

Người đàn ông 65 tuổi đang tiến hành thủ tục thuê luật sư để tính toán cụ thể các thiệt hại mà gia đình mình gặp phải, từ đó đưa ra mức tiền yêu cầu nhà trường phải bồi thường.

Theo một luật sư thuộc Đoàn luật sư Hà Nội, sự việc cho thấy rất rõ sự sai sót khi thực hiện công việc, nhiệm vụ của trường Đại học Kinh tế quốc dân. Nhà trường hoàn toàn phải có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại phát sinh nếu có cho ông Hảo do lỗi của cán bộ, viên chức của mình gây ra.

Trong khi đó, đại diện Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho rằng, sự việc của ông Dương Thế Hảo không thuộc trách nhiệm bồi thường nhà nước do trường Đại học Kinh tế Quốc dân là đơn vị sự nghiệp công lập.

Nếu ông Hảo và nhà trường không tự thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường tổn thất về kinh tế lẫn tinh thần thì phải giải quyết sự việc ở tòa án.