1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người ăn rau đang bị đầu độc

Muốn cho rau xanh tốt, chồi non tươi mơn mởn, một vườn rau khoảng 1.000m2 phải “ngốn” không dưới 15 loại thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng và kích thích “tăng phọt”. Một nông dân ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM bật mí như vậy về bí quyết trồng rau hiện nay.

“Thuốc bổ” cho rau...

 

Anh Vũ T - một nông dân vừa chân ướt chân ráo từ Nam Định vào vựa rau lớn thuộc xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn được một người thân bàn giao lại 1.500m2 đất trồng rau. Anh tư vấn: “Mỗi năm người ta thường trồng hơn 10 vụ rau, do vậy sau mỗi vụ thu hoạch đất gần như bị “hốt” hết chất dinh dưỡng nên phải “bồi dưỡng” lại cho đất vài tấn phân gà, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích nhiều loại mới đủ dinh dưỡng trồng rau lại vụ sau”.

 

Lân la làm quen mãi, cuối cùng anh T. cũng bật mí về “bí kíp” bồi bổ cho rau mau xanh tốt, non mơn mởn để bắt mắt người tiêu dùng. Đó là mua hơn 1 tấn phân gà trộn trấu cùng phân hữu cơ; 1 gói thuốc Regent trị quăn lá, 1 gói Trigard 100 chống sâu, 2 gói Mexyl MZ 72 trị lá vàng úa, 1 chai Bavistin đặc trị úng lá, 2 chai Selecron  và Netoxin diệt bọ nhảy, sâu róm, sâu đo, rồi thuốc giúp cây cứng….

 

Đặc biệt, trước khi xuất rau bán một hôm thì phải thêm thuốc “tăng phọt”, kích béo, thuốc “vượt”… giúp rau mọc dài nhanh, mầm non xanh mướt và bóng láng. Anh T có được “công thức” này là do người thân truyền lại.

 

Không chỉ vùng trồng rau ở Thới Tam Thôn mà tại phường Tân Chánh Hiệp, Q.12 cũng bát ngát những lô đất phủ xanh trồng rau bằng công nghệ “thúc”… hóa chất. Để “thúc” cho rau xanh tốt, không sâu bệnh người trồng rau không ngại sử dụng hàng chục hóa chất trị nấm, trị sâu và kích thích rau lớn rất độc hại.

 

Quan sát một người dân ở KP 4 đang phun thuốc, thấy có hơn 10 loại thuốc hóa chất mà nông dân dùng xong vứt vỏ khắp nơi như: Atonik thuốc kích thích, Coc 85 thuốc trị nấm, diệt vi khuẩn, Penneo Zeb và Biocin thuốc diệt sâu qua đường vị độc…cùng nhiều loại thuốc  kích thích điều hoà tăng trưởng như Progibb; thuốc Toponsu giúp cho chu kỳ thu hoạch rau nhanh

 

Trong khi đó tại vùng rau ở phường Tân Thới Hiệp, Q.12, chị Hồng, người đang sở hữu hơn 1.200m2  rau, cho biết: “Ở đây, có gia đình trồng 6-7 loại rau, gia đình trồng ít cũng 2 đến 3 loại, chủ yếu là rau muống, mồng tơi, rau cải xanh, rau xà lách. Và ai cũng phải biết đầu tư thuốc bổ cho rau nếu như không muốn vườn rau của mình… kém hàng xóm”.

 

Theo chị Hồng, thuê 1.000m2 đất mất hơn 5 triệu đồng/năm, vì vậy không có phân gà và thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích để “thúc” cho rau nhanh tốt thì khó nói đến chuyện lời lãi! Muốn tìm “thần dược” cho rau mau tốt, chị Hồng không ngần ngại giới thiệu tại các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật ở chợ Hiệp Thành.

 

Tại đây chúng tôi phát hiện hàng loạt thuốc kích thích tăng trưởng, “vượt nhanh” như: ProGibb, Toponsu… với những nội dung quảng cáo trên bao bì hết sức hấp dẫn như “Biến cái không thể thành có thể” hay “Thần dược trong ngành nông nghiệp”; giúp sản phẩm xanh tươi theo ý muốn…

 

Thuốc độc cho người

 

Theo cảnh báo của ngành y tế, hậu quả nặng nề từ việc sử dụng hóa chất để chăm sóc rau thể hiện rõ nhất là ảnh hưởng đến sinh sản, hệ tiêu hóa, thần kinh, các hệ thống miễn dịch và ung thư.

 

Những hóa chất độc hại này sẽ ngấm vào cơ thể theo thời gian, có thể 3 năm, 5 năm và dài hơn, làm cho con người bị ung thư gan, đa u  tủy, bướu ác tính ở da, ung thư dạ dày và môi, bệnh giun sán…” - Một bác sỹ cho biết.

 

Tuy vậy, thực tế tại các chợ rau, rau sạch, rau bẩn còn lẫn lộn khó phân biệt. Tại chợ Tân Định, Q.1; chợ Nguyễn Tri Phương, Q.5, khi chúng tôi ghé vào hàng rau để chọn một vài thứ rau, những người bán hàng ở đây đều quảng cáo là họ bán rau sạch. Thế nhưng thực tế không ai có thể khẳng định đó là rau sạch. Nên việc người tiêu dùng mua rau sạch thành “rau bẩn” cũng khó mà nhận biết.

 

Một nông dân ở khu phố 3, phường Tân Thới Hiệp, Q.12 nói thật: “Người ta trồng rau nhưng có bao giờ ăn rau của mình trồng đâu, họ toàn sang mua rau ở chỗ tôi, do tôi trồng rau để ăn chứ không dùng thuốc trừ sâu, kích thích gì cả”.

 

Theo Chi cục BVTV TPHCM, sau khi kiểm tra hơn 500 mẫu rau quả đã phát hiện gần 30 mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu là rau dền, cà chua, rau muống, xà lách và bông cải. Các loại rau này nhiễm một số độc chất nguy hiểm như: Dư lượng thuốc, vi khuẩn, ký sinh trùng… Do đó chúng là tác nhân “góp phần” làm nên những vụ ngộ độc thực phẩm hiện nay.

 

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Trưởng phòng QL VSATTP, Sở Y tế TPHCM cho biết: Do không quản lý được lượng rau từ gốc nên người tiêu dùng luôn phải đối mặt với rau bẩn và nhiễm bệnh tật là điều không tránh khỏi.

 

Theo Lê Nguyễn

Tiền Phong