Ngôi nhà mới của 7 chú hổ giữa rừng nguyên sinh Phong Nha - Kẻ Bàng
(Dân trí) - Nơi ở mới của 7 cá thể hổ là 3 khu nhà kiên cố, xung quanh nhiều cây cối, môi trường thoáng mát. Các khu nhà được xây gần nhau, nằm trong kế hoạch mở rộng thành nơi nuôi nhốt bán hoang dã cho hổ.
Mới đây, Ban quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng đã chuyển 7 cá thể hổ đang được chăm sóc và nuôi dưỡng tại khu cứu hộ động vật hoang dã về khu chuồng nuôi mới để hổ có không gian sống tốt hơn.
Khu nhà mới của 7 cá thể hổ nằm ở giữa rừng nguyên sinh của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, ít người qua lại. Các chuồng hổ được thiết kế kiên cố, đảm bảo kỹ thuật.
Quá trình chuyển các cá thể hổ nói trên, Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt và Tổ chức động vật châu Á triển khai kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng vaccine cho hổ.
Để thực hiện việc khám sức khỏe và di dời 7 cá thể hổ về khu chuồng nuôi mới, mỗi cá thể hổ được các chuyên gia tiếp cận để gây mê bằng ống thổi kim tiêm chuyên dụng.
Các chuyên gia tiếp cận gần khu vực chuồng nuôi thông qua tấm chắn, sau đó dụ hổ mất tập trung và thổi tiêu có thuốc gây mê vào từng cá thể.
Sau khi bị gây mê, hổ được vận chuyển từ chuồng nuôi cũ lên phòng thú ý để kiểm tra sức khỏe và tiêm phòng vaccine. Sau đó các cá thể hổ sẽ được vận chuyển vào khu chuồng nuôi mới.
Khu vực chuồng nuôi mới 7 cá thể hổ kể trên là 3 khu nhà kiên cố chia theo thứ tự A, B,C, có 9 ô chuồng. Các khu nhà nuôi này cách nhau 50m, không gian xung quanh cây cối rậm rạp, tạo môi trường thoáng mát. Được biết, không gian xung quanh 3 nhà nuôi cũng nằm trong kế hoạch để mở rộng khu nuôi hổ bán hoang dã.
Theo ông Lê Thúc Định, Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, việc đưa 7 cá thể hổ qua khu chuồng mới đã hoàn thành vào ngày 4/8.
Gần 1 tuần sau khi về nhà mới, 7 cá thể hổ cũng đã dần thích nghi. Bên cạnh không gian rộng rãi với diện tích 40m2, chuồng nuôi mới còn có hồ tắm, khu cho hổ vui chơi, leo trèo, chuồng có camera giám sát và cả vòi tắm hoa sen…
So với thời điểm mới đưa về Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, hiện nay trọng lượng của các cá thể hổ đã tăng gấp đôi, trung bình mỗi con 100kg, cá biệt có cá thể nặng 143kg.
Hổ càng lớn thì càng cần không gian lớn, hợp lý hơn để sinh sống, ngoài ra cũng phục vụ công tác chăm sóc được tốt hơn. Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang lên kế hoạch mở rộng chuồng nuôi để hổ có khoảng không gian ngoài trời.
Bên cạnh không gian sống thì khẩu phần thức ăn cho hổ cũng được đơn vị chăm sóc hết sức chú ý, bảo đảm phù hợp tập tính sinh thái theo từng giai đoạn sinh trưởng của hổ. Các cán bộ kỹ thuật tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được tham gia học tập kinh nghiệm để làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng hổ một cách tốt nhất.
Công tác nuôi dưỡng, chăm sóc hổ đều được Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng lên các phương án hết sức chặt chẽ. Đơn vị cũng tranh thủ những ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Đặc biệt là tranh thủ kinh nghiệm cũng như chia sẻ bài học từ các trung tâm cứu hộ ở nước ngoài, đồng thời kết hợp với các kinh nghiệm đã được tích lũy tại các cơ sở bảo tồn nuôi hổ ở Việt Nam.
"Chuồng cũ chật hẹp, trong khi hổ ngày càng phát triển, bởi vậy chuồng không đủ điều kiện nuôi lâu dài. Nhân viên của chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc chăm sóc, vệ sinh, bên cạnh đó là vấn đề an toàn khó đảm bảo. Việc chuyển sang chuồng mới sẽ tạo ra môi trường phù hợp, hổ sẽ thoải mái hơn mà không còn bị bó buộc trong không gian nhỏ nữa", ông Định nói.
Những cá thể hổ tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng này được phát hiện, bắt giữ trong một vụ án vận chuyển trái phép động vật hoang dã tại tỉnh Nghệ An và từng được chăm sóc ở Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An).
Đầu năm 2022, vì không có đủ điều kiện nên Ban Quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát đã chuyển 7 cá thể hổ tới Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để phù hợp việc nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo tồn.