Nghiên cứu mở lại đường bay thẳng Việt Nam - New Zealand

Hoài Thu

(Dân trí) - "Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand lớn, không khí chính trị tốt, nhu cầu hai bên đều có, cái khó là khoảng cách địa lý. Chúng tôi sẽ bàn giải pháp mở lại đường bay thẳng", Thủ tướng nói.

Vấn đề này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi chia sẻ tại cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu của New Zealand và thế giới trên nhiều lĩnh vực, nhằm tìm hiểu tiềm năng, nhu cầu và khả năng hợp tác đầu tư Việt Nam - New Zealand.

New Zealand muốn hợp tác, tận dụng nhân lực công nghệ của Việt Nam

Đại diện công ty về nền tảng và dữ liệu lớn nhất New Zealand chia sẻ sự quan tâm đặc biệt tới Việt Nam. Ông cho rằng Việt Nam không chỉ là thị trường rất lớn, mà còn có nhiều cơ hội thú vị và lợi thế dân số trẻ. Đặc biệt, doanh nghiệp New Zealand coi Việt Nam là cửa ngõ giúp họ tham dự sâu hơn vào thị trường ASEAN.

Nghiên cứu mở lại đường bay thẳng Việt Nam - New Zealand - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các doanh nghiệp hàng đầu New Zealand (Ảnh: Đoàn Bắc).

"Tôi rất phấn khích khi nhìn vào tương lai hợp tác với Việt Nam, bởi Việt Nam không chỉ cung cấp một thị trường rộng lớn mà còn là đối tác chiến lược để có hợp tác chặt chẽ trong thương mại, xuất khẩu, tận thế lợi thế bổ trợ của nhau", vị đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Ông dẫn chứng New Zealand có công nghệ tốt, còn Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào nên có thể phối hợp, tận dụng nguồn nhân lực của Việt Nam và công nghệ của New Zealand để tạo ra phần mềm xuất đi quốc tế.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định Việt Nam xem giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu nên đang tập trung đổi mới căn bản giáo dục. Theo ông, Việt Nam rất cần học hỏi mô hình từ các nước tiên tiến, trong đó có New Zealand.

Đánh giá cơ hội hợp tác giáo dục hai nước rất tiềm năng, Bộ trưởng đề nghị thúc đẩy hợp tác, liên kết mạnh mẽ hơn nữa nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tăng cường đưa sinh viên Việt Nam sang New Zealand.

Nghiên cứu mở lại đường bay thẳng Việt Nam - New Zealand - 2

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ thông tin về hợp tác y tế giữa hai nước (Ảnh: Đoàn Bắc).

Christine Clark, Giám đốc điều hành Tập đoàn giáo dục Kalandra, cho biết doanh nghiệp này sẵn sàng cấp 1.000 học bổng đào tạo ngành điều dưỡng cho phía Việt Nam. Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đánh giá cao điều này và khẳng định Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan để trao đổi trực tiếp với Kalandra về nội dung này.

Làm rõ một số ý kiến liên quan hợp tác phát triển nông nghiệp sạch, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết Việt Nam đang triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL. Gần đây nhất, tập đoàn gạo hàng đầu của Australia là SunRice đã cam kết tham gia chương trình này.

Nghiên cứu mở lại đường bay thẳng Việt Nam - New Zealand - 3

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông chia sẻ ý kiến tại tọa đàm (Ảnh: Đoàn Bắc).

Trước đề xuất của Biolumic (tập đoàn công nghệ sinh học hàng đầu thế giới có trụ sở tại New Zealand) về áp dụng các giải pháp sử dụng ánh sáng để tăng cường năng suất và chất lượng lúa, Bộ trưởng cho biết sẵn sàng giới thiệu, kết nối các tập đoàn của New Zealand với các đối tác Việt Nam để thực hiện ý tưởng này.

Nghiên cứu mở lại đường bay thẳng, xóa trở ngại về khoảng cách địa lý

Đồng tình với các ý kiến tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định dư địa hợp tác giữa hai nước còn rất lớn và sự hợp tác giữa hai quốc gia là "không biên giới".

"Tiềm năng hợp tác lớn, không khí chính trị tốt, nhu cầu hai bên đều có. Cái khó là khoảng cách địa lý. Chúng tôi sẽ bàn giải pháp mở lại đường bay thẳng Việt Nam - New Zealand", theo lời Thủ tướng.

Nghiên cứu mở lại đường bay thẳng Việt Nam - New Zealand - 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Đoàn Bắc).

Ông cho biết trước đây đã có đường bay thẳng giữa hai quốc gia nhưng hiệu quả chưa cao, song thực tế từ những năm trước và bây giờ đã khác.

Với 15.000 người Việt sinh sống, học tập ở New Zealand cùng mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch thương mại hai chiều ở mức 2 tỷ USD, Thủ tướng khẳng định việc mở đường bay sẽ thúc đẩy giao thương hai nước, khắc phục trở ngại về khoảng cách địa lý.

Thủ tướng đề nghị Chính phủ, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp của New Zealand đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư; mở cửa thị trường để tận dụng tối đa các hiệp định thương mại song phương; tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của nhau vào thị trường mỗi bên; xem xét gỡ bỏ những rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam, nhất là đối với nông sản, thủy sản.

Nhấn mạnh chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam là có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp New Zealand hợp tác đầu tư với Việt Nam bằng những dự án cụ thể trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tri thức, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, linh kiện điện tử, ô tô điện, sản xuất chất bán dẫn, xây dựng trung tâm tài chính…

Nghiên cứu mở lại đường bay thẳng Việt Nam - New Zealand - 5

Toàn cảnh buổi tọa đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam với các doanh nghiệp hàng đầu New Zealand (Ảnh: Đoàn Bắc).

Theo kỳ vọng của người đứng đầu Chính phủ, hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng, đột phá trong quan hệ hai nước.

Với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư New Zealand tới Việt Nam. "Chính phủ cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.

Hoài Thu (Từ Wellington, New Zealand)