Nghiên cứu chính sách để công nhân được vay tiền mua nhà với lãi suất thấp
(Dân trí) - Nhấn mạnh Nhà nước phải bảo đảm giá nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân, Phó thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu chính sách để người lao động được vay tiền mua nhà với lãi suất thấp.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 10/3 đã nghe Bộ Xây dựng báo cáo về Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (Đề án).
Ông nhấn mạnh nhà ở cho người dân là vấn đề Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm. Lãnh đạo Chính phủ cũng đã có nhiều cuộc họp, đặc biệt với các địa phương, doanh nghiệp có nhu cầu nhà ở cho công nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Theo Phó thủ tướng, việc thực hiện Đề án không chỉ gói gọn ở con số 1 triệu căn nhà ở xã hội, vì hiện nay còn hàng chục triệu người có nhu cầu về nhà ở. Mục tiêu dài hạn, tổng thể là phải nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong bảo đảm quyền tiếp cận nhà ở của người dân.
"Trong từng giai đoạn, cần đề ra mục tiêu cụ thể, như xây ký túc xá sinh viên, nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở nhóm người yếu thế… Từ đó, đưa ra các giải pháp, chính sách, phân bổ nguồn lực ưu tiên, phù hợp", theo lời Phó thủ tướng.
Ông Hà đề nghị cần có kế hoạch, lộ trình bài bản để giải quyết nhu cầu tiếp cận nhà ở của mọi người dân như Hiến pháp đã quy định. Đặc biệt, cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là công nhân, người lao động có thu nhập thấp, đối tượng yếu thế. Trong đó, phải tính đến mức thu nhập phổ biến của người lao động và khả năng có thể mua nhà ở xã hội.
"Nhà nước phải bảo đảm giá nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân. Đây là vấn đề không chỉ liên quan đến Bộ Xây dựng mà cả Bộ TN&MT, ngân hàng… Do vậy, các bộ, ngành cần nghiên cứu chính sách để công nhân, người lao động có việc làm, thu nhập ổn định được vay tiền để mua nhà, thuê nhà… với mức lãi suất thấp", Phó thủ tướng quán triệt.
Ông lưu ý những khó khăn về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội cần được khẩn trương tháo gỡ theo hướng Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi về hạ tầng, đất đai, tài chính… cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội, "lấy đầu tư công về hạ tầng cơ bản để dẫn dắt, thu hút đầu tư".
Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình triển khai Đề án cần phân định rõ trách nhiệm của Nhà nước (Trung ương, địa phương) và khu vực tư nhân; đồng thời, có tiêu chí xác định dự án sử dụng vốn đầu tư công, hợp tác công - tư và xã hội hóa.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các dự án nhà ở xã hội cần được tính toán đồng bộ, dự báo chính xác để đưa vào quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị.
"Cụ thể như khi quy hoạch các khu công nghiệp phải đi kèm quy hoạch quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân để có thể hình thành khu đô thị mới với đầy đủ cơ sở hạ tầng", Phó thủ tướng phân tích.
Ông cũng nêu rõ doanh nghiệp thực hiện các dự án nhà ở xã hội cần có đủ năng lực, bảo đảm yêu cầu tiến độ, chất lượng. Bên cạnh đó, chính sách thuê, mua nhà ở xã hội phải linh hoạt để công nhân gắn bó với doanh nghiệp.
Trước đó, số lượng nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng đưa ra trong dự thảo đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ lên tới hơn 1,4 triệu căn hộ với nguồn vốn thực hiện hơn 1,1 triệu tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2025 dự kiến hoàn thành xây dựng khoảng 571.200 căn hộ, giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 845.500 căn hộ.
Tuy nhiên, khi cho ý kiến về dự thảo đề án này, nhiều thành viên Chính phủ đã đề nghị cân nhắc mục tiêu, số lượng căn nhà ở xã hội và nguồn lực thực hiện đề án.
Tiếp thu những ý kiến này, Bộ Xây dựng sau đó đề xuất Thủ tướng điều chỉnh hạ mục tiêu đề án xuống còn hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội, giảm hơn 350.000 căn so với đề xuất ban đầu.
Bộ Xây dựng đề xuất trong giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng khoảng 428.000 căn nhà ở xã hội, và hơn 630.000 căn sẽ tiếp tục được xây trong giai đoạn 2025-2030.