Nghiêm cấm khai thác gỗ sưa dưới mọi hình thức
(Dân trí) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có chỉ thị về tăng cường quản lý khai thác và tiêu thụ gỗ sưa, loại gỗ đặc biệt quý hiếm đang trở thành tâm điểm của dư luận trong thời gian vừa qua.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện ngay những giải pháp cấp bách nhằm “cứu” cây sưa - còn gọi là trắc thối, huỳnh đàn, Huê mộc vàng, thuộc nhóm 1A nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Đối với gỗ sưa có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tổ chức đánh giá tình trạng thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm tại địa phương để có phương án quản lý, bảo vệ. Chi cục kiểm lâm phối hợp với công an tỉnh tập trung điều tra làm rõ những đối tượng chuyên khai thác, mua, bán, vận chuyển trái phép gỗ sưa; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; trường hợp nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị tạm thời dừng việc xuất bán, tiêu thụ loại gỗ sưa là tang vật của những vụ vi phạm hành chính và vụ án hình sự cho đến khi lập lại được trật tự trong quản lý, bảo vệ rừng gỗ sưa.
Đối với gỗ sưa có nguồn gốc từ rừng trồng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo Chi cục kiểm lâm các tỉnh thực hiện ngay việc thống kê về loại vây và diện tích trồng các loại cây thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm 1A của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình…
Chỉ thị này được đưa ra trong bối cảnh, thời gian gần đây, hàng loạt địa phương ở miền Trung như Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình… và thậm chí, lan đến Hà Nội với hàng chục vụ chặt phá trái phép loại cây này mà Dân trí đã phản ánh những ngày vừa qua.
Theo nhận định của Bộ trưởng Cao Đức Phát, tình hình khai thác trái phép loại gỗ sưa (kể cả gốc, rễ, cành ngọn, các loại mảnh vụn) từ rừng tự nhiên diễn ra rất phức tạp. Tình hình vận chuyển trái phép gỗ sưa diễn ra rất khó kiểm soát. Một số địa phương khác, người dân tự gây trồng được loại gỗ quý hiếm này, khi biết có giá trị cao đã xin khai thác khi cây còn chưa đủ tuổi khai thác.
Phúc Hưng