1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghịch lý đường bé cấm xe buýt nhỏ

(Dân trí) - Lâu nay, hệ thống xe buýt TPHCM tồn tại nghịch cảnh đường nhỏ, xe lớn khiến xe buýt hoạt động không hiệu quả, dễ gây kẹt xe… Nhiều khả năng lại có thêm nghịch lý: đường bé cấm xe buýt nhỏ.

Nghị định đá quy hoạch

Những năm đầu thế kỷ 21, TPHCM vẫn có hàng ngàn xe lam ba bánh cũ tham gia chở khách, phả khói mù mịt, tiếng ồn inh ỏi… Nhận thấy loại phương tiện này đã quá đát, làm ô nhiễm môi trường và văn minh đô thị, năm 2002 TP bắt đầu chuyển đổi.

Thời điểm đó, TPHCM vẫn chưa có chủ trương trợ giá cho xe buýt nên không có vốn hỗ trợ chuyển đổi, người dân chạy xe này lại là dân nghèo. Để phù hợp tình hình thực tế, TP cho phép người dân mua xe tải nhỏ đời mới như Suzuki, Daewoo, Asia, Daihatsu sửa chữa thành xe chở khách 12 chỗ, được chạy như xe buýt.

Mỗi xe loại này giá 120 triệu, người mua tham gia hợp tác xã sẽ được vay trả chậm 70 triệu. Quyết sách này giúp người dân bỏ xe lam cũ nát tiếp tục duy trì nghề cũ là chở khách, xe mới đảm bảo yêu cầu chất lượng và đẹp hơn xe lam.

Ngoài ra, giai đoạn đó hệ thống xe buýt TP chỉ có vài trăm xe 50 chỗ cũ nát, hoạt động kém. Hệ thống xe buýt 12 chỗ đi vào hoạt động góp phần không nhỏ vào năng lực vận tải hành khách công cộng của TP, giải quyết nạn kẹt xe đang diễn biến nghiêm trọng.

Nhận thấy hiệu quả, TPHCM phát triển mạnh kế hoạch xây dựng hệ thống xe buýt để hạn chế kẹt xe. Theo quy hoạch của TP, từ nay đến năm 2013 (khi TP có tuyến Metro đầu tiên), hệ thống xe buýt vẫn là chủ đạo. Trong đó, xe buýt nhỏ 12 chỗ chiếm một phần quan trọng vì có đến 86% tuyến đường TP nhỏ hơn 12m, chỉ phù hợp với xe buýt nhỏ.

Khi hệ thống xe buýt 12 chỗ (853 xe) vừa đi vào hoạt động ổn định thì cuối năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 110 quy định: xe buýt chở người phải có từ 17 chỗ trở lên; tất cả xe buýt không đúng tiêu chuẩn phải bị loại bỏ vào cuối năm 2007.

Lại điệp khúc gia hạn

Giữa năm 2007, TPHCM cũng đã 1 lần xin gia hạn việc loại bỏ xe buýt 12 chỗ đến hết năm 2008 để chuyển đổi. Vì lúc đó, hơn 300 xã viên vẫn chưa trả hết nợ vay mua xe. Ngoài ra, cấm xe buýt nhỏ hoạt động trong thời điểm này là chưa phù hợp và sẽ gây mất cân đối trong vận chuyển hành khách công cộng ở TP. Và trung ương đã đồng ý gia hạn.

Tuy nhiên, trong 1 năm qua, TP vẫn chưa tìm ra biện pháp gì khả dĩ có thể chuyển đổi được 853 xe buýt 12 chỗ này. Vì 853 xe buýt này đang phụ trách vận chuyển hành khách trên gần 100 tuyến đường rộng từ 6 - 8m, và 12 tuyến đường nhỏ hơn 6m. Ngay như xe buýt 17 chỗ cũng không thể hoạt động trên những tuyến đường hẹp như thế này. Nếu bỏ hẳn các tuyến này sẽ tạo nên một khoảng trống, gây kẹt xe.

Ngoài ra, hiện tại TP có khoảng 51% số đường có chiều rộng lòng đường từ 7 - 12m, 35% số đường còn lại có chiều rộng lòng đường dưới 7m… Các tuyến đường này chỉ phù hợp với xe buýt 12 chỗ. Nếu muốn phát triển hệ thống xe buýt rộng khắp và tiện lợi chỉ có thể dựa vào hệ thống xe buýt nhỏ này.

Hơn nữa, đến thời điểm hiện tại vẫn còn rất nhiều chủ xe vẫn chưa trả hết nợ ngân hàng; các xe đều còn niên hạn sử dụng cho đến tận năm 2017 - 2020, nếu ngưng hoạt động từ bây giờ thì quá lãng phí và ảnh hưởng lớn đến đời sống 853 chủ xe.

Do vậy, sắp đến hạn chót là cuối năm 2008, UBND TPHCM lại tiếp tục xin gia hạn cho xe buýt 12 chỗ hoạt động đến hết năm 2010 và đang chờ trung ương xem xét.

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm