1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghi ngại “hở sườn” trong dự luật Nuôi con nuôi

(Dân trí) - Xoáy vào những vụ tiêu cực trong hoạt động cho nhận con nuôi liên quan đến người nước ngoài thời gian qua, nhiều đại biểu nghi ngại về một số quy định còn sơ hở trong dự luật Nuôi con nuôi được đưa ra thảo luận tại QH hôm qua, 12/11.

Đại biểu Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) băn khoăn về thời hạn tìm gia đình thay thế cho trẻ ở trong nước trước khi lập thủ tục giới thiệu làm con nuôi người nước ngoài là 30 ngày. Trong thời hạn này, cơ sở nuôi dưỡng phải thông báo 3 lần trên phương tiện thông tin đại chúng để tìm người trong nước nhận trẻ.

Bà Sáng đề nghị nới khung lên 90 - 120 ngày bởi mục tiêu của luật là khuyến khích nuôi con nuôi trong nước, nuôi con nuôi nước ngoài chỉ là biện pháp cuối cùng khi không thể thu xếp được trong nước.
 
Nghi ngại “hở sườn” trong dự luật Nuôi con nuôi - 1
Số trẻ "tồn" tại trung tâm nhân đạo huyện Trực Ninh (Nam Định) khi phát hiện tiêu cực.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phân tích ngay vào tình trạng liên kết, móc nối, thu gom trẻ em làm giả, làm sai lệch hồ sơ để đáp ứng nhu cầu của người nhận nuôi vì mục đích trục lợi diễn ra ở một số địa phương trong thời gian qua (điển hình như tại Nam Định).
 
Bà Thúy cho rằng không thể chặn việc này chỉ bằng thao tác thay đổi chủ thể thực hiện chức năng giới thiệu trẻ làm con nuôi từ cơ sở nuôi dưỡng sang một hội đồng tư vấn nhiều thành phần vì chỉ thêm phân tán trách nhiệm. Đại biểu cho rằng nên giao Sở Tư pháp nắm việc này, xác định trách nhiệm và có chế tài cụ thể.
 
Bà Thúy cũng kiến nghị xây dựng cơ chế tiếp nhận, quản lý sử dụng và kiểm soát các nguồn thu từ tổ chức từ thiện của cơ sở nuôi dưỡng để ngăn chặn việc mua bán trẻ em, thu lợi bất chính từ hoạt động con nuôi quốc tế.
 
“Thực tế thì các cơ sở nuôi dưỡng vì đã có các khoản hỗ trợ quan tâm đến việc cho con nuôi người nước ngoài theo cơ chế tiền vào trẻ ra, sẵn sàng từ chối những người trong nước đến xin trẻ với lý do không có trẻ phù hợp, nhưng thực chất những trẻ ở đây đã được dành để cho con nuôi của người nước ngoài” - đại biểu phân tích.
 
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) cho rằng, các khoản hỗ trợ nhận đạo này, phần lớn được rót cho cơ sở nuôi dưỡng tiếp nhận bằng tiền mặt. Cơ chế tiếp nhận, quản lý, sử dụng lỏng lẻo là sơ hở, thiếu sót về mặt pháp lý dẫn đến thiếu minh bạch, sử dụng sai mục đích hỗ trợ nhân đạo.
 
Việc làm sai lệch nguồn gốc trẻ em qua các vụ án tại Nam Định, Phú Thọ, Lâm Đồng, Đồng Nai… vừa qua, đại biểu chỉ ra là do “buông tay, quay mặt” để cơ sở nuôi dưỡng thả sức chạy theo lợi ích vật chất trong việc giới thiệu trẻ, thậm chí có sự móc nối giữa những người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng và những kẻ môi giới bất hợp pháp, để đưa trẻ em từ nơi khác về “chăn nuôi” và hợp thức hóa bằng hồ sơ trẻ em bị bỏ rơi để làm con nuôi nước ngoài.
 
Đại biểu yêu cầu, dự thảo luật cần quy định rõ quá trình tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi, trách nhiệm đăng ký giấy khai sinh, hộ tịch, hộ khẩu cho trẻ em nhằm hạn chế việc đánh tráo con nuôi thành con đẻ, cố tình làm sai lệch nguồn gốc của trẻ em.
 
Vấn đề phí và lệ phí cũng là một nội dung gây nhiều tranh luận. Đại biểu Nguyễn Thị Sáng cho rằng quy định người nhận con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi là phù hợp. Tuy nhiên, đối với người nước ngoài, vừa phải nộp lệ phí đăng ký vừa phải nộp phí giải quyết việc nuôi con nuôi là không đúng.
 
Đinh Ngọc Lượng (Cao Bằng) cũng cho rằng, hoạt động cho nhận con nuôi là phạm trù đạo đức thể hiện mối quan hệ tình cảm tốt đẹp giữa người với người. Vì vậy không nên quy định nộp phí cho người nước ngoài nhận con nuôi, nếu quy định nộp có thể dẫn tới cách hiểu không trong sáng.
 
Ngược lại, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu lý do cần giữ quy định này. Theo đại biểu, dù muốn hay không vấn đề tài chính vẫn nẩy sinh trong quá trình cho nhận con nuôi.
 
Bà Thúy đề nghị quy định rõ ràng công khai về khoản phí giải quyết việc nuôi con nuôi để cho người nhận nuôi họ biết được các khoản mà mình phải nộp từ đó có quyền từ chối đối với những khoản khác do các chủ thể có liên quan đặt ra.
 
“Thực tế người nhận nuôi họ không ngần ngại đối với khoản tiền họ bỏ ra nhưng điều họ muốn là không thể coi khoản tiền đó là phương tiện để họ có được con nuôi, được đảm bảo các khoản tiền mà họ nộp là hợp lý, hợp pháp” - bà Thúy trình bày.
 
Đại biểu Trần Thị Hồng (Nam Định) gợi ý hướng không quy định mức thu phí, lệ phí trong hoạt động nuôi con nuôi nhưng khuyến khích các cá nhân nhận nuôi con nuôi, tài trợ nhân đạo cho các cơ sở nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em thông qua một cơ quan quản lý Nhà nước với quy chế thu chi chặt chẽ, đảm bảo công khai minh bạch nhằm hạn chế những tiêu cực trong hoạt động nhận nuôi con nuôi nước ngoài như hiện nay.
 
P. Thảo