1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghi án Bio-Rad: Phí bôi trơn tới 2,2 triệu USD – nhất định là tiền hối lộ

(Dân trí) - “Nói tiền “hoa hồng” có hàm nghĩa là khoản chi không lớn. Nhưng với những hợp đồng mà chi phí bôi trơn tới 2,2 triệu USD như Bio-Rad, cần phải gọi chính xác là tiền hối lộ” - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương bình luận về nghi án hối lộ các quan chức y tế.

Thông tin vụ hối lộ Bio-Rad nổ ra. Bộ Y tế đã gửi văn bản đề nghị Bộ Công an vào cuộc, điều tra làm rõ. Vụ việc, như nhiều ý kiến phân tích, cho thấy, giá thuốc và thiết bị y tế tại Việt Nam đã bị đẩy lên như thế nào so với giá trị thực tế vì những khoản phí bôi trơn, hoa hồng?

Tôi cho là động thái của Bộ Y tế thể hiện trách nhiệm và kịp thời nhưng vấn đề các đại biểu QH, nhiều cử tri rất quan tâm sau vụ việc này là câu hỏi về sự minh bạch trong việc tổ chức đấu thầu thiết bị y tế diễn ra trong nhiều năm qua. Trong sự việc này, nếu phía nước ngoài không phát giác sai phạm, gian lận thuế, nhập nhèm chứng từ của doanh nghiệp của họ thì Việt Nam cũng không phát hiện được. Như thế, húng ta không biết rằng giá thực của lô thiết bị y tế đó là bao nhiêu.

Việc này, theo tôi, trách nhiệm quản lý rõ ràng là của ngành y tế vì tuy có quy định về đấu thầu dược phẩm, trang thiết bị y tế nhưng Bộ Y tế cũng phải có trách nhiệm giám sát xem việc thực hiện đấu thầu có đúng hay không.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương là uỷ viên trường trực UB Pháp luật của Quốc hội (ảnh: Minh Thanh).
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương là uỷ viên trường trực UB Pháp luật của Quốc hội (ảnh: Minh Thanh).

Ngay sau thông tin lùm xùm, phản ứng về việc đấu thấu thuốc xảy ra trước thềm kỳ họp Quốc hội thì lại tiếp vụ việc thể hiện sự thật không hay liên quan đến hoạt động đấu thầu thiết bị y tế như này. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Những việc đấu thầu như thế này chắc chắn không công bằng, giá thuốc, giá thiết bị bị đẩy lên, đắt hơn rất nhiều và người ta sẽ dùng tiền chênh lệch đó để hối lộ cho cán bộ ngành y tế. Đây là vấn đề rất đáng báo động vì số lượng trang thiết bị y tế nhập khẩu về Việt Nam hàng năm rất lớn. Việc đấu thầu không minh bạch sẽ dẫn đến kết quả là đưa về những thiết bị đắt tiền mà chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.

Hiện có hàng chục công ty cung cấp trang thiết bị y tế nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và đây có thể không phải một vụ đơn lẻ. Việc phát giác này mới chỉ là ở một hãng mà trên thế giới có hàng trăm hãng cung cấp thiết bị y tế cho nhiều nước trong đó có Việt Nam. Có rất nhiều hãng tham gia đấu thầu nhưng chỉ vỉ lợi ích một nhóm người mà xảy ra những việc như vậy.

Vụ việc vừa xảy ra cho thấy Bộ Y tế không kiểm soát được lĩnh vực hoạt động này.

Đã có thể thấy rõ những lỗ hổng quản lý như ông nói. Giải pháp nào để chặn gian lận, tiêu cực trong đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, thưa ông?

Tôi nghĩ là cần có sự kiểm soát rất nghiêm ngặt việc đấu thầu mua sắm thiết bị y tế. Luật Đấu thầu sửa đổi mới, khi có hiệu lực sẽ giúp tăng cường kiểm soát hoạt động đấu thầu nhưng quy định của luật không phải không có những kẽ hở nhất định, cơ quan chức năng phải kịp thời phát hiện, sửa đổi, bổ sung thêm chính sách.

Vấn đề tôi e ngại hiện nay là không chỉ đấu thầu thiết bị, hoạt động đấu thầu cung cấp dược phẩm cũng không phải không có những chuyện tiêu cực. Ở nhiều bệnh viện, các hãng dược cho người đi tiếp thị đển, ở bệnh viện nào cũng có,  bản chất là để tiếp xúc với bác sĩ, để xem bác sĩ nào đó kê đơn thuốc của hãng là trả tiền “hoa hồng”, triết khấu. Lĩnh vực này cũng cần phải có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn.

Mà theo tôi, những việc này sử dụng khái niệm “chi hoa hồng” cũng chưa chính xác vì “hoa hồng” có hàm nghĩa là khoản chi không lớn. Nhưng với những hợp đồng mà chi phí bôi trơn tới 2,2 triệu USD như Bio-Rad, cần phải gọi chính xác là tiền hối lộ.

Qua vụ việc này, nhiều người đặt vấn đề, làm sao để kiểm soát được thu nhập, chống tiêu cực trong ngành y?

Tôi cũng rất quan tâm vấn đề này. Lâu nay việc khám chữa bệnh, tiêu thụ thuốc chữa bệnh bị thả nổi. Trước đây, tôi đã từng có công văn gửi Bộ Y tế phản ánh một trường hợp kê đơn thuốc rất cao. Đó là của một bác sĩ rất có uy tín mà vì uy tín nên kê bao nhiêu thì người đến khám chữa bệnh chẳng phải chịu. Yêu cầu đặt ra với chủ cơ sở khám chữa bệnh là phải kê khai giá thì người ta kê khai được ngay thôi, cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt khi người ta không công khai, không niêm yết giá thôi. Nhưng tôi nghĩ, cốt lõi là phải có khung giá nhất định để kiểm soát được mỗi dịch vụ cụ thể chỉ ở mức giá nhất định thôi.

Còn về kiểm soát thu nhập, theo tôi, việc kê khai tài sản hiện nay làm rất hình thức. Nếu các cơ quan, ví dụ như ngành y tế, yêu cầu cán bộ trong ngành kê khai tài sản mà lại không xác minh, chốt được tài sản lần đầu kê khai thì làm sao biết được những biến động về tài sản của người đó sau này để kiểm tra, giám sát.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (ghi)