1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Nghi án” hối lộ cho thấy giá thuốc gánh những khoản “hoa hồng” thế nào

(Dân trí) - “Hiện có hàng chục công ty dược, thiết bị y tế nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, chỗ nào cũng có hoa hồng. Với phát hiện, công bố ở nước ngoài trong vụ Bio-Rad sẽ giúp ta thấy được giá thuốc thực tế bị chi phối bởi những khoản hoa hồng thế nào”…

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 6/11 về việc Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ vừa ra trát lệnh yêu cầu công ty sản xuất và kinh doanh dụng cụ y khoa Bio-Rad Laboratories (gọi tắt là Bio-Rad) ở bang California (Mỹ) cáo buộc Bio-Rad đã đưa hối lộ gần 7,5 triệu USD cho các quan chức ở Việt Nam, Nga và Thái Lan từ năm 2005 đến năm 2010. Cụ thể, tính từ năm 2005 đến cuối năm 2009, văn phòng Bio-Rad tại Việt Nam đã chi 2,2 triệu USD tiền hối lộ và ký kết được hợp đồng với doanh số 23,7 triệu USD.
 
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên: Ở chỗ nào cũng có hoa hồng

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên: Ở chỗ nào cũng có "hoa hồng"

Thêm một “nghi án” quan chức Việt Nam nhận hối lộ bị phát giác, tố cáo từ các đối tác nước ngoài, lần này là trong lĩnh vực y tế. Là người phụ trách nhiệm vụ giám sát các hoạt động trong lĩnh vực này, ông đã nắm thông tin vụ Bio-Rad?

Bộ trưởng Y tế đã có văn bản gửi cho Bộ trưởng Bộ Công an về việc này rồi, vấn đề chính bây giờ là phải xác định cụ thể nội dung này. Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã xử phạt một công ty của Mỹ là Sasco Smith mấy trăm triệu USD vì tội hối lộ và tập đoàn này đã chấp nhận chịu phạt.

Còn trường hợp này ở Việt Nam, chúng ta cần phải xác định Bio-Rad họ hoạt động trong lĩnh vực nào, thuốc, hóa chất hay thiết bị y tế… Tôi nghĩ là trong 5 năm mà chỉ có 2,2 triệu USD chi thì có lẽ còn quá nhỏ. Chỉ riêng Bảo hiểm xã hội mỗi năm đấu thầu lại giá thuốc cũng đã dư ra mấy ngàn tỉ đồng rồi. Vậy nên cần kiểm tra cho rõ xem sao.

Còn thực tế nhiều năm nay, chuyện chi hoa hồng cho bác sĩ kê đơn thuốc là một chuyện phổ biến. Đây là một vấn đề rất lớn. Ở các nước như Mỹ, họ kiểm soát ngay từ các công ty bằng cách xem danh sách chi hoa hồng của doanh nghiệp xem anh chi cho những ai để phát hiện. Chúng ta cũng muốn kiểm soát việc này nhưng rất khó. Tôi mong là qua đợt này, chúng ta sẽ phát hiện được ra xem tiêu cực nằm ở lĩnh vực nào, dược hay thiết bị y tế.

Theo ông có những hình thức hối lộ như thế nào của các công ty nước ngoài trong lĩnh vực y tế ?

Họ có thể tài trợ dưới hình thức mời đi nước ngoài tham dự hội thảo. Nhiều công ty có thể tài trợ cho mấy trăm người đi dự hội thảo, chi phí mỗi người vài ngàn USD, cộng lại đã thành một khoản lớn.

Hình thức hối lộ trong lĩnh vực này rất đa dạng. Không chỉ tài trợ cho cán bộ cho đi thăm (du lịch), trả tiền trực tiếp hoặc hoa hồng theo đơn thuốc, gói thiết bị mà còn có những cơ chế hối lộ rất tinh vi, không qua tài khoản, không qua ngân hàng. Đây là câu chuyện khá phổ biến trên thế giới mà nhiều nước cũng phải đau đầu để xử lý. Như ở Trung Quốc, họ tìm xem chứng từ có vấn đề gì để xem xét, xử lý. Đó cũng là một cách giám sát.

Tôi nghĩ là với những công bố, phát hiện của cơ quan điều tra ở nước ngoài như vậy cũng sẽ giúp chúng ta thấy được mức giá thuốc, giá thiết bị y tế thực tế mà các công ty nước ngoài cung cấp cho ta như thế nào để tránh bị chi phối bởi những khoản hoa hồng rất khó kiểm soát.

Tôi rất muốn trong Luật Đấu thầu có quy định chặt chẽ, có mục riêng cho việc đấu thầu cung ứng thuốc và thiết bị y tế để kiểm soát. Nhưng việc này cũng rất khó vì nó khá phổ biến ở nhiều nước.

Thực tế hoạt động tài trợ cho đi nước ngoài, chi tiền, hoa đồng với cán bộ, bác sĩ y tế ở Việt Nam khá phổ biến và rõ ràng tiềm ẩn nguy cơ hối lộ, tiêu cực. Theo ông, có giải pháp nào để kiểm soát, phát hiện và xử lý sai phạm trong việc này?

Theo tôi việc đó rất khó. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đó họ hay mời đi tham dự hội thảo khoa học. Bình thường thì đây cũng là dịp tốt cho cán bộ y tế nâng cao trình độ chuyên môn. Nhưng ẩn bên trong đó, có chế độ, chính sách tài chính cho người cán bộ, bác sĩ được mời đó thì chúng ta khó biết được. Ở đây là vấn đề y đức, sự tự giác hay cách thức quản lý của cơ quan chủ quản cán bộ, bác sĩ đó.

Có khá nhiều công ty cung cấp dược phẩm, thiết bị y tế nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Làm thế nào để kiểm soát được hoạt động này, thưa ông ?

Tôi nghĩ là có hàng chục công ty dược, cung cấp thiết bị y tế nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Và tôi nghĩ là ở chỗ nào cũng có hoa hồng chứ không phải không nhưng làm thế nào để phát hiện là việc khó.

Có cơ chế kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ y tế, bác sĩ để hạn chế tình trạng nhận hối lộ, chung chi chiết khấu, hoa hồng như này không?

Việt Nam có cơ chế buộc kê khai tài sản rồi. Nhưng thực tế, văn hóa tiền mặt ở Việt Nam dẫn đến việc rất khó kiểm soát. Ở Nhật, họ kiểm soát thu nhập bác sĩ rất chặt. Thu nhập của bác sĩ ở họ gấp 3 lần ở nhiều lĩnh vực khác nhưng vì kiểm soát chặt, bác sĩ chỉ có thu nhập chính đó thôi. Còn ở ta, lương bác sĩ nhiều bệnh viện lớn theo chế độ thế thôi nhưng chúng ta cũng không kiểm soát được hết các nguồn thu nhập khác. Tôi nghĩ, chỉ sau này, khi chúng ta kiểm soát được tất cả các nguồn thu nhập qua tài khoản thì tình hình chống tham nhũng mới thuận lợi hơn.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm