Hà Tĩnh:

"Nghe nói chồng mình cứu được phi công, tôi mừng quá!"

(Dân trí) - “Thấy người lạ đến nhà mới đầu tôi quá hoảng sợ, tưởng có chuyện gì xảy ra. Sau khi nghe mọi người nói chồng mình cứu được phi công, tôi mừng quá, nhẹ cả người”, chị Trần Thị Lê - vợ ngư dân đã cứu được phi công chiếc Su-30MK2 gặp nạn - chia sẻ.

Từ đầu giờ trưa đến nay, các lực lượng chức năng trên bờ của tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa liên lạc được với các tàu của lực lượng chức năng chở phi công Nguyễn Hữu Cường và tàu của ngư dân Phạm Xuân Lệ - người phát hiện và cứu được anh Cường trên biển.

Các lực lượng chức năng trên bờ của Hà Tĩnh đang cố liên lạc với các tàu ngoài biển
Các lực lượng chức năng trên bờ của Hà Tĩnh đang cố liên lạc với các tàu ngoài biển

Ông Trần Ngọc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho biết, thông tin ban đầu là tàu của anh Phan Xuân Lệ và tàu của các lực lượng chức năng chở phi công Nguyễn Hữu Cường có thể sẽ cập Cảng Cửa Sót (Thạch Kim).

Tuy nhiên, một cán bộ thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng Hà Tĩnh đang túc trực tại cảng Cửa Sót, cho biết: “Theo dự kiến ban đầu sẽ cập cảng Cửa Sót nhưng do cảng nước quá nông nên các tàu rất khó để cập cảng. Và có thể các tàu sẽ thay đổi vị trí cập cảng ở Cửa Hội”. Tuy vậy, công tác đón tàu và phi công vẫn được chuẩn bị sẵn sàng ở Cửa Sót.

Sáng nay, nhà ngư dân Phạm Văn Lệ ở thôn 4, xã Thạch Bằng, Lộc Hà, Hà Tĩnh tấp nập người ra vào thăm hỏi tình hình anh Lệ và sức khỏe của phi công Nguyễn Hữu Cường.


Vợ anh Lệ (giữa) hồi hộp chờ tàu của chồng cập bến. (Ảnh: Tiền phong)

Vợ anh Lệ (giữa) hồi hộp chờ tàu của chồng cập bến. (Ảnh: Tiền phong)

“Thấy người lạ đến nhà mới đầu tôi quá hoảng sợ, tưởng có chuyện gì xảy ra. Sau khi nghe mọi người nói chồng mình cứu được phi công, tôi mừng quá, nhẹ cả người. Cầu mong mọi người khỏe mạnh, yên bình!”, chị Trần Thị Lê, vợ anh Phạm Văn Lệ nói.

Theo chị Lê, cách đây 6 ngày, tàu anh Lệ rời bến để đánh cá tại khu vực Nghệ An, trên tàu có 7 người. “Sáng nay, chồng tôi gọi về có nói chuyện gì đó về phi công hay máy bay nhưng tôi nghe không rõ. Nhưng hiện giờ thì không thể liên lạc với anh được nữa. Tôi cũng đang rất lo lắng và chờ đợi tàu của anh vào bờ”, chị Lê chia sẻ.

Chị Trần Thị Lê kể từ lúc nghe tin cũng đứng ngồi không yên. Từ 11h trưa nay, chị nhờ người thân trông mẹ già yếu để xuống Cảng Cửa Sót chờ đón tàu của chồng cập bờ. Đến 12h30, chị lại nghe tin phải vài tiếng nữa tàu chuyên dụng của Biên phòng mới kéo tàu của chồng chị cập cảng...

“Tôi hồi hộp lắm. Biết anh và các thuyền viên đi trên tàu cứu được người, lại là phi công quân sự, gia đình tôi mừng lắm. Sốt ruốt đợi tàu cập bờ để nghe anh và mọi người thuật lại câu chuyện”- chị Lê hồi hộp nói.

Cùng có mặt tạ Cảng Cửa Sót với chị Lê là người em trai của anh Lệ, anh Phạm Ngọc Trí (48 tuổi). Trưa nay, trong cái nắng chang chang, anh Trí cùng nhiều người dân trong xóm kiên nhẫn đứng dưới hàng phi lao cạnh bờ biển Cửa Sót để chờ đợi tàu của anh trai cập cảng.


Anh Trí ngóng tàu của anh trai giữa trưa nắng.

Anh Trí ngóng tàu của anh trai giữa trưa nắng.

Anh Trí chia sẻ về việc anh trai mình cứu sống được một phi công máy bay Su-30MK2 gặp nạn.

“Mừng lắm em ạ. Mừng cho người phi công bị nạn được sống sót trở về” – anh Trí nói. Anh kể, vào khoảng 5h sáng nay, anh nhận được điện thoại của anh trai báo tin vừa cứu sống một phi công gặp nạn. “Anh ấy thông tin, khi đó chừng 4h sáng, tàu đánh cá của anh ấy đang trên đường đi vào bờ thì gặp một người bám vào phao kêu cứu. Anh lập tức quay tàu cứu người, sau mới biết đó là phi công. Anh ấy bảo khi đưa phi công lên tàu cá thì sức khỏe của phi công này rất ổn, tỉnh táo” – anh Trí thông tin thêm.

Xuân Sinh - Văn Dũng