Nghề “đánh đổi” tính mạng lấy... sắt vụn
(Dân trí)- Họ ra đi từ lúc gà chưa gáy sáng, có khi cả tuần mới về. Hành trang mang theo chỉ là nắm lương khô ít ỏi và dụng cụ duy nhất để hành nghề chính là cái máy rà sắt. Để kiếm được chén cơm cho gia đình, có khi họ phải bỏ cả tính mạng.
Nghề bạc bẽo và nguy hiểm
Chúng tôi về với núi Dài, núi Cấm, đồi Tức Dụp thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang), nơi đây từng chịu nhiều trận bom của địch rải xuống nên cho đến bây giờ còn sót lại rất nhiều. Chính vì thế đã hình thành nên những gia đình làm nghề chuyên đi tìm những phế tích này để mưu sinh.
Đến nhà anh Nguyễn Văn Lâm ở khóm An Bình, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, một người được xem có thâm niên trong nghề rà sắt. Anh Lâm kể: “Chúng tôi thường đi rất sớm, dụng cụ thì chẳng có gì ngoài cây gậy thô sơ, phía dưới gắn một bộ phận rà kim loại hình tròn, giữa gậy có một biến điện dùng pin, tai mang phone để nghe báo tín hiệu khi rà gặp sắt. Đó chính là cái máy rà sắt mà tôi cũng như anh em trong nghề đã bỏ ra hơn 700.000 đồng đã mua”.
Anh Lâm còn cho biết, đoạn đường từ nhà đến nơi để hành nghề hơn chục cây số, toàn đi bộ chứ đường xe thì rất khó khăn nên nhiều khi mỗi chuyến đi phải mất cả tuần lễ mới về đến nhà. Anh Lâm thở dài cho biết: “Đi xa nhưng nhiều lúc cũng chẳng thu hoạch được gì, có khi trắng tay nếu gặp những ngày mưa. Anh em chúng tôi đều nghèo cả, có thì chia nhau vài trăm ngàn đồng mà về nuôi vợ, nuôi con”.
Ngôi nhà của anh Lâm, hai bên vách, trước sau đều không được lành lặn, chỗ vá chỗ không, chỗ trống chỗ kín; bên trong thì ngổn ngang đồ đạc nhưng chỉ là những vật dụng rẻ tiền. Theo gia chủ, vật dụng đáng giá nhất trong nhà chính là cái máy rà sắt của mình.
Không riêng gì nhà anh Lâm, nhà của anh Châu Thanh Hải ở gần đó cũng chẳng khá hơn. Anh Hải cho biết, nghề rà sắt này này bạc bẽo lắm và nguy hiểm nữa. Nhiều khi phải chạy chốn vì chủ đất không cho mình đào trên đất của họ. Rồi còn bị chính quyền địa phương cảnh cáo trước dân vì tìm gặp vỏ đạn, thuốc súng mà không chịu nộp. Nhưng không làm, rồi nộp lại thì lấy gì mà ăn.
Ngoài anh Lâm, anh Hải, ở thị trấn Ba Chúc, xã Lương Phi và Ô Lâm của huyện Tri Tôn còn nhiều người theo nghề rà sắt cũng có cuộc sống tương tự. Hầu hết họ đều nghèo, không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định nên vẫn duy trì nghề dù biết nguy hiểm vô cùng, có thể mất mạng bất cứ lúc nào, nhưng chẳng ai chịu bỏ nghề vì buông ra không biết làm gì để sống.
Bỏ cả tính mạng vì những mảnh sắt vụn
Do có quá nhiều người làm nghề nên sắt ở vùng Tri Tôn, Tịnh Biên cạn dần, nhiều người đã phải đi xa hơn tận Hà Tiên, Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang để rà tìm. Theo kinh nghiệm của họ, lúc rà tìm ít sợ hơn là lúc đào, xới vì nếu gặp phải trái nổ hoặc đạn lép thì nguy hiểm vô cùng.
Một người dân ở xã Lương Phi (huyện Tri Tôn) cho biết, tai nạn trong nghề này xảy ra như cơm bữa, như trường hợp của anh Huỳnh Văn Lanh ở thị trấn Ba Chúc bị cụt mất hai ngón tay và hư luôn con mắt trái; hay như anh Đoàn Văn Nhiều bị bỏng nặng do nổ trái đạn sau khi dùng búa đục lấy phế liệu. Hoặc thảm hại hơn, có khi phải bỏ cả mạng sống.
Anh Trương Hoài Tâm ở xã Lương Phi bị mìn nổ cụt một chân trong một lần đi rà tìm ở Chi Lăng - An Giang. Anh cho biết, làm nghề này chẳng có bảo hộ an toàn gì nên chuyện bị mất tay, mất chân, có khi mất cả mạng rất dễ xảy ra. Nhưng vì chén cơm manh áo và chỉ biết cái nghề này nên vẫn cứ phải làm.
Một người trong nghề là ông Phùng Văn Lôi ở ấp An Nhơn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn cho hay, cả nhà ông đã có bốn người theo nghề. Trước đây vùng đất An Nhơn bom đạn rất nhiều, cứ mỗi lần nghe có tiếng nổ thì đồng nghĩa một người nào đó gặp nạn. Ông Lôi kể một vụ tai nạn nghề nghiệp vào khoảng năm 1998, sau chuyến đi rà, thu về chiến lợi phẩm là trái đạn 105 ly, một người hàng xóm tên Phùng ra nhà ngồi cưa định lấy sắt bán thì trái đạn phát nổ và thân thể anh bị phân thành từng mảnh.
Ông Trương Văn Điệp ở làng An Nhơn, xã Lương Phi, cũng có con chết vì nghề này. Năm 1999, con trai ông là Trương Văn Tây cùng 2 người bạn sang Hà Tiên - Kiên Giang rà sắt. Giữa trời mưa tầm tã, con ông đã phải bỏ mạng vì bom phát nổ.
Ông Điệp còn kể thêm, có anh Hứa Minh Học ở ấp An Thành, xã Lương Phi cũng chết thảm trong lúc đào xới đụng phải trái nổ. Đó chỉ là những trường hợp mà chúng tôi tìm hiểu và biết được còn từ trước đến nay, đã có bao nhiêu người ngã xuống vì cái nghề “quái ác” này thì chưa có con số thống kê chính xác.
Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Lương Phi xót xa: “Trong xã có hơn 200 thanh niên làm nghề rà mảnh đạn. Vùng đất này vẫn còn nhiều kíp mìn, bom, đạn chưa nổ nhưng vì miếng cơm manh áo, nhiều anh em đã bất chấp nguy hiểm, hăm hở lên đường kiếm sống mặc cho cái chết rình rập bên mình. Thật sự chúng tôi cũng rất khó quản lý về việc làm này của người dân”.
Huỳnh Hải