Nghệ An đề nghị Trung ương giám sát việc thu phí BOT
(Dân trí) - Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền đề nghị Trung ương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát mức giá, lộ trình tăng giá vé, thời gian thu phí, minh bạch về kiểm soát phương tiện qua trạm thu phí các dự án BOT.
Sáng 21/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT. Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 2 dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT. Trong đó, tuyến tránh TP Vinh dài 25km do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) đầu tư theo hình thức BOT, được sử dụng nguồn vốn thu phí tại trạm thu phí cầu Bến Thủy và Bến Thủy 2.
Dự án mở rộng QL1A đoạn Km368+400 (Nghi Sơn) - Km402+330 (Cầu Giát) qua tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An do Liên danh Cienco 4 - Tổng Công ty 319 đầu tư xây dựng, sử dụng nguồn vốn thu phí tại trạm thu phí Hoàng Mai để hoàn vốn.
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, các dự án BOT vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc về chế tài quản lý cũng như cơ chế chính sách. Đặc biệt, giá thu phí, lộ trình tăng phí các công trình giao thông theo hình thức BOT nhiều điểm còn chưa phù hợp.
Thời gian vừa qua, rất nhiều người dân huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) và thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) đã nhiều lần đưa xe ô tô ra tập trung hai đầu cầu Bến Thủy để phản đối đơn vị BOT thu phí tại đây. Người dân cho rằng di chuyển trên tuyến Quốc lộ 1A từ TP Vinh sang huyện Nghi Xuân qua cầu Bến Thủy và ngược lại là không đi trên dự án BOT tuyến tránh Vinh, nhưng phải gánh phí với mức cao là bất hợp lý.
Phía Cienco 4 mặc dù đã có nhiều điều chỉnh về giá cũng như các chính sách hỗ trợ khác nhưng chưa nhận được sự đồng tình của người dân.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An.
UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các Bộ, ngành có giải pháp giải quyết một cách lâu dài, hợp lý, đảm bảo quyền lợi của nhân dân và của Nhà đầu tư. Theo ông Huỳnh Thanh Điền, cần bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến công trình BOT; tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, cần triển khai xây dựng và có quy định mức giá, lộ trình tăng giá, thời gian thu phí phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhân dân và nhà đầu tư.
Tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Bộ GTVT có giải pháp giải quyết một cách lâu dài trước kiến nghị của các chủ phương tiện không đi trên tuyến tránh mà vẫn phải nộp phí khi đi qua cầu Bến Thủy.
Ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Cienco 4 cho rằng, kiến nghị di dời trạm thu phí cầu Bến Thủy của người dân hay miễn phí cho người sống hai bên cầu là rất khó khăn cho nhà đầu tư. Lộ trình tăng phí của cầu Bến Thủy phù hợp với Thông tư 159 của Bộ GTVT. Trên cơ sở kiến nghị của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Cienco 4 kiến nghị với Bộ GTVT, Bộ Tài chính sớm có giải pháp giảm thu phí cầu Bến Thủy, giải quyết bức xúc của người dân trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, đoàn sẽ tập hợp, rà soát các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Nghệ An để Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá lại hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến mô hình BOT trong thời gian tới.
Liên quan đến việc thu phí cầu Bến Thủy, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp giảm phí cho người dân thường xuyên đi qua cầu Bến Thủy. Bộ cũng chỉ đạo các trạm thu phí chuyển sang thu phí không dừng để chống ùn tắc và tạo minh bạch tại các trạm thu phí BOT.
Hoàng Lam