Nghệ An: Đại họa ở sông Quàng
Ở 2 xã Châu Thắng, Châu Tiến (thuộc huyện Quỳ Châu) và xã Quế Sơn (huyện Quế Phong), nơi có con sông Quàng chảy qua, vàng “tặc” đang hoành hành dữ dội.
Sông Quàng đáng thương!
Thuyền khai thác vàng moi móc khắp lòng sông. Phương tiện cơ giới dùng vòi rồng ngoạm vào đôi bờ sông sâu hàng chục mét. Nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Dọc bờ sông dài gần 7km, hiện có 18 tổ của 17 ông chủ đóng ở hai bên bờ. Mỗi tổ 6 - 10 người nhưng khi cao điểm cần đến cửu vạn ở địa phương có tổ lên tới 30 người.
Phương thức khai thác của tàu ở lòng sông là cho vòi rồng sục xuống hút cát lên máng đãi. Ở trên bờ, họ dùng máy Đông Phong hút nước rồi phụt cực mạnh vào bờ sông cho đất đá xói lở rồi dùng một vòi khác hút nước, đất, cát đó ra máng đãi.
Đêm sông Quàng không có điện, chỉ dùng đèn măng sông nhưng có nhiều tổ vẫn tiếp tục khai thác. Ở đây con nghiện xuất hiện, hút chích thường xuyên. Một số gái mại dâm không ngại rừng thiêng nước độc đến bãi vàng để hành nghề.
Sông Quàng đã trở nên dị dạng. Những ngọn núi có nhiều cây cổ thụ bên bờ sông bị sạt lở, trông như những vết thương khổng lồ. Ngọn núi Mồ có cây thị ngàn năm tuổi phía bờ bắc thuộc địa phận bản Tiềng Mọn (xã Quế Sơn) bị đào bới không thương tiếc. Núi này đã bị khoét mất chân có thể đổ xuống bất cứ lúc nào.
Dọc bờ sông dài hơn 10km bị sạt lở trầm trọng. Chúng tôi đi trên bờ thỉnh thoảng vẫn thấy những tảng đất lớn sụt xuống.
Ông Vi Kim Thanh - Trưởng bản Chiềng Ban II nhìn dòng nước sông Quàng đỏ ngầu bức xúc: “Từ khi những người khai thác vàng đến đây, đất rừng và đất canh tác của dân bị sạt lở nhiều, nước sông không dùng được, không tắm được, lội xuống bị lở chân, nhiều hộ gia đình sống bằng nghề đánh cá giờ cũng bỏ hết vì chẳng có con gì có thể sống nổi trên dòng sông Quàng. Trâu, bò uống nước sông về trướng bụng rồi lăn ra chết. Còn người thì mang bệnh tật”.
Chính quyền địa phương làm ngơ?
Tình trạng khai thác vàng trái phép ở sông Quàng đã có từ năm 1987 đến 1991, người dân tứ xứ đổ về đây để tìm kiếm vận may. Nhưng từ khi có đá đỏ xuất hiện ở Châu Bình họ lại bỏ khai thác vàng đi tìm đá đỏ. Đến năm 2002 lại tái diễn rầm rộ cho đến tận bây giờ.
Chủ tịch UBND xã Châu Thắng, ông Lương Thanh Nhau, cho biết: “Năm 2004 công an, dân quân xã Châu Thắng, Châu Tiến phối hợp với công an xã Quế Sơn vào truy quét nhưng đâu lại vào đấy. Còn bây giờ, khi chưa có sự chỉ đạo của huyện, chúng tôi cũng không thể tự ý hành động”.
Bà Lương Thị Hồng - Phó Chủ tịch huyện Quỳ Châu lại nói: “Chúng tôi sẽ thành lập đoàn liên ngành vào kiểm tra”. Thế nhưng Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Nguyễn Đình Yên khi được hỏi về tình trạng khai thác vàng bừa bãi lại tỏ ra ngạc nhiên không biết.
Trước thực trạng tàn phá của vàng “tặc”, lòng sông bị đứt gãy, gây cản trở dòng chảy, hai bên bờ sông bị sạt lở trầm trọng, tạo đà cho sự xâm thực của nước gây nên lũ lụt. Bà con các làng bản, các xã có con sông Quàng chảy qua đang khẩn thiết kêu cứu. Đề nghị chính quyền hai huyện Quỳ Châu và Quế Phong sớm có biện pháp xử lý dứt điểm việc đào vàng ở sông Quàng.
Theo Tiến Dũng - Văn Trường
Tiền Phong