Nghệ An: Chủ động đối phó siêu bão
(Dân trí) - Diễn biến của cơn bão Megi hay còn gọi là siêu bão, di chuyển nhanh và để chủ động trước tình hình này, chiều ngày 18/10 UBND tỉnh Nghệ An đã họp khẩn để đối phó với cơn bão này.
Ông Nguyễn Đình Chi - PCT UBND tỉnh, trưởng ban phòng chống lụt bão Nghệ An cho biết, do mưa lũ lớn từ ngày 14 - 18/10, trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại lớn về người và của. Thống kê của các địa phương đã có 13 người bị thiệt mạng ở các huyện Thanh Chương, Nghi Lộc, Đô Lương, Diễn Châu, Nam Đàn, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn và Thị xã Cửa Lò. Tài sản, công trình nhà cửa, hoa màu trong tỉnh bị thiệt hại hơn 372 tỷ đồng.
Theo đó, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã cử các đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão ở các huyện Thanh Chương, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò và huyện Hưng Nguyên.
Hiện nay vết trượt có xu thế phát triển chậm, Hạt quản lý đê Hưng Nguyên cử người theo dõi 24/24h và thường xuyên báo cáo kết quả về Văn phòng thường trực BCH PCLB &TKCN.
Công tác cứu hộ, cứu nạn được BĐBP và Bộ CHQS tỉnh Nghệ An bố trí các phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, điều động 3 xuồng máy xuống thường trực tại các huyện Nam Đàn, Đô Lương và thị xã Cửa Lò. Theo đó, huy động hơn 5.000 cán bộ chiến sỹ thuộc cơ quan Bộ CHQS tỉnh, quân sự các huyện, thành, thị phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương làm nhiệm vụ sơ tán nhân dân ra khỏi vùng lũ.
Nghệ An cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ ban đầu cho tỉnh khoảng 100 tỷ đồng, 3.000 tấn gạo để cứu đói, cấp 200 tấn ngô giống, 10 tấn hạt giống rau, 100 cơ số thuốc phòng chống dịch cho người và 6 tấn Bencozít phòng trừ dịch bệnh gia súc. Đồng thời cũng đề nghị Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cấp cho Nghệ An 15 chiếc xuồng cứu hộ TS 660 và TS 450 để thực hiện sơ tán, cứu hộ cứu nạn nhân dân vùng ngập lụt, 5.000m2 vải bạt, 3.000m2 vải lọc, 3.000 áo phao, 5 phao bè, 30 nhà bạt và 500 phao tròn.
Nguy cơ vỡ đập
Tại huyện miền núi Tân Kỳ, mưa lớn kéo dài trong mấy ngày qua đã làm 3 công trình thuỷ lợi là đập Ba Trâu ở xã Kỳ Tân, đập Bàu Sen ở xã Đồng Văn, đập 26/3 ở xã Tân an bị sạt lở, 102 cống qua đường bị nước xói lở, cuốn trôi. Cuối buổi chiều nay (18/10), nước lũ bắt đầu tràn vào một số nhà dân vùng thấp trũng và vùng ven sông suối. Tuyến đường 15B nhiều đoạn đã bị ngập sâu trong nước.
Tại huyện Quỳ Châu, mực nước trên sông Hiếu đo được vào sáng nay lên đến 71,78m, nước lũ đã làm chia cắt 7 bản bên kia sông. Nhiều cầu tràn bị ngập như: Cầu tràn sang bản Hoa Tiến, cầu tràn tại Bản Lìm đi Châu Hoàn.
Huyện Quỳ Hợp, bốn cầu cống và gần 40km kênh mương bị vùi lấp, nhiều chỗ bị hư hỏng nặng. Cầu tràn từ thị trấn Quỳ Hợp sang xã Châu Đình bị vỡ khiến các xã Châu Đình, Văn Lợi và Hạ Sơn đã bị cô lập. Tại các xã có nguy cơ sạt lở cao như Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Thành, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện và các xã đã chủ động di dời toàn bộ các hộ dân ở dọc hai bên các sông suối, triền núi có nguy cơ bị lũ quét về các địa điểm tập kết đã được chuẩn bị sẵn.
Tại huyện Con Cuông, mưa lớn làm xói lở hàng nghìn m3 đất đá tại tràn tạm Khe Mọi xã Lục Dạ, Cầu Kẻ Sùng xã Mậu Đức và hạ lưu đập Nà Cọ xã Bình Chuẩn, Phai Lòng xã Đôn Phục. Đường giao thông liên xã Bồng Khê đi Mậu Đức, Đôn Phục, Bình Chuẩn bị ách tắc, sạt lở. Các thôn bản Khe Nóng, Khe Bu, Khe Nà, Đồn biên phòng 553 xã Châu Khê bị mất liên lạc trong nhiều ngày do nước dâng cao. Mưa lớn còn cuốn trôi 3 cầu tạm bắc ngang qua các khe suối, 38 phai đập, nhiều đoạn kênh mương đã bị vỡ.
Tại huyện Anh Sơn, hiện nay, 16 bến đò ngang của huyện đều bị đình chỉ lưu thông vì nước sông quá lớn. Trong khi đó, tại thị xã Thái Hoà có 3 xóm với gần 300 nhân khẩu bị cô lập, 16/43 hồ đập hết sức chứa đang tràn ra ngoài trong khi trời vẫn tiếp tục mưa to và mực nước sông Hiếu vẫn đang lên nhanh.
Danh sách 13 người chết ở Nghệ An: 1, Nguyễn Văn Luân (27 tuổi), Thanh Hương, Thanh Chương. 2, Nguyễn Văn Đồng (17 tuổi), Thanh Hương, Thanh chương. 3, Đặng Thọ Kiên (14 tuổi), xã Nghi Trường, Nghi Lộc. 4, Hoàng Văn Đức (16 tuổi), xã Nghi Xá, Nghi Lộc. 5, Hoàng Văn Minh (50 tuổi), xã Nghi Xá, Nghi Lộc. 6, Trần Văn Nghiêm (60 tuổi), ở xã Hồng Sơn, Đô Lương. 7, Hoàng Sỹ Bảy (50 tuổi), xóm 6, xã Diễn Lộc, Diễn Châu. 8, Phạm Văn Tuấn (42 tuổi), xã Nam Kim, Nam Đàn). 9. Lê Văn Quý (SN 2000), xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn 10. Trần Thị Hoa (SN 1985), xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu. 11. Nguyễn Văn Đại (1997), Nam Phúc, Nam Đàn 12. Nguyễn Thị Nga (SN 1983), TX Cửa Lò 13. Lương Thị Kim (20 tuổi), trú huyện Kỳ Sơn. |