Nghệ An chi gần 19 tỷ đồng bảo tồn khẩn cấp đàn voi
(Dân trí) - Nghệ An xác định voi là loài có số lượng ít và đang bị đe dọa tuyệt chủng, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Chính vì vậy, lực lượng chức năng đã đề xuất nhiều phương án để tiến hành bảo tồn đàn voi, duy trì nòi giống cho loài.
Chiều 22/7, tại TP Vinh (Nghệ An) đã diễn ra Hội thảo Xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn đàn voi tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 -2025.
Quần thể voi ở Việt Nam thuộc loài voi châu Á hiện chỉ còn ở 13 quốc gia và đang bị đe dọa tuyệt chủng. Trong số 13 nước châu Á, Việt Nam còn số lượng voi ít nhất và đang bị đe dọa tuyệt chủng rất cao.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2018, nước ta có khoảng 100 đến 130 cá thể voi và voi được Chính phủ xếp vào Sách đỏ, được ưu tiên bảo vệ cao nhất.
Từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành “Đề án bảo tồn voi Việt Nam đến năm 2020”, trong đó quy hoạch ít nhất 3 vùng ưu tiên bảo tồn và phát triển bền vững quần thể voi hoang dã, trong đó có Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát (Nghệ An).
Hội thảo xác định 12 hành động khẩn cấp và dự kiến dành khoản kinh phí khoảng 18,7 tỷ đồng để triển khai bảo tồn voi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025
Tại Nghệ An, quần thể voi hoang dã còn khoảng 13-14 cá thể chia thành 4 đàn nhỏ, phân bố tại 2 khu vực là VQG Pù Mát và phụ cận; vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
Để bảo tồn đàn voi, năm 2013, Nghệ An đã phê duyệt “Dự án khẩn cấp bảo tồn đàn voi tỉnh Nghệ An đến năm 2020”; qua đó xây dựng được gần 29 km đường tuần tra rừng, 3 trạm dừng chân, 2 chòi canh lửa, 4,43 km hào ngăn voi bằng đá hộc đã có tác dụng ngăn chặn voi ra phá hoại hoa màu nhà cửa nhân dân vùng Cao Vều, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn.
Từ năm 2013 đến nay không xảy ra hiện tượng voi bị săn bắn và đàn voi ở VQG Pù Mát đã sinh thêm 2 cá thể nhỏ.
Tại hội thảo, các đại biểu cung cấp thêm một số thông tin về phát hiện đàn voi trên địa bàn; đồng thời đề xuất hỗ trợ kinh phí đền bù cho người dân khi bị voi phá hoại; chế độ cho người tham gia bảo vệ...
Thông qua định hình xác định nơi cư trú và hướng di chuyển của đàn voi, từ đó tạo sinh cảnh voi sinh sống, tuyên truyền người dân giảm xung đột, bảo vệ đàn voi…
Trên cơ sở thảo luận, Hội nghị xác định 12 hành động khẩn cấp và dự kiến dành khoản kinh phí khoảng 18,7 tỷ đồng để triển khai bảo tồn voi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025.
Ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, yêu cầu VQG Pù Mát tiếp thu, hoàn thiện “Đề án bảo tồn voi giai đoạn 2020-2025” để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Tại buổi hội thảo, ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Nghệ An là 1 trong 3 tỉnh còn lại đàn voi hoang dã khoảng trên 10 cá thể. Chính vì vậy, đề nghị các Sở ngành và địa phương liên quan tiếp thu để có kế hoạch hành động khẩn cấp và cụ thể nhằm bảo vệ đàn voi.
Ông Hồng cũng yêu cầu VQG Pù Mát tiếp thu, hoàn thiện “Đề án bảo tồn voi giai đoạn 2020-2025” để trình UBND tỉnh phê duyệt. Các sở ngành xem xét bố trí kinh phí để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng voi phá hoại hoa màu và lực lượng phản ứng nhanh bảo vệ đàn voi; tích cực huy động, kêu gọi kinh phí từ nhiều nguồn để xây dựng không gian, sinh cảnh cho đàn voi hoạt động; các địa phương cần có giải pháp tuyên truyền nhằm phòng tránh, giảm xung đột dẫn tới săn bắn, gây hại cho đàn voi.
Nguyễn Phê